06:06 03/11/2022

Kinh tế châu Âu lao đao, Đông Nam Á “vạ lây” thế nào?

An Huy

Giới phân tích ngày càng lo ngại rằng khả năng suy thoái ở phương Tây có thể đặt ra trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế các nước Đông Nam Á trong thời gian còn lại của năm nay và sang cả năm 2023...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: DW.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: DW.

Theo tờ báo DW của Đức, hoạt động xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á đang bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các thách thức kinh tế mà châu Âu phải đối mặt. Giới phân tích ngày càng lo ngại rằng khả năng suy thoái ở phương Tây có thể đặt ra trở ngại đối với sự phục hồi kinh tế các nước Đông Nam Á trong thời gian còn lại của năm nay và sang cả năm 2023.

Hồi tháng 9, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào một cuộc suy thoái trong năm tới, thậm chí có thể dẫn tới một chuỗi các cuộc khủng hoảng tài chính tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi. Công ty nghiên cứu tài chính Fitch Solutions dự báo kinh tế Mỹ sẽ “suy thoái nhẹ” vào cuối năm 2023. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo khu vực Eurozone sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,1% trong năm nay nhưng chỉ đạt 0,5% trong năm 2023 - theo báo cáo mới nhất của định chế này đưa ra hồi tháng 10.

Bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy, đặc biệt là rủi ro sụt tốc của kinh tế châu Âu, đang che phủ triển vọng kinh tế Đông Nam Á.

Lạm phát tăng vọt, giá năng lượng leo thang, cũng các ảnh hưởng kinh tế khác từ chiến tranh Ukraine có thể khiến các nền kinh tế ở châu Âu chật vật trong 12 tháng tới, và người tiêu dùng trong khu vực sẽ cắt giảm chi tiêu. Điều đó sẽ là một tin xấu đối với các nhà xuất khẩu ở Đông Nam Á, nhất là trong lĩnh vực dệt may - ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của nhiều nước trong khu vực.

 

Lạm phát và nguy cơ suy thoái ở châu Âu đã dẫn tới sự giảm tốc của xuất khẩu ở Đông Nam Á. Kinh tế EU suy yếu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, vì EU là một trong 4 đối tác thương mại lớn nhất của các nước trong khu vực.

“Sự giảm tốc của hoạt động xuất khẩu ở khu vực Đông Nam Á sẽ xấu thêm”, chuyên gia kinh tế trưởng Brian Lee Shun Rong của công ty dịch vụ tài chính lớn nhất Malaysia Maybank phát biểu trong cuộc trao đổi với DW. “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc thêm, và rủi ro suy thoái tăng thêm. EU có thể rơi vào suy thoái vì khu vực này tiếp tục hứng chịu những cú sốc về nguồn cung và chi phí sinh hoạt từ chiến tranh Nga-Ukraine”.

Các số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu của Đông Nam đã giảm tốc từ tháng 7 đến nay.

6 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng dệt may của Campuchia - ngành hàng chiếm hơn một nửa tổng xuất khẩu của nước này - tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng giảm còn 19,9% trong tháng 7 và sụt về 2,7% trong tháng 8. Đến tháng 9, xuất khẩu dệt may của Campuchia thậm chí giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái - theo Tổng cục Hải quan nước này.

Ông Ken Loo, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất hàng dệt may Campuchia, nói với DW rằng ông nhận thấy xuất khẩu dệt may của Campuchia sang thị trường châu Âu sẽ tiếp tục giảm trong quý 4 năm nay và sang năm 2023.

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng 14,8% trong năm ngoái, đạt 63,6 tỷ USD. Trong tháng 8-9 năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Chuyên gia Rong của Maybank dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá hàng tháng của Việt Nam sang EU có thể giảm về ngưỡng 1 con số, hoặc thậm chí xuống ngưỡng âm trong quý 4 năm nay và đầu năm 2023.

