14:31 02/06/2009

Việt kiều sở hữu nhà tại Việt Nam: "Mở cửa" cũng không nhiều người mua?

Nguyễn Lê

Dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai vẫn đang gây nhiều tranh cãi

Đại biểu Ksor Phước: Nếu xảy ra đầu cơ bất động sản thì thiệt hại vẫn là người trong nước - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Ksor Phước: Nếu xảy ra đầu cơ bất động sản thì thiệt hại vẫn là người trong nước - Ảnh: TTXVN.
Thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai, sáng 2/6, bên cạnh nhiều ý kiến quan ngại quy định quá mở, thiếu chặt chẽ, một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng không nên lo lắng vì có mở cũng sẽ không có nhiều người mua.

Mở đầu phần phát biểu của mình, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị ngay là chưa nên thông dự án luật tại kỳ họp này. Theo ông, việc Chính phủ đề nghị dùng 2 luật để sửa 1 luật (sửa một số điều của Luật Đất đai tại dự án luật này và dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản) là không khoa học, cần lùi lại để Chính phủ chuẩn bị tốt hơn. Vị đại biểu này cũng chỉ ra những bất cập của dự án luật so với một số quy định liên quan.

“Nhưng nếu Quốc hội vẫn quyết định sửa thì đề nghị bình đẳng như công dân trong nước. Dù Việt kiều có mua nhà thì vẫn chủ yếu là người trong nước sử dụng”, ông Thường nói.

Tuy nhiên, quan niệm về “bình đẳng” này lại làm cho nhiều đại biểu “chưa yên tâm”.

Đã nhiều lần thể hiện chính kiến, trước Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước vẫn giữ vững quan điểm “ không thể hoàn toàn bình đẳng” phải có sự phân biệt chứ quy định như dự luật là quá rộng.

Ông cho rằng, đất đai liên quan đến kinh tế, phải nghĩ đến 86 triệu người trong nước trước, vì nước ta còn tới 500 nghìn hộ nghèo chưa có nhà ở. Nếu quy định mở như vậy, người không  tốt sẽ đầu cơ bất động sản, và thiệt hại vẫn là người trong nước.

“Phải phân biệt, có một quốc tịch Việt Nam thì được mua nhà như như người Việt Nam, còn lại thì chỉ được một nhà ”, đại biểu đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (Nghệ An) cũng cho rằng quy định của dự thảo là quá rộng. Vì người có quốc tịch Việt Nam chiếm 70% trong số hơn 3 triệu người Việt định cư ở nước ngoài. Theo ông Nhị, nên bổ sung quy định phải chứng minh tiền mua nhà là hợp pháp để tránh rửa tiền và phải 18 tuổi trở lên mới được mua.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lo ngại quy định của dự luật chưa lường  hết tác động về mặt xã hội. Bởi số lượng nhà mà Việt kiều sở hữu quá lớn sẽ ảnh hưởng đến tình hình bất động sản, sẽ đầu cơ mua đi bán lại, tác động đến người nghèo trong nước.

Còn đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị phải nâng cao khả năng dự báo xem có khoảng bao nhiêu Việt kiều sẽ về mua nhà khi luật được thông qua , từ đó mới đặt vấn đề có nên sửa hay chưa, nên mở rộng hay không. Vị đại biểu này cho rằng không nên đơn giản hóa, mở rộng quá nhiều, điều kiện không chặt chẽ. 1 gia đình 6 người thì có thể mua thêm 5 cái nhà khi tách hộ, ông ví dụ.

Tuy nhiên, một số vị đại biểu cho rằng, có mở như thế này cũng không ai mua nhiều đâu, bởi vì chỉ mua để ở cho bản thân và gia đình, một năm về vài ba tháng thì chi phí bảo trì, bảo dưỡng nhà để về ở thì ở khách sạn rẻ hơn.

Đại biểu Trần Du Lịch dẫn số liệu của Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, rằng "ở các tỉnh khác tôi không biết nhưng với giá nhà đất ở Tp.HCM và Hà Nội nếu bán nhà ở Califonia mà sang đây mua thì thiệt lắm, vì giá ở đây đắt hơn và chưa phải là hấp dẫn".

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng không cần băn khoăn về chuyện người nước ngoài mua hết đất, vì  "hãy so sánh một vài tập đoàn nước ngoài hiện nay đang lấy đất của chúng ta rồi bán cho chúng ta, ví dụ như Ciputra hay rất nhiều tập đoàn khác, tại sao chúng ta không lo lắng mà lại lo lắng một số Việt kiều có quan điểm ái quốc muốn về đóng góp để mua nhà?".

Bên cạnh những góp ý cụ thể về hai điều trên trong dự thảo luật, một số đại biểu cũng “tranh thủ” phản ánh những lo ngại của cử tri khi pháp luật về đất đai hiện nay còn nhiều bất cập, dẫn đến những tranh chấp kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Song, thay vì sửa đổi cơ bản Luật Đất đai đúng lộ trình thì Chính phủ cứ xin lùi và đề xuất sửa từng điều.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) phát biểu, trong khi nhiều bức xúc của nhân dân về đất đai chưa được giải quyết, thì việc sửa luật này nhiều cử tri băn khoăn. Vậy nên việc mở rộng đối tượng Việt kiều được sở hữu nhà tại Việt Nam cần có lộ trình và cân nhắc kỹ lưỡng.

Nếu được Quốc hội thông qua, Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2009.

* Điều 126 của dự thảo luật quy định quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài như sau:

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam".