07:22 09/12/2018

Vì sao VietinBank hạ mạnh chỉ tiêu lợi nhuận và tăng trưởng tín dụng?

Minh Đức

Có thể hiểu ngân hàng này đang chủ động thực hiện kế hoạch lùi một bước để tiến nhiều bước

Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank cho biết sẽ áp dụng Basel 2 từ đầu 2019, sau khi cần chuẩn bị bước quan trọng từ trong 2018, và đây cũng là một nguyên do chính định hình các chỉ tiêu kinh doanh đại hội đồng cổ đông vừa thông qua.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank cho biết sẽ áp dụng Basel 2 từ đầu 2019, sau khi cần chuẩn bị bước quan trọng từ trong 2018, và đây cũng là một nguyên do chính định hình các chỉ tiêu kinh doanh đại hội đồng cổ đông vừa thông qua.

Ngày 8/12/2018, Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018, với bất ngờ về thay đổi các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.

Đại hội bất thường này, VietinBank đã thông qua các nội dung quan trọng về nhân sự, chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018, phương án phân phối lợi nhuận năm 2017, phương án cơ cấu lại dự án đầu tư tòa nhà trụ sở chính tại Ciputra…

Bất ngờ lớn có ở các chỉ tiêu kinh doanh năm 2018, khi thời điểm đưa ra đại hội so với kết năm chỉ còn tính từng ngày. Bất ngờ lớn vì các chỉ tiêu đó đều thấp hơn kết quả VietinBank đã đạt được sau 9 tháng đầu năm, theo báo cáo tài chính đã công bố.

Cụ thể, đại hội đồng cổ đông nói trên đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018: tổng tài sản có tăng trưởng 6 - 8%; dư nợ tín dụng tăng trưởng 8 - 9%; nguồn vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 9 - 10%; tỷ lệ nợ xấu (nội bảng) dưới 3%; và đặc biệt lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng chỉ 6.200 tỷ đồng (hợp nhất 6.700 tỷ đồng).

Trong đó, hai chỉ tiêu quan trọng là tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận năm. Cụ thể, 9 tháng đầu 2018 ngân hàng này đã đạt tăng trưởng tín dụng 12,8%, lợi nhuận trước thuế gần 7.600 tỷ đồng.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận đại hội bất thường trên vừa thông qua giảm so với mức dự kiến đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng ban đầu dự kiến 14%, lợi nhuận trước thuế có chỉ tiêu dự kiến 10.800 tỷ đồng.

Với những so sánh trên, kết quả kinh doanh quý 4/2018 của VietinBank dự kiến sẽ có ảnh hưởng lớn tới kết quả chung cả năm. Thời điểm kết thúc năm cũng đã sát kề, nên bất ngờ trên cơ bản cũng đã định hình trong tính toán của ngân hàng này khi trình và tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường.

Điểm chú ý còn lại là vì sao VietinBank giảm mạnh hai chỉ tiêu quan trọng đó so với dự kiến đầu năm, cũng như so với kết quả đã đạt được sau 9 tháng; hay kết quả kinh doanh quý 4 dự kiến sẽ có lỗ và cắt giảm mạnh tăng trưởng tín dụng?

Trong thông cáo về sự kiện đại hội trên, VietinBank cho biết lợi nhuận "sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới đây". Theo đó có thể hiểu ngân hàng này đang chủ động thực hiện kế hoạch lùi một bước để tiến nhiều bước.

Trao đổi cụ thể hơn với VnEconomy, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank cho biết, trước hết các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận năm 2018 nói trên được xác định là ở mức tối thiểu. Điều đó đi cùng với khả năng kết quả chốt năm có thể cao hơn.

Ở chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, dù xác định lại ở khoảng 8 - 9% cả năm, thấp hơn dự kiến đưa ra đầu năm, nhưng VietinBank khẳng định đảm bảo đáp ứng tốt các nhu cầu vay vốn của khách hàng.

Ở chỉ tiêu lợi nhuận, nguyên do chủ yếu nằm ở kế hoạch lớn khác của VietinBank đã bắt đầu triển khai.

Còn hạn chế chung, 2018 đã là năm thứ ba kéo dài yêu cầu tăng vốn điều lệ của VietinBank mà không thể thực hiện. Do tại đây tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đã được lấp đầy, tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã giảm xuống mức tối đa, nên ngân hàng không thể phát hành riêng lẻ để tăng vốn; tăng vốn từ cổ đông hiện hữu cũng bất khả thi vì không có nguồn từ ngân sách Nhà nước bố trí tham gia với tư cách là cổ đông lớn nhất…

Không tăng được vốn điều lệ suốt ba năm qua, các chỉ tiêu tăng trưởng tại VietinBank đã được khai thác đến gần giới hạn, đặc biệt về tín dụng. Tín dụng vẫn là nguồn chính, tạo cấu phần lớn cho lợi nhuận, và theo đó tăng trưởng lợi nhuận cũng hạn chế.

Như trên, với chỉ tiêu lợi nhuận chỉ 6.700 tỷ đồng năm nay, chắc chắn một điều mức độ nộp thuế từ VietinBank cho ngân sách sẽ giảm sút mạnh, lợi ích ngân sách qua cổ đông lớn nhất là Nhà nước cũng suy giảm bởi mức độ cổ tức chia được trên nền lợi nhuận đó.

Còn nguyên do của chỉ tiêu lợi nhuận trên, theo giải thích của ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank với VnEconomy, chủ yếu từ việc triển khai đề án tái cơ cấu vừa được phê duyệt.

Ông Thọ cho biết, ngày 27/11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 của VietinBank.

"Cũng như tất cả các ngân hàng thương mại khác thời gian qua, tái cơ cấu là hoạt động cần thiết để củng cố an toàn hoạt động và hướng tới những bước đi hiệu quả hơn. Khi phương án được duyệt, chúng tôi triển khai quyết liệt ngay từ trong năm nay", ông Thọ nói.

Cụ thể nhất, triển khai phương án tái cơ cấu này, ông Thọ cho biết ngay đầu năm 2019 VietinBank sẽ áp dụng các chuẩn mực Basel 2. Các chuẩn mực này đòi hỏi các bước chuẩn bị, cũng như tạo những tác động lớn đến hoạt động.

Khi áp dụng Basel 2, hệ số an toàn vốn bị ảnh hưởng theo hướng giảm đi và liên quan là tăng trưởng tín dụng. Đặc biệt, các tiêu chuẩn phân loại nợ được nâng cao hơn, đẩy một bộ phận nợ chuyển nhóm, tác động đến nợ xấu tăng lên mà đối ứng là chi phí trích lập dự phòng tăng lên, lãi dự thu giảm đi và lợi nhuận bị ảnh hưởng.

Đó là nguyên do chính tác động và VietinBank đã trù tính, chủ động chuẩn bị cho bước tái cơ cấu ngay trong năm 2018 và thể hiện luôn ở các chỉ tiêu kinh doanh dự kiến nói trên.

Ngược lại, sau bước tái cơ cấu đó, cùng với việc bắt đầu áp dụng Basel 2 từ 2019, ông Lê Đức Thọ dự tính các chỉ tiêu hoạt động của VietinBank sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong những năm tới.