08:36 19/04/2016

Vietcombank sẽ thêm “cánh”?

Việt Hoàng

Sự trở lại của ngân hàng mạnh nhất một thời bắt đầu thể hiện, cùng kế hoạch mới

Với kết quả kinh doanh cơ bản quý 1/2016 vừa công bố, dù quy mô vốn, 
lượng nhân sự và mạng lưới thấp nhất trong khối ngân hàng thương mại nhà nước,
 nhưng Vietcombank đang cho thấy tiềm năng của ứng viên số 1 về lợi 
nhuận của hệ thống năm nay.
Với kết quả kinh doanh cơ bản quý 1/2016 vừa công bố, dù quy mô vốn, lượng nhân sự và mạng lưới thấp nhất trong khối ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng Vietcombank đang cho thấy tiềm năng của ứng viên số 1 về lợi nhuận của hệ thống năm nay.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2016. Kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ đã được xác định, để thêm “cánh” cho mục tiêu trở thành ngân hàng số 1 Việt Nam.

Như lãnh đạo Vietcombank đã gợi mở cuối năm qua, sau khi đã hoàn tất việc trích lập dự phòng rủi ro (với tỷ lệ lên tới khoảng 121% so với tổng nợ xấu), từ năm 2016 ngân hàng này sẽ bắt đầu tăng tốc về lợi nhuận.

Tại đại hội cuối tuần qua, gợi mở đó bắt đầu cụ thể hóa ở kết quả kinh doanh cơ bản quý 1/2016 được công bố. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 1 của Vietcombank đạt tới 3.596 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế và trích lập dự phòng rủi ro đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước, đạt 30% kế hoạch năm.

Tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này cuối quý 1/2016 được kiểm soát ở 1,76%. Nổi bật nhất, sau những năm gần đây thường khởi động chậm ở quý đầu tiên, thậm chí có năm tăng trưởng âm, tín dụng của Vietcombank trong quý vừa qua đã tăng tới 6,5%.

Điểm nổi bật trên gắn với hai đặc điểm đang có tại Vietcombank.

Thứ nhất, với tốc độ tăng trưởng tín dụng nói trên, tỷ lệ/điều kiện sử dụng vốn đã được đẩy cao hơn. Cuối 2015, tỷ lệ cho vay so với huy động của ngân hàng này khá thấp, chỉ 77,08% so với mức bình quân tới 98% của khối ngân hàng thương mại nhà nước.

Tỷ lệ sử dụng vốn thấp hơn là dư địa để Vietcombank mở rộng cho vay tốt hơn. Thực tế tại đại hội đồng cổ đông 2015, yêu cầu nâng cao hơn để khai thác hiệu quả sử dụng vốn đã được đặt ra. Tuy nhiên, tiềm năng này còn phụ thuộc vào một điều kiện khác.

Đó là, thứ hai, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR). Tại đại hội trên, Vietcombank cho biết CAR của mình hiện ở khoảng 9% - vừa đủ yêu cầu theo quy định hiện hành. Để tăng khả năng sử dụng vốn, đặc biệt là đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn Basel 2, CAR phải được cải thiện.

Với Vietcombank, yêu cầu đảm bảo tỷ lệ CAR trong xu hướng phát triển không chỉ nằm ở dự báo. Khoảng 5 năm về trước, ngân hàng này từng thấm thía sức ỳ và sự chật vật trong đảm bảo tỷ lệ này - sự níu kéo nhất định đối với kết quả và việc mở rộng kinh doanh nói chung.

Theo đó, tại đại hội lần này, Vietcombank đưa ra kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, từ 26.650 tỷ đồng lên gần 40.000 tỷ đồng.

Dự kiến việc tăng vốn sẽ thực hiện theo hai bước, qua phát hành cổ phiếu thưởng 35% cho các cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10%.

Tại đại hội trên, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, việc tăng được vốn cũng là may mắn vì ngân hàng còn dư địa để tăng vốn. Dư địa thứ nhất là còn thặng dư giữ lại trên 9.000 tỷ đồng. Hơn nữa, sở hữu Nhà nước tại Vietcombank là 77,14% và có thể giảm xuống 65% theo quy định. Và khi phát hành thêm 10% cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu nhà nước sẽ giảm xuống khoảng 70%.

Trước đó, ngày 22/10/2015, Vietcombank đã ký hợp đồng với liên danh tư vấn Credit Suisse và Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam để triển khai đợt phát hành vốn cổ phần, một phần chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn nói trên.

Khả năng thành công của kế hoạch tăng vốn còn ở phía trước. Trong năm 2015, từng có một điểm được xem là “trở ngại” đối với kế hoạch tăng vốn là giá cổ phiếu Vietcombank lên mức rất cao (có thời điểm lên tới khoảng 55.000 đồng/cổ phiếu), càng cao có thể càng kén nhà đầu tư khi phát hành. Cuối tuần qua, giá cổ phiếu ngân hàng này đã “mềm” hơn với 42.500 đồng/cổ phiếu.

Giả định, kế hoạch tăng vốn sẽ sớm hoàn tất với 40.000 tỷ đồng, Vietcombank sẽ có tiềm lực mạnh hơn nữa. Cùng với đó là loạt hơn chục chi nhánh mới vừa lập trong 2015 và đầu 2016 đang giúp mở rộng cạnh tranh.

Bước đầu, với kết quả kinh doanh cơ bản quý 1/2016 vừa công bố, dù quy mô vốn, lượng nhân sự và mạng lưới thấp nhất trong khối ngân hàng thương mại nhà nước, nhưng Vietcombank đang cho thấy tiềm năng của ứng viên số 1 về lợi nhuận của hệ thống năm nay.

Dù vậy, phần lớn thời gian của năm 2016 vẫn còn ở phía trước, và Vietcombank đặt chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế không quá vượt trội với 7.500 tỷ đồng, chỉ tăng 10% so với 2015.