Vietcombank “tiền tươi thóc thật”
“Chân dung” cổ phiếu Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) bắt đầu hiện rõ trong mắt giới đầu tư
Chính phủ đã chấp thuận hầu như toàn bộ những đề nghị của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong đề án cổ phần hóa, trong đó có vấn đề xử lý vốn thặng dư.
>>Toàn cảnh cổ phần hóa Vietcombank
“Chân dung” cổ phiếu Vietcombank bắt đầu hiện rõ trong mắt giới đầu tư.
“Tiền tươi thóc thật”
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc Vietcombank đã dùng bốn chữ nói trên để khắc họa giá trị doanh nghiệp của ngân hàng. Ông nhấn mạnh: “Giá trị Vietcombank thế nào, chúng tôi mang ra trình cho nhà đầu tư như thế, và tất cả đều là tiền thật, tài sản thật, không có khai khống lên một đồng nào!”.
Trong quyết định phê duyệt đề án cổ phần hóa Vietcombank, Chính phủ đồng ý giá trị phần vốn góp của Nhà nước vào ngân hàng là 11.127 tỉ đồng, đúng bằng giá trị sổ sách đã được kiểm toán bởi Công ty Ernst & Young năm 2006. Theo đó vốn điều lệ của ngân hàng đến ngày 31/12/2006 là 4.356 tỉ đồng, phần còn lại là các quỹ dự trữ, vốn khác, chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi báo cáo tài chính, lợi nhuận để lại, quỹ đánh giá lại tài sản.
Đáng chú ý nhất của vốn sổ sách là sự gia tăng nhanh chóng các quỹ dự trữ của Vietcombank trong vòng một năm, từ 2.728 tỉ đồng cuối năm 2005 tăng vọt lên 5.227 tỉ đồng cuối năm ngoái. Chính các quỹ dự trữ này cho thấy tiềm năng tài chính của Vietcombank trong xử lý rủi ro, đặc biệt tín dụng và tỷ giá một khi có trục trặc như nợ khó đòi.
Xét về hiệu quả kinh doanh, Vietcombank đang là một trong những ngân hàng tốt nhất Việt Nam. Năm 2005, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ có 1.760 tỉ đồng (lợi nhuận sau thuế 1.292 tỉ đồng); nhưng năm sau đó đã tăng gấp hơn hai lần, lên 3.893 tỉ đồng (2.877 tỉ đồng); sáu tháng đầu năm 2007 khoảng 1.400 tỉ đồng.
Đây thuần túy là lợi nhuận từ kinh doanh tiền tệ, khác hẳn với phần đông các ngân hàng cổ phần là lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ lệ 25-30% trong tổng lợi nhuận. Trong khi đó Vietcombank có một khoản đầu tư khổng lồ vào chứng khoán chưa tất toán, 31.116 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2006, và là giá đầu tư, không phải giá trị theo giá thị trường), chưa kể gần 1.000 tỉ đồng góp vào các liên doanh, liên kết, dự án dài hạn khác (nguồn: Báo cáo kiểm toán Vietcombank 2006).
Khoảng hai phần ba số tiền đầu tư vào chứng khoán được thực hiện từ cuối năm 2005 trở về trước, khi mà giá chứng khoán còn ở mức thấp. Như vậy có thể hiểu là sau khi cổ phần hóa, bên cạnh lợi nhuận thu được từ nghiệp vụ ngân hàng, nếu muốn cải thiện các chỉ số tài chính, Vietcombank chỉ cần lợi nhuận hóa một tỷ lệ nào đó các khoản đầu tư là đủ.
Về thặng dư, Chính phủ cho phép Vietcombank được quản lý một phần để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng. Tỷ lệ thặng dư Vietcombank được giữ lại sẽ được công khai sau khi kết thúc phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Ông Ngoạn “bật mí” với báo giới rằng Vietcombank dự kiến sử dụng phần thặng dư được quản lý để lập quỹ đầu tư, và yêu cầu đối tác chiến lược nước ngoài gọi thêm vốn quốc tế cho quỹ. “Còn đầu tư vào hạ tầng, trước hết là định hướng đúng với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước - ông Ngoạn nói - “Thứ hai, hạ tầng là những dự án hút vốn lớn, hiệu quả ổn định lâu dài và thường đảm bảo độ an toàn cao vì có bảo lãnh của Nhà nước”.
