11:49 08/08/2023

Việt Nam và Indonesia hợp tác thúc đẩy nghề cá biển, chống đánh bắt bất hợp pháp

Chương Phượng

Cuộc họp song phương giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Biển và Nghề cá Indonesia sẽ tạo tiền đề và mở ra nhiều cơ hội hợp nằm tiếp cận với công nghệ mới trong đánh bắt, bảo quản và chế biến hải sản và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên biển và chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU)…

Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực và có quyết tâm chính trị lớn trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống đánh bắt bất hợp pháp.
Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực và có quyết tâm chính trị lớn trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống đánh bắt bất hợp pháp.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Indonesia, chiều ngày 7/8/2023, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đã có cuộc làm việc song phương với Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, Ngài Sakti Wahyu Trenggono.

ĐỀ XUẤT 3 NỘI DUNG HỢP TÁC

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao cuộc gặp song phương giữa hai Bộ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Indonesia kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Đồng thời nêu lên 3 nội dung chính mong muốn hợp tác với Bộ Biển và Nghề cá Indonesia.

Thứ nhất: Khoa học công nghệ và thương mại thủy sản, đặc biệt đối với tôm hùm giống, cá ngừ và rong biển.

Thứ hai: Bản ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông Việt Nam và Bộ Biển và Nghề cá Indonesia về hợp tác nghề cá.

Thứ ba: Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

 

"Đề nghị Indonesia sớm mở cửa xuất khẩu mặt hàng tôm hùm giống sang Việt Nam; thống nhất Quy định điều kiện, gửi Danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện, tham gia cung ứng, xuất nhập khẩu và xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả đảm bảo truy xuất nguồn gốc".

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị Bộ trưởng Sakti Wahyu Trenggono xem xét, chỉ đạo để cơ quan chuyên môn hai Bộ thống nhất về Giấy chứng nhận kiểm dịch, thông tin, cập nhật tình hình dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh. 

Đối với hợp tác về rong biển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam mong muốn hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ công nghệ trong nuôi trồng, chế biến và xuất nhập khẩu giống rong chất lượng cao.

Đối với hợp tác về cá ngừ, Thứ trưởng đề nghị Bộ Biển và Nghề cá Indonesia tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước có cơ hội kết nối, hợp tác kinh doanh trực tiếp mà không cần thông qua một nước thứ ba.

Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị đẩy nhanh ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác nghề cá, hai bên nối lại tổ chức định kỳ các cuộc họp Ủy ban kỹ thuật chung về hợp tác thủy sản thời gian tới.

Bên cạnh đó, hai bên cần tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông tin về khai thác thủy sản trên biển nhằm giúp ngư dân khai thác ổn định, bền vững, đảm bảo sinh kế; tổ chức các diễn đàn, hội thảo xúc tiến thương mại, thúc đẩy thị trường nhằm tăng cường giao thương, hợp tác giữa hai nước.

THIẾT LẬP ĐƯỜNG DÂY NÓNG CHUNG VỀ CHỐNG IUU

Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định: "Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm, nỗ lực và có quyết tâm chính trị lớn trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Bởi vậy, hai bên cần nhanh chóng thiết lập đường dây nóng về chống đánh bắt cá bất hợp pháp".

Thứ trưởng Hoàng Trung làm việc với Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia.
Thứ trưởng Hoàng Trung làm việc với Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia.

“Đề nghị Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia thành lập Nhóm công tác chung về thực thi pháp luật và chia sẻ thông tin giữa hai bên, tổ chức họp thường niên, xây dựng thống nhất cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh trên biển và IUU. Hai bên cử cơ quan đầu mối trao đổi trực tiếp, tham mưu giữa hai Bộ, đặc biệt sớm thống nhất nội dung Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ”, Thứ trưởng Hoài Trung nói.

Bên cạnh đó, cần trao đổi, cập nhật thông tin trên tinh thần hợp tác các nước ASEAN, giải quyết các vi phạm trên tinh thần nhân đạo nghề cá đối với ngư dân hai nước, không hình sự hóa các vấn đề vi phạm. “Hai Bộ cần tăng cường hợp tác, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN trong các vấn đề liên quan nghề cá biển khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị.

Bộ trưởng Sakti Wahyu Trenggono nhất trí cao với đề xuất của Thứ trưởng Hoàng Trung về đẩy nhanh thống nhất và ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác nghề cá. Ngài Sakti Wahyu Trenggono nhấn mạnh mong muốn ký kết Bản ghi nhớ cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan vào thời gian sớm nhất có thể trong năm nay.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Sakti Wahyu đã giao nhiệm vụ cho cơ quan đầu mối là Cục Giám sát Nguồn lợi nghề cá biển Indonesia phối hợp, hoàn thiện nội dung với Cục Kiểm ngư Việt Nam về Thỏa thuận Thiết lập đường dây nóng về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, trao đổi, cập nhật thông tin giải quyết các vi phạm trên tinh thần nhân đạo nghề cá đối với ngư dân hai nước, không hình sự hóa các vấn đề vi phạm.

Cuộc họp song phương giữa hai Bộ đã đạt được nhiều kết quả thỏa thuận, được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề và mở ra nhiều cơ hội phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và ngư dân hai nước tiếp cận với công nghệ mới, tạo cơ hội để liên kết, giao thương và chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, trên tinh thần hữu nghị.

Đồng thời, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên biển và IUU vì một mục tiêu cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm, bền vững” và lợi ích chung của hai nước.

 

Trước đó, vào ngày 4/8/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Đại biểu nhân dân (Hạ viện) Indonesia, Puan Maharani. Trong cuộc hội đàm này, hai bên bàn thảo nhiều về hợp tác trong nghề cá biển, cùng nhất trí tăng cường hợp tác biển và nghề cá, thúc đẩy giải quyết các vấn đề liên quan tới IUU.

Theo đó, hai bên nhất trí phấn đấu đưa thương mại hai chiều vượt 15 tỷ USD trong thời gian tới và theo hướng cân bằng hơn, tạo thuận lợi thương mại, giảm rào cản thương mại và thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng mới có tính chiến lược, tận dụng tiềm năng và thế mạnh của cả hai bên. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Indonesia mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, nhất là thực phẩm Halal và trái cây (như vải, nhãn…), đồng thời tiếp tục tạo thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh tại Indonesia.

Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông; cùng phối hợp duy trì đoàn kết và lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông; thúc đẩy thực thi Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phối hợp chặt chẽ trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.