Việt Nam cần có Bộ Kinh tế số?
Theo ông Mai Liêm Trực, nhiều lĩnh vực như kinh tế, kế hoạch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông… cần tái cấu trúc lại trong cơ cấu của Chính phủ
Tầm vóc và vị trí quan trọng của kinh tế số - xu thế mà nhiều quốc gia đang xem là chiến lược đặc biệt quan trọng và không thể đi ngược - đang gợi mở về quan điểm Việt Nam cần thiết phải có một Bộ chuyên ngành để quản lý và làm bệ phóng cho kinh tế số này cất cánh.
Nhiều người có thể sẽ chưa hình dung hết về quy mô, tầm ảnh hưởng của nền kinh tế số cho dù nó đang hiện hữu ở mọi lĩnh vực thành phần kinh tế. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị mới đây về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã đưa ra những khái quát, con số cụ thể, trong đó đặt mục tiêu rất cao về sự phát triển của kinh tế số.
Cụ thể năm 2025, kinh tế số chiếm 25% GDP, còn 2030 là trên 30% GDP. Như vậy, có thể thấy kinh tế số sẽ chiếm một tỷ trọng tương đối cao trong nền kinh tế nói chung, khoảng 1/3 GDP, cùng xu hướng phát triển mạnh mẽ của nó, điều này đặt ra gợi mở cần thiết về việc thành lập một Bộ quản lý chuyên ngành kinh tế số.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong một sự kiện thuộc phạm vi quản lý của ngành thông tin và truyền thông hồi giữa năm nay, chia sẻ về việc gần đây chúng ta được nghe nhiều về kinh tế số. Theo ông, nhiều nước đã thiết lập một bộ mới, gọi là bộ kinh tế số. Có nước thì đổi tên Bộ Thông tin và Truyền thông thành Bộ Kinh tế số, như Thái Lan (tên cụ thể là Bộ Xã hội và Kinh tế số).
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho biết, hiện tại các quốc gia G20 thì giao cho các bộ ban ngành quản lý kinh tế số, trong đó 60% giao cho Bộ Thông tin truyền thông, 20% giao cho Bộ Thương mại, 20% còn lại giao cho Bộ Khoa học công nghệ. Ở đây, nếu Việt Nam làm theo hướng của G20 thì Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Bùi Quang Tuấn chia sẻ, trong buổi gặp gỡ và báo cáo trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cách đây chưa lâu, ông có đề xuất về việc thành lập một bộ mới, có tên là Bộ Kinh tế sáng tạo, để đáp ứng cho yêu cầu mới, bối cảnh mới - yêu cầu của kỷ nguyên số, chuyển đổi sang kinh tế số.
Theo Viện trưởng Bùi Quang Tuấn, kinh tế số - kinh tế dựa vào những yếu tố về công nghệ nhưng sử dụng được mạng không gian Internet, sau này thậm chí sẽ còn lớn hơn cả kinh tế thực. So với thế giới, Bộ Kinh tế sáng tạo không phải mới nhưng với Việt Nam lúc này cần thiết phải đề cập tới để đáp ứng cho một tư thế mới, chuẩn bị tương đối, toàn diện để nền kinh tế bắt nhịp được xu thế chuyển đổi số và kinh tế số.
"Chỉ có dựa vào kinh tế số và chuyển đổi số chúng ta mới đảm bảo được quá trình phát triển nhanh, bền vững và đuổi kịp các nước trong khu vực", Viện trưởng Bùi Quang Tuấn nhìn nhận, đồng thời cho rằng, việc thay đổi tư duy chỉ là một mặt, ngoài ra còn phải thay đổi cả về thể chế theo nghĩa tổ chức lại bộ máy để thể hiện rõ về việc coi đây - kinh tế số - là một trụ cột để đuổi kịp, hoặc thậm chí vượt các nước trong khu vực.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà nòng cốt là chuyển đổi số sẽ làm thay đổi toàn bộ nền kinh tế, xã hội, quản trị quốc gia.
Vì vậy, theo ông Trực, trong nhiệm kỳ tới, nhiều lĩnh vực như kinh tế, kế hoạch, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông… cần tái cấu trúc lại trong cơ cấu của Chính phủ. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông nên chuyển thành Bộ Kinh tế số.
Bộ Kinh tế số này đảm nhận việc xây dựng hạ tầng số, các nền tảng (platform)… cho kinh tế số, cho các ngành kinh tế, xã hội.
Ông Mai Liêm Trực cũng cho rằng, đối với công tác quản lý báo chí, xuất bản, tuyên truyền mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang quản lý như hiện nay thì nên tách khỏi Bộ Kinh tế số trong tương lai và nên giao cho các ban Tuyên giáo Trung ương và địa phương quản lý.