Chính Vietcombank đã đề xuất phương án dùng thặng dư đầu tư vào hạ tầng và Chính phủ chấp thuận. Nhìn về lâu dài, đây là một đề xuất kín kẽ vì thặng dư từ phát hành thêm cổ phiếu của Vietcombank rất lớn, lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhà nước sẽ không thể để lại toàn bộ số tiền lớn đến thế cho Vietcombank. Nhưng mặt khác quan trọng hơn, khi thặng dư được tách riêng, một phần trả cho Nhà nước, một phần đưa vào quỹ để đầu tư hạ tầng, thì sẽ không còn thặng dư để đưa vào quỹ bổ sung vốn điều lệ.
Rất nhiều khả năng Vietcombank sẽ giữ nguyên vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng trong những năm sau, không tăng thêm vốn. Nghĩa là giá trị cổ phiếu Vietcombank sẽ ngày càng “đặc quánh” theo mức độ gia tăng lợi nhuận hàng năm.
Quanh bàn đàm phán
Một quan chức thuộc hàng cao nhất của một tập đoàn tài chính nước ngoài đang thương thảo để trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank đã bay sang Việt Nam cuối tuần trước, chứng tỏ ý nghĩa quan trọng của sự tham gia vào Vietcombank đối với họ.
Một đối tác khác đã rút lui sau khi xác định sẽ tập trung tham gia vào một ngân hàng quốc doanh khác sắp cổ phần hóa. Những thông tin ban đầu cho thấy có khả năng Vietcombank sẽ kết thúc đàm phán trong một, hai tuần nữa.
Trong khi đó tất cả các quỹ đầu tư nước ngoài có mặt ở Việt Nam đều đang ngóng chờ kết quả đàm phán, đặc biệt là giá bán cho đối tác chiến lược nước ngoài của Vietcombank. Quỹ nào cũng dành một lượng tiền tương đối để đợi tham gia IPO ngân hàng.
Quỹ VOF, quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý, trong quí 2 đã “bơm” vào các cổ phiếu mới và mua cổ phiếu phát hành thêm của các công ty họ đang nắm giữ 125 triệu đô la Mỹ, và đã chuẩn bị hơn 100 triệu đô la Mỹ cho các đợt IPO của quí 4 năm nay.
Các quỹ của Dragon Capital tiếp tục cơ cấu lại danh mục đầu tư, bán ra những cổ phiếu khó có thể sinh lời hơn nữa và “mai phục” Vietcombank. Indochina Capital mới chỉ giải ngân được một phần của quỹ mới niêm yết trên thị trường London hồi tháng 3/2007 và còn lượng tiền mặt hàng trăm triệu đô la Mỹ. VF1 đã giải ngân chừng 1.000 tỉ đồng trong số hơn 1.600 tỉ đồng thu được từ đợt tăng vốn gần đây và số tiền còn lại cũng đang dành cho IPO Vietcombank.
Điểm được giới đầu tư tranh luận nhiều nhất hiện nay là Vietcombank sẽ chọn đối tác chiến lược nước ngoài nào, với giá bao nhiêu. Về thời điểm, so với Bảo Việt, Vietcombank sẽ IPO trong điều kiện thị trường tốt hơn. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã gần đạt mục tiêu cả năm, kế hoạch chia cổ tức, lợi nhuận đã rõ ràng và giá cổ phiếu nhà băng đang hồi phục. Ngoài ra tỷ lệ cổ phiếu Vietcombank bán ra ngoài không phải quá nhiều, khoảng 1.000 tỉ đồng mệnh giá.
Một điều phỏng đoán là số lượng nhà đầu tư tham gia IPO Vietcombank sẽ lớn nhất từ trước đến nay.
Riêng với số trái phiếu chuyển đổi Vietcombank đang niêm yết trên sàn Tp.HCM, ông Ngoạn khẳng định tỷ lệ chuyển đổi thành cổ phiếu sẽ theo giá đấu giá thành công bình quân của đợt phát hành ra công chúng.
