09:38 11/04/2007

Vì sao Việt Nam chưa có công ty tầm cỡ?

Danh sách 2.000 công ty lớn nhất thế giới mà tạp chí kinh doanh Forbes vừa công bố không có tên doanh nghiệp Việt

Ông Vũ Thành Tự Anh.
Ông Vũ Thành Tự Anh.
Tạp chí kinh doanh nổi tiếng của Mỹ, Forbes, vừa công bố danh sách 2.000 công ty lớn nhất thế giới. Nhiều nước Đông Nam Á có tên trong danh sách này, ví dụ Thái Lan có 13 công ty, Indonesia có 4. Không có công ty nào của Việt Nam lọt vào danh sách.

Thực sự là Việt Nam chưa có những doanh nghiệp thật lớn, hay còn vì những yếu tố khác? Và làm thế nào để Việt Nam có những công ty tầm cỡ quốc tế? TS. kinh tế Vũ Thành Tự Anh, Phó giám đốc phụ trách nghiên cứu thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright ở Tp.HCM đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh chủ đề này.

Ông Vũ Thành Tự Anh nói:

- Có mấy điểm cần lưu ý. Liệu có phải thực sự Việt Nam chưa có công ty lớn hay không? Nếu là quy mô trên một tỷ đôla, tôi nghĩ chắc khó tìm thấy ở Việt Nam.

Cần nói thêm là kế toán ở Việt Nam không được minh bạch. Nhiều doanh nghiệp rất lớn, nhưng vốn của họ thể hiện trên giấy tờ khiêm tốn hơn nhiều. Có công ty chia nhỏ doanh nghiệp của mình thành nhiều công ty khác nhau để tránh dòm ngó của cơ quan quản lý và đối thủ. Liên quan doanh nghiệp nhà nước, khó đánh giá giá trị thực sự của các doanh nghiệp này. Có kiểm toán đấy, nhưng rất nhiều tài sản nằm ngoài phạm vi kiểm toán.

Nhưng nhìn tổng quan, theo tôi, khó tìm được doanh nghiệp nào thật sự lớn ở Việt Nam, vì nhiều lý do. Để có doanh nghiệp lớn, điều đầu tiên là phải có hỗ trợ tài chính. Hiện nay, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán thực ra chưa bao nhiêu. Giá trên sàn cũng không phản ánh giá trị thực của công ty. Với một thị trường vốn, thị trường vay nợ như vậy, khó mà bảo rằng doanh nghiệp có thể lớn được.

Nhìn về 5, 10 năm tới, theo anh, có rộng cửa để công ty tư nhân lọt vào Top 10 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam không, hay chủ yếu vẫn là công ty nhà nước?

Chắc chủ yếu vẫn là các tập đoàn lớn hoặc tổng công ty của nhà nước. Khả năng huy động vốn của công ty tư nhân phụ thuộc nhiều vào các kênh khác, ngoài các kênh truyền thống hiện nay, đặc biệt thị trường chứng khoán sẽ đóng vai trò quan trọng. Hai năm trở lại đây, khả năng huy động vốn từ sàn chứng khoán của doanh nghiệp còn rất hạn chế. Năm ngoái, con số này là hơn 1000 tỉ đồng (huy động mới), nghĩa là không đáng kể.

Trong 5, 10 năm tới, một khả năng khác là việc liên kết với các hãng nước ngoài. Khả năng này rất có thể xảy ra trong khu vực ngân hàng, tài chính. Nếu có doanh nghiệp tư nhân nào phát triển thật tầm cỡ, nhiều khả năng nó xuất hiện từ khu vực ngân hàng, tài chính.

Một số doanh nghiệp như FPT hay Vinamilk có tiềm năng phát triển hơn nữa, nhưng cũng khó đạt đến tầm cỡ 1, 2 tỷ đôla như các công ty trong danh sách Top 2000 của Forbes.

Một xu hướng gần đây là việc lập các tổng công ty. Có người so sánh đây sẽ là các "chaebol" ở Việt Nam. Xin anh cho biết suy nghĩ về mô hình này, liệu nó có giúp tạo nên những công ty Việt Nam mang tầm cỡ khu vực không?

Tôi khá nghi ngờ về khả năng này. Mô hình chaebol của Hàn Quốc hay keiretsu của Nhật đã phát triển dựa trên điều kiện đặc thù của giai đoạn khi chúng ra đời. Đó là giai đoạn người ta chấp nhận các tổ chức kinh tế lớn do nhà nước kiểm soát hay hỗ trợ. Việt Nam nay đã gia nhập WTO, thì việc nhà nước dùng các kênh tài chính để hỗ trợ sẽ không còn được chấp nhận.

Thứ hai, việc thành lập các tổng công ty của Việt Nam thập niên 1990 và các nhóm tập đoàn gần đây không xuất phát từ nhu cầu thực tế, mà do mong muốn chủ quan nhiều hơn.

Thứ ba, khi các tập đoàn đó được hình thành, khả năng chúng mang tính độc quyền là rất cao. Độc quyền thì khó mà hiệu quả được. Nhìn theo nhiều góc độ như vậy, các tập đoàn được hình thành ở Việt Nam có thể lớn về quy mô, nhưng tôi không tin tưởng lắm vào hiệu quả đóng góp cho nền kinh tế.

Chúng ta cứ thử tưởng tượng có một ngày trong danh sách 1.000, 2.000 công ty hàng đầu thế giới có tên Việt Nam. Theo anh, để có một kịch bản như vậy, đòi hỏi những yếu tố gì?

Yếu tố thứ nhất chính là các doanh nghiệp phải có khát vọng trở thành công ty lớn. Khi anh hỏi nhiều doanh nghiệp Việt Nam có muốn lớn không, họ bảo thôi, thế này là được rồi. Không hẳn là họ không muốn, nhưng khi phát triển lên thì gặp rất nhiều trục trặc, thí dụ về cạnh tranh hay là bị sự chú ý từ cơ quan quản lý. Thế nên, chính các doanh nghiệp phải có khát vọng trở thành hạm đội lớn chứ không phải chỉ là hải đội thuyền thúng.

Môi trường kinh doanh rất quan trọng. Nhà nước nên có các chính sách giúp các doanh nghiệp lớn phát triển, ví dụ là tạo một môi trường lành mạnh hơn cho các công ty nhỏ và vừa. Sự phân biệt đối xử giữa công ty nhà nước và dân doanh, tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều tồn tại. Sự phân biệt hiện nay không nhất thiết hiện ra trên luật, mà có thể ngấm ngầm. Chính phủ nên tháo bỏ hoàn toàn sự phân biệt này.

Khi tạo ra các tổng công ty quá lớn, nó cũng đồng nghĩa là cơ hội cho khu vực tư bị thu hẹp. Mà chúng ta biết, đóng góp của khu vực tư vào nền kinh tế là rất quan trọng.

Cũng cần quan tâm đến khả năng phát triển của thị trường vốn. Như tôi đã nói, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tự có. Khả năng huy động vốn từ chứng khoán chỉ trở nên sôi động từ hai năm qua, mà sự sôi động ấy lại ẩn chứa những điều kiện chưa thật bền vững.

Tóm lại, phải làm thế nào để môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực dân doanh. Tôi nghĩ đó là những yếu tố rất quan trọng, tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam đứng trong nhóm 1000 hay 2000 công ty hàng đầu thế giới.