09:41 18/04/2014

Vì sao Ukraine cấm nam công dân Nga nhập cảnh?

Thanh Hải

Các biện pháp này được áp dụng không chỉ đối với đường hàng không, mà còn đối với tất cả các đường giao thông vận tải khác

Lực lượng Biên phòng Ukraine kiểm tra giấy tờ người dân qua lại biên giới với Nga - Ảnh: Itar-Tass.<br>
Lực lượng Biên phòng Ukraine kiểm tra giấy tờ người dân qua lại biên giới với Nga - Ảnh: Itar-Tass.<br>
Cơ quan Biên phòng quốc gia Ukraine hôm 17/4 xác nhận rằng, nam công dân Nga trong độ tuổi từ 16 tới 60 đã bị cấm nhập cảnh vào Ukraine cho dù họ di chuyển bằng bất cứ phương tiện giao thông nào.

Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời đơn vị báo chí của Cơ quan Biên phòng quốc gia Ukraine cho hay, cơ quan này đã tạm thời thông qua các biện pháp can hệ trước tiên đến nam giới vì họ là những người có "thể chất khỏe mạnh" và đó là những người "có thể bằng cách nào đó gây ảnh hưởng" đến tình hình ở vùng phía đông của đất nước.

Các biện pháp này được áp dụng không chỉ đối với đường hàng không, mà còn đối với tất cả các đường giao thông vận tải khác. "Hiện các biện pháp này được tiến hành ở tất cả các cửa khẩu", đại diện đơn vị báo chí cho biết khi trả lời câu hỏi, liệu lệnh cấm này có áp dụng đối với tất cả các phương tiện vận tải hay không.

Theo hãng tin RIA Novosti, trước đó, hãng hàng không Nga Aeroflot cũng tuyên bố nhận được một bức thư từ giới chức Ukraine về lệnh cấm nhập cảnh nói trên. Lệnh cấm này không áp dụng với những người đi cùng người thân là phụ nữ hoặc trẻ nhỏ, hoặc những ai có giấy tờ xác nhận đi thăm viếng thân nhân ốm đau hay qua đời.

Lệnh cấm nhập cảnh này cũng không áp dụng với các thành viên phi hành đoàn, nhân viên kỹ thuật trên các chuyến bay, hãng hàng không lớn nhất nước Nga tuyên bố.

"Những phụ nữ Ukraine từ 20 - 35 tuổi đã đăng ký là công dân Crimea và thành phố Sevastopol, sẽ được nhập cảnh vào Ukraine chỉ sau khi đã được xác minh", Aeroflot cho biết thêm. Aeroflot khuyến nghị, những hành khách thuộc diện bị cấm tạm thời ngừng tới Ukraine. Công ty này sẽ trả lại tiền cho những ai đã mua vé tới Ukraine.

Theo hãng tin Reuters, ngay trong ngày 17/4, Bộ Ngoại giao Nga đã yêu cầu Ukraine giải thích về việc đưa ra lệnh cấm nhập cảnh đối với nam công dân Nga từ 16 đến 60 tuổi và cho biết sẽ cân nhắc biện pháp đáp trả.

Cũng liên quan tới tình hình Ukraine, đêm qua (17/4, giờ Việt Nam), tại Geneva (Thụy Sỹ), đại diện 4 bên gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu và Ukraine đã nhất trí thông qua một tuyên bố chung về những ước đi cụ thể đầu tiên nhằm tiến giới làm giảm bớt căng thẳng tại Ukraine cũng như khôi phục an ninh đối với các công dân.

Tuyên bố nêu rõ, tất cả các bên cần tránh mọi hành động vũ lực, đe dọa hoặc khiêu khích. Tất cả các bên tham gia hội nghị kiên quyết lên án và bác bỏ mọi biểu hiện quá khích, phân biệt chủng tộc hoặc không dung hòa về tôn giáo, bao gồm cả chủ nghĩa bài Do Thái.

Đại diện bốn bên nhất trí rằng, tất cả các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải giáp, toàn bộ các tòa nhà bị chiếm đóng trái phép phải được trả cho chủ sở hữu hợp pháp, tất cả các đường phố, quảng trường và các địa điểm công cộng khác bị chiếm đóng trái phép ở các thành phố và các điểm dân cư của Ukraine phải được giải phóng.

Các bên yêu cầu lệnh ân xá, bảo đảm cho tất cả những người biểu tình rời khỏi các tòa nhà, các công trình công cộng khác và giao nộp vũ khí, trừ những người phạm tội nghiêm trọng. Ngoài ra, tiến trình cải cách hiến pháp đã được công bố phải toàn diện, minh bạch và có trách nhiệm.

Các bên thống nhất phái bộ giám sát đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu cần đóng vai trò đi đầu trong hỗ trợ Kiev và các cộng đồng địa phương thực thi biện pháp giảm căng thẳng ở các khu vực cần thiết trong những ngày tới. Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga sẽ ủng hộ phái bộ này, cử các quan sát viên tham gia.

Mặc dù hy vọng về khả năng tìm được giải pháp ngoại giao cho vấn đề Ukraine, song phát biểu từ Nhà Trắng hôm 17/4, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tỏ ra nghi ngờ về thỏa thuận trên. Ông cho rằng, đây là một bước đi "hứa hẹn", nhưng việc thực thi các thỏa thuận này vẫn còn phải chờ xem trong vài ngày tới.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Kerry cho rằng, thỏa thuận này sẽ phải được thực thi nhanh chóng và nghiêm túc trên thực tế trong những ngày tới. Ông Kerry cũng cảnh cáo Nga về những đòn trừng phạt mạnh mẽ hơn, nếu như việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine không đạt được tiến triển nào.