10:17 21/02/2023

Việt Nam kỳ vọng vào du lịch golf trong năm 2023

Tường Bách

Việc tổ chức trở lại các giải đấu và sự kiện của ngành golf, cùng với sự háo hức của du khách chơi golf sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế là một trong những nơi nhất định phải tới khi nhắc đến du lịch golf châu Á...

Ba Na Hills Golf Club tại Đà Nẵng. Ảnh: Golf Asian
Ba Na Hills Golf Club tại Đà Nẵng. Ảnh: Golf Asian

Tạp chí Drift Travel Magazine đã dẫn nhận định này từ Vietnam Golf Coast (VGC) — một tổ chức quảng bá điểm đến ngành golf đang chú ý tới các sân golf tại miền Trung Việt Nam. "Điểm đến chơi golf hàng đầu của châu Á không chỉ đang phục hồi sau đại dịch mà còn đang thu hút nhiều khách hơn," ông Gary Dixon, Tổng giám đốc của Ba Na Hills Golf Club, một trong những sân golf lớn thuộc VGC, cho biết.

Các câu lạc bộ golf tại miền Trung đang được coi là những trung tâm chơi golf hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở châu Á nói chung. Hiện tại, các đơn vị này cũng đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi hoạt động du lịch chơi golf quay trở lại một cách đầy hứa hẹn. Sự hồi sinh này cũng được phản ánh qua một số sự kiện golf lớn dự kiến diễn ra vào năm 2023, bao gồm Chung kết Châu Á của giải Faldo Series — giải đấu nghiệp dư toàn cầu duy nhất dành cho nam và nữ — sẽ diễn ra tại sân golf Laguna Golf Lăng Cô vào tháng 4 tới.

Miền Trung Việt Nam cũng sẽ tung ra tấm thảm đỏ chào đón ngành công nghiệp golf toàn cầu khi Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung, đăng cai tổ chức các giải đấu của Liên đoàn Công nghiệp Golf Châu Á (AGIF) và Giải đấu Phát triển Châu Á (ADT) trong suốt cả năm. Để tận dụng và tăng cường sức hút của miền Trung như là một điểm đến lớn của giới chơi golf, Đà Nẵng cũng đã và đang phát triển nhiều cơ sở hạ tầng golf lớn với thiết kế và chất lượng quốc tế.

Các công trình như Sân golf Laguna Lăng Cô 18 lỗ, 71 gậy được chính golf thủ 6 lần vô địch giải Major Nick Faldo thiết kế, Câu lạc bộ Golf Ba Na Hills 18 lỗ, 72 gậy tiêu chuẩn do cựu ngôi sao Ryder Cup người Anh Luke Donald thiết kế đều đang nằm trong bảng xếp hạng những sân golf nhất châu Á. Trong khi đó, còn nhiều sân golf nổi tiếng khác cũng do nhiều danh thủ golf thiết kế như Greg Norman, Colin Montgomerie, Robert Trent Jones Jr. và Jack Nicklaus.

Sân golf Laguna Golf Lăng Cô là nơi diễn ra  Chung kết Châu Á của giải Faldo Series.
Sân golf Laguna Golf Lăng Cô là nơi diễn ra  Chung kết Châu Á của giải Faldo Series.

Hội golf TP.HCM (HGA) cũng đã sẵn sàng cho một loạt các giải đấu lớn sẽ được tổ chức trong năm nay. Một năm được xem là tiếp tục bùng nổ các sự kiện golf ở Việt Nam bên cạnh cả các hoạt động quảng bá du lịch golf thời kỳ hậu Covid 19. Với tổng cộng 10 sự kiện trong đó có 7 giải đấu Open chính thức, HGA đã và đang chuẩn bị tất cả cho một mùa giải rất bận rộn này.

Theo ông Bùi Đức Long, Cổ đông sáng lập VGS Hidden Castle, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Quỹ đầu tư VGS Invest, thống kê của R&A và dữ liệu toàn cầu của National Golf Foundation cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2022, số lượng golfer tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, từ 25.000 người lên khoảng 100.000 người và dự kiến đạt khoảng 300.000 người vào năm 2025.

Khi kinh tế phát triển, nhất là trong bối cảnh hội nhập thế giới, phong trào golf ngày càng phát triển tại Việt Nam. Không chỉ là một môn thể thao, golf còn mang đến cơ hội tìm kiếm đối tác để phát triển kinh doanh. Từ golf sẽ mở ra các kênh giao lưu, kết nối ở những ngành nghề khác nhau. Chưa kể trung bình mỗi golfer quốc tế sang Việt Nam sẽ chi tiêu từ 2.500 - 3.000 USD.

 
Theo thống kê, hiện nay nước ta đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. Dự kiến đến năm 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố được triển khai, Việt Nam đủ khả năng thu hút khoảng 40.000 golfer quốc tế.

Điều này cho thấy du lịch golf tại Việt Nam đang trở thành ngành có tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ. Nhiều năm trở lại đây, các golfer trên thế giới đổ xô đến Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, nơi có chi phí chơi golf thấp và điều kiện thời tiết thuận lợi. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Thái Lan, xứ chùa vàng mỗi năm đón khoảng 700.000 golfer. Đây là những con số mà các nhà quản lý thể thao, chủ sân golf, hãng du lịch và hiệp hội phải quan tâm.

Ông Brian Curley - kiến trúc sư nước ngoài đã từng thiết kế xây dựng sân golf tại Việt Nam chia sẻ: "Sau khi trải qua 20 năm làm việc trong điều kiện địa hình khó khăn tại Trung Quốc, những gì mà Việt Nam có giống như một giấc mơ đối với chúng tôi vậy. Việt Nam có nhiều địa điểm bán sa mạc và đặc tính địa hình ấn tượng, phù hợp với sân golf. Tôi hy vọng được thấy sự tăng trưởng liên tục về số sân tại đây".

Sân golf The Bluffs Hồ Tràm Strip từng được hiệp hội World Golf Awards bình chọn là sân golf mới tốt nhất thế giới năm 2015.
Sân golf The Bluffs Hồ Tràm Strip từng được hiệp hội World Golf Awards bình chọn là sân golf mới tốt nhất thế giới năm 2015.

Tài chính luôn là rào cản lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển phong trào chơi golf ở nước ta. Do đó, các tổ chức và doanh nghiệp cũng cần phối hợp để tạo nên nhiều sân chơi cho golfer, như liên kết phát hành thẻ ưu đãi của ngân hàng, kêu gọi tài trợ cho giải thưởng Eagle, Hole-in-one hoặc ưu đãi nghỉ dưỡng đối với những sân chơi bất lợi về địa lý... 

Còn theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để du lịch golf Việt Nam phát triển, cần tăng cường sự kết nối, trong đó ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu giữa các câu lạc bộ golf. Những hoạt động của sân golf này kết nối với sân golf khác, địa bàn khác. Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm.

Trước đó, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa ra mắt video clip đầu tiên của năm Quý Mão 2023 trong chương trình truyền thông “Việt Nam: Đi để yêu!” với chủ đề “Du lịch golf - Tận hưởng từng khoảnh khắc”. Với độ dài 1 phút 41 giây, video clip mang đến một hành trình nhiều cảm xúc, giúp du khách có những trải nghiệm tuyệt vời về loại hình du lịch thể thao golf với những sân golf đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như tận hưởng những dịch vụ, tiện ích giải trí đẳng cấp tại Việt Nam.