Vì sao trái phiếu chính phủ bị bán tháo trên toàn cầu?
Động thái của Moody's và dự luật thuế của Mỹ có vẻ đã thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và cả trái phiếu chính phủ của một số nền kinh tế lớn khác...

Một cuộc bán tháo đang được đẩy mạnh trên thị trường trái phiếu toàn cầu sau khi tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Ratings cắt giảm điểm tín nhiệm của Mỹ và dự luật thuế của Tổng thống Donald Trump khiến nhà đầu tư lo ngại ngại về nợ nần và thâm hụt ngân sách của Washington.
Trao đổi với hãng tin CNBC, nhà quản lý danh mục Rong Ren Goh của công ty Eastspring Investments nói rằng những sự kiện như hạ điểm tín nhiệm hay kế hoạch ngân sách gây gia tăng thâm hụt ngân sách thường khiến nhà đầu tư lo ngại về vấn đề tài khóa. Vì mối lo này, thị trường sẽ định giá lại rủi ro dài hạn.
Ngày 22/5, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật thuế và chi tiêu của Đảng Cộng hòa - với nội dung gia hạn chương trình cắt giảm thuế năm 2017 của ông Trump và tăng một số khoản chi tiêu gồm chi tiêu quốc phòng. Theo một số ước tính, dự luật này sẽ khiến nợ công của Mỹ tăng thêm 3-5 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm. Sau khi được phê chuẩn ở Hạ viện, dự luật đã được chuyển tới Thượng viện cho một cuộc bỏ phiếu tiếp theo.
Trước đó, vào hôm 16/5, Moody’s giảm một bậc điểm tín nhiệm quốc gia của Mỹ từ mức cao nhất Aaa xuống Aa1.
Những diễn biến này có vẻ đã thúc đẩy nhà đầu tư bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ và cả trái phiếu chính phủ của một số nền kinh tế lớn khác.
“Thị trường không cho rằng dự luật thuế ‘lớn lao, đẹp đẽ’ của ông Trump là ‘đẹp đẽ’. Trái phiếu kho bạc Mỹ đã bị vùi dập trong một cuộc bán tháo lớn”, Giám đốc điều hành Vishnu Varathan của công ty chứng khoán Mizuho Securities nói với CNBC.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm đã vượt mốc 5% phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch ngày 22/5, cao nhất kể từ tháng 11/2023. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm đã tăng hơn 15 điểm cơ bản kể từ đầu tuần.
Đợt bán mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ này diễn ra sau khi giới đầu tư đã có một đợt thoái vốn mạnh khỏi các tài sản Mỹ trong tháng 4, và nguyên nhân chủ yếu của những cuộc rút lui này đều là tình trạng suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào tài sản Mỹ - giới quan sát đánh giá.
Khi bán trái phiếu kho bạc Mỹ trong tháng 4, nhà đầu tư mua mạnh trái phiếu chính phủ Nhật và Đức. Nhưng lần này, họ vừa bán trái phiếu kho bạc Mỹ, vừa rút vốn khỏi nhiều thị trường trái phiếu lớn khác.
Việc trái phiếu kỳ hạn dài bị xả ở mỗi thị trường xuất phát từ các yếu tố không giống nhau, nhưng cũng đều có chung một nguyên nhân là mối bất an gia tăng về hướng đi tài khóa. “Những mối lo này đang dẫn tới việc nhà đầu tư đánh giá lại phần bù kỳ hạn mà họ đòi hỏi để nắm giữ những trái phiếu kỳ hạn dài hơn”, ông Goh nói.
Phiên ngày thứ Năm, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 4 năm lập kỷ lục ở mức 3,689%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 30 năm cũng đạt 3,187%, gần cao nhất mọi thời đại. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm đã tăng 9 điểm cơ bản trong 4 phiên giao dịch đầu của tuần này, lên 1,57%.

Việc đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản đột ngột dốc nhanh có một số nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là một vấn đề mang tính cấu trúc. Các công ty bảo hiểm nhân thọ của Nhật Bản - một lực lượng mua lớn trên thị trường trái phiếu chính phủ nước này do phải đáp ứng một số quy định - hiện không còn mua nhiều nữa, vì về cơ bản đã đáp ứng được các quy định đó, theo ngân hàng Bank of America.
Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang dịch chuyển chính sách tiền tệ theo chiều hướng thắt lại - một hướng đi xung đột với việc Chính phủ Nhật có mức vay nợ lớn. Điều này cũng là một nguyên nhân khiến trái phiếu chính phủ Nhật bị bán tháo, theo ông Varathan.
Bán tháo xảy ra trên thị trường trái phiếu chính phủ Nhật đặt ra một vấn đề lớn hơn đối với trái phiếu chính phủ Mỹ. “Khi tài sản Nhật Bản có giá rẻ hơn và gia tăng sức hút đối với các nhà đầu tư Nhật, việc thoái vốn khỏi tài sản Mỹ càng diễn ra mạnh hơn”, ông George Saravelos - trưởng chiến lược ngoại hối toàn cầu của ngân hàng Deutsche Bank - nhận định trong một báo cáo.
Trái phiếu chính phủ Đức cũng đang bị bán tháo. Lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 30 năm đã tăng hơn 12 điểm cơ bản trong tuần này, còn lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng hơn 6 điểm cơ bản.
“Việc Đức từ bỏ quy định về phanh nợ, cùng với việc các nước châu Âu tăng chi tiêu cho quốc phòng, báo hiệu sự kết thúc của khuynh hướng thắt lưng buộc bụng ở châu Âu và một sự hồi sinh của triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực. Chắc chắn đó là chất xúc tác cho việc trái phiếu bị bán tháo”, chiến lược gia Philip McNicholas của công ty Robeco nhận xét với CNBC.
Trái phiếu chính phủ Đức cũng đương đầu với áp lực giảm giá do thâm hụt ngân sách lớn hơn - một vấn đề có thể mang tính cấu trúc - ông Varathan nhận xét.
“Nhà đầu tư không thực sự ham thích các trái phiếu kỳ hạn dài ở thời điểm này”, chiến lược gia trưởng Steve Sosnick của công ty Interactive Brokers nói với CNBC.
Chưa kể, mối lo về lạm phát toàn cầu là một yếu tố bất lợi khác đối với các trái phiếu kỳ hạn dài, theo ông Sosnick. Ông nói thêm rằng các trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn thường chịu ảnh hưởng từ chính sách của ngân hàng trung ương, trong khi trái phiếu kỳ hạn dài hơn lại bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi kỳ vọng của nhà đầu tư về tương lai của nền kinh tế.
Trái với những gì đang diễn ra trên các thị trường trái phiếu lớn, trái phiếu của một số nền kinh tế mới nổi được mua nhiều, dẫn tới lợi suất của các trái phiếu này giảm.
Chẳng hạn lợi suất trái phiếu chính phủ Ấn Độ và Trung Quốc kỳ hạn 10 đều giảm. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng lực lượng chính trên thị trường trái phiếu chính phủ của các nước này là các nhà đầu tư trong nước, một phần do các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ. Tuần này, lợi suất trái phiếu chính phủ Ấn Độ kỳ hạn 10 năm đã giảm khoảng 2 điểm cơ bản, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc cùng kỳ hạn giảm nhẹ.
“Nhà đầu tư nước ngoài và các yếu tố toàn cầu không phải là những yếu tố quyết định đường cong lợi suất trái phiếu của các nước này”, ông Sosnick nhấn mạnh.