Việt Nam có thể thiếu nửa triệu tấn thịt lợn đến cuối năm 2019
Trong 10 ngày đầu tháng 8/2019, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục tăng do nguồn cung lợn thịt khan hiếm.
Theo dự báo, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt lợn, tương đương 20% nhu cầu, do đó giá thịt lợn tại Việt Nam có thể sẽ tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên đán.
Thiệt hại từ dịch tả lợn đã tương đương 10% tổng đàn
Báo cáo mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 8/2019, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục tăng do nguồn cung lợn thịt khan hiếm.
Theo đó, một lượng lợn lớn đã bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả lợn châu Phi, lên tới hơn 3 triệu con. Cùng với đó, nhiều hộ vẫn chưa dám tái đàn vì lo tiềm ẩn rủi ro nhiễm bệnh trở lại trong khi chi phí chăn nuôi cao.
So với cuối tháng 7/2019, hiện giá lợn tại nhiều tỉnh, thành tăng từ 2.000 - 5.000 đ/kg, lên mức 35.000 - 47.000 đ/kg.
Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động từ 42.000 - 47.000 đ/kg, tăng 3.000 - 5.000 đ/kg so với cuối tháng 7/2019.
Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên phổ biến từ 32.000 - 41.000 đ/kg, tăng từ 2.000 - 3.000 đ/kg.
Giá lợn hơi thương lái thu mua tại các khu vực chăn nuôi trọng điểm phía Nam hiện trung bình từ 35.000 - 40.000 đ/kg, tăng 3.000 - 5.000 đ/kg so với cuối tháng 7/2019.
Giá thịt lợn tại Việt Nam được dự báo tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm 2019, đặc biệt là vào dịp tết Nguyên đán. Nguyên nhân chính là do nguồn cung thịt lợn giảm do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Đáng chú ý, Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting dự báo đến cuối năm 2019, Việt Nam có thể thiếu 500.000 tấn thịt lợn, tương đương 20% nhu cầu.
Trong khi đó, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra đã tương đương 10% tổng quy mô đàn lợn Việt Nam.
Tính đến ngày 22/7/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.016 xã, thuộc 558 huyện của 62 tỉnh, thành phố (địa phương chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi là tỉnh Ninh Thuận).
Dự báo giá thịt lợn năm 2020 sẽ tăng mạnh
Về tình hình thế giới, tại thị trường Hoa Kỳ từ đầu tháng 8/2019 đến nay, giá lợn nạc tại Hoa Kỳ có xu hướng giảm so với cuối tháng 7/2019.
Ngày 12/8/2019, giá lợn nạc giao kỳ hạn tháng 10/2019 giao dịch ở mức 66,9 Uscent/lb, giảm 5,8% so với cuối tháng 7/2019 nhưng tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó tại Trung Quốc, kể từ cuối tháng 7/2019 đến nay, giá lợn bán buôn bình quân tại Trung Quốc tăng 3%, lên 18,59 NDT/kg (khoảng 63.400 đ/kg).
Tại một số tỉnh như Quảng Đông, Quảng Tây, Sơn Đông, Cát Lâm... giá lợn tăng lên mức khoảng 75.000 đ/kg, thậm chí tại Hà Bắc, Hà Nam giá đã tăng lên mức 81.000 - 85.000 đ/kg.
Ngân hàng Nomura dự báo, 6 tháng cuối năm 2019, giá thịt lợn tại Trung Quốc có thể tăng thêm 40% so với hiện nay.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Rabobank, với dịch tả lợn tiếp tục lan rộng tại các nước sản xuất thịt lợn lớn trên thế giới, nguồn cung thịt lợn toàn cầu sẽ giảm và dự báo giá thịt lợn trong năm 2020 tăng.
Ngoại trừ Hoa Kỳ, nhiều nước xuất khẩu thịt lợn sẽ không mở rộng sản xuất. Sản xuất thịt lợn tại Trung Quốc sẽ mất nhiều năm để phục hồi hoàn toàn, do đó Trung Quốc sẽ là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thịt lợn.
Trung Quốc hiện tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới, chiếm tới 50% mức tiêu thụ toàn cầu, và có tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) khoảng 1%.
Rabobank dự báo sản lượng thịt lợn Trung Quốc năm 2019 sẽ giảm 25% so với năm 2018 và năm 2020 sẽ giảm tiếp 15%.
Dịch tả lợn châu Phi đã khiến Trung Quốc phải tiêu hủy khoảng 200 triệu con lợn (chiếm 30% tổng đàn), cộng với căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc làm nguồn thịt lợn nhập khẩu từ Hoa Kỳ giảm đáng kể, khiến nguồn cung thịt ở thị trường Trung Quốc ở mức thấp.
Trong khi đó, Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO), sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2019 sẽ giảm 4% so với năm 2018, xuống còn 115,6 triệu tấn.
Trong đó, sản lượng thịt của Trung Quốc sẽ giảm 10% trong năm 2019 và tạo cơ hội lớn cho những nước sản xuất thịt lợn khác như Hoa Kỳ, Braxin và Nga tăng sản lượng.
Đồng thời, các ngành sản xuất các loại thịt khác, nhất là gia cầm, sẽ được hưởng lợi bởi nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng thịt gia cầm thay thế thịt lợn.