Đối với Malaysia, tăng trưởng xuất khẩu sang EU được dự báo đạt 26% trong năm nay, nhưng có thể giảm còn 1,3% trong năm 2023 - theo nhận địch của UOB Research. Thái Lan và Myanmar, hai nước xuất khẩu dệt may lớn khác, cũng đã chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu sang các nước EU.

“Lạm phát và nguy cơ suy thoái ở châu Âu đã dẫn tới sự giảm tốc của xuất khẩu ở Đông Nam Á”, ông Lay Hwee Yeo, Giám đốc Trung tâm EU ở Singapore, nhận định. “Kinh tế EU suy yếu chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á, vì EU là một trong 4 đối tác thương mại lớn nhất của các nước Đông Nam Á”.

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chiếm khoảng 1/10 kim ngạch thương mại hàng năm của khu vực, nhưng chiếm một tỷ trọng cao hơn nhiều trong kim ngạch xuất khẩu của khối này.

Vấn đề phức tạp hơn khi nhiều nhà nhập khẩu ở châu Âu đang có lượng hàng tồn kho lớn do thương mại tăng vọt trong những tháng đầu của năm 2021 và sự dư thừa nguồn cung trong giai đoạn phục hồi từ đại dịch - theo ông Loo.

Tuy nhiên, một số tổ chức doanh nghiệp lại đưa ra một bức tranh khả quan hơn về thương mại trong thời gian tới giữa châu Âu và Đông Nam Á.

Ông Chris Humphrey, Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN, tổ chức đại diện doanh nghiệp châu Âu tại Đông Nam Á, nói rằng đầu tư của châu Âu vào khu vực này đã phục hồi mạnh. Năm 2021, các doanh nghiệp châu Âu đã rót 25,5 tỷ USD vốn đầu tư vào Đông Nam Á. Thương mại hai chiều giữa EU với ASEAN đến cuối 2021 đã phục hồi về gần mức trước đại dịch, đạt 270 tỷ USD cả năm - ông Humphrey cho biết thêm.

 

Lạm phát tăng vọt, giá năng lượng leo thang... có thể khiến các nền kinh tế ở châu Âu chật vật trong 12 tháng tới, và người tiêu dùng trong khu vực sẽ cắt giảm chi tiêu. Điều đó sẽ là một tin xấu đối với các nhà xuất khẩu ở Đông Nam Á, nhất là trong lĩnh vực dệt may - ngành hàng xuất khẩu lớn nhất của nhiều nước trong khu vực.

“Đã có một sự phục hồi mạnh mẽ trong thương mại giữa EU và ASEAN trong năm 2021 và sự phục hồi tiếp tục trong nửa đầu năm 2022, khi cả hai khu vực cùng thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19”, ông nói.

Ông Humphrey thừa nhận khả năng suy giảm thương mại giữa châu Âu với Đông Nam Á trong những tháng sắp tới là có, nhưng “chúng tôi vẫn tin tưởng rằng mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ giữa EU và ASEAN sẽ tiến lên phía trước”.

Chuyên gia kinh tế cấp cao Trinh Nguyen của ngân hàng đầu tư Pháp Natixis nói rằng các doanh nghiệp nên lường trước “sự giảm tốc, thay vì sụp đổ của xuất khẩu”. Cũng theo bà Nguyen, ảnh hưởng đến mỗi nước Đông Nam Á sẽ không giống nhau, trong đó những nước như Việt Nam và Campuchia dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề kinh tế ở phương Tây hơn vì có tỷ trọng xuất khẩu so với GDP lớn hơn.

Một vấn đề khác đối với các nền kinh tế trong khu vực là nhu cầu của Trung Quốc có thể không phục hồi đủ nhanh và mạnh để bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu từ châu Âu, bà Nguyen nhấn mạnh. Ngoài ra, Mỹ và châu Âu, hai thị trường xuất khẩu chính của Đông Nam Á, có thể cùng rơi vào suy thoái một lúc.