* Một vài dữ kiện về Vietcombank:
- Vốn điều lệ sau cổ phần hóa: 15.000 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước 11.127 tỉ đồng.
- Đợt phát hành cổ phần lần đầu: 30% vốn điều lệ, trong đó:
+ Đấu giá công khai trong nước 6,5%
+ Bán cho cán bộ công nhân viên và trái chủ trái phiếu chuyển đổi: 3,5%
+ Bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước: 5%
+ Bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: tối đa 20%.
- Đối tác chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu Vietcombank ít nhất năm năm.
- Phát hành và niêm yết quốc tế (giai đoạn 2): không vượt quá 15% vốn điều lệ.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vietcombank là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
(Nguồn: Quyết định 1289/QĐ - TTg của Chính phủ ngày 26/9/2007)
>>Toàn cảnh cổ phần hóa Vietcombank
“Chân dung” cổ phiếu Vietcombank bắt đầu hiện rõ trong mắt giới đầu tư.
“Tiền tươi thóc thật”
Ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc Vietcombank đã dùng bốn chữ nói trên để khắc họa giá trị doanh nghiệp của ngân hàng. Ông nhấn mạnh: “Giá trị Vietcombank thế nào, chúng tôi mang ra trình cho nhà đầu tư như thế, và tất cả đều là tiền thật, tài sản thật, không có khai khống lên một đồng nào!”.
Trong quyết định phê duyệt đề án cổ phần hóa Vietcombank, Chính phủ đồng ý giá trị phần vốn góp của Nhà nước vào ngân hàng là 11.127 tỉ đồng, đúng bằng giá trị sổ sách đã được kiểm toán bởi Công ty Ernst & Young năm 2006. Theo đó vốn điều lệ của ngân hàng đến ngày 31/12/2006 là 4.356 tỉ đồng, phần còn lại là các quỹ dự trữ, vốn khác, chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi báo cáo tài chính, lợi nhuận để lại, quỹ đánh giá lại tài sản.
Đáng chú ý nhất của vốn sổ sách là sự gia tăng nhanh chóng các quỹ dự trữ của Vietcombank trong vòng một năm, từ 2.728 tỉ đồng cuối năm 2005 tăng vọt lên 5.227 tỉ đồng cuối năm ngoái. Chính các quỹ dự trữ này cho thấy tiềm năng tài chính của Vietcombank trong xử lý rủi ro, đặc biệt tín dụng và tỷ giá một khi có trục trặc như nợ khó đòi.
Xét về hiệu quả kinh doanh, Vietcombank đang là một trong những ngân hàng tốt nhất Việt Nam. Năm 2005, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ có 1.760 tỉ đồng (lợi nhuận sau thuế 1.292 tỉ đồng); nhưng năm sau đó đã tăng gấp hơn hai lần, lên 3.893 tỉ đồng (2.877 tỉ đồng); sáu tháng đầu năm 2007 khoảng 1.400 tỉ đồng.
Đây thuần túy là lợi nhuận từ kinh doanh tiền tệ, khác hẳn với phần đông các ngân hàng cổ phần là lợi nhuận từ kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ lệ 25-30% trong tổng lợi nhuận. Trong khi đó Vietcombank có một khoản đầu tư khổng lồ vào chứng khoán chưa tất toán, 31.116 tỉ đồng (tính đến cuối năm 2006, và là giá đầu tư, không phải giá trị theo giá thị trường), chưa kể gần 1.000 tỉ đồng góp vào các liên doanh, liên kết, dự án dài hạn khác (nguồn: Báo cáo kiểm toán Vietcombank 2006).
Khoảng hai phần ba số tiền đầu tư vào chứng khoán được thực hiện từ cuối năm 2005 trở về trước, khi mà giá chứng khoán còn ở mức thấp. Như vậy có thể hiểu là sau khi cổ phần hóa, bên cạnh lợi nhuận thu được từ nghiệp vụ ngân hàng, nếu muốn cải thiện các chỉ số tài chính, Vietcombank chỉ cần lợi nhuận hóa một tỷ lệ nào đó các khoản đầu tư là đủ.
Về thặng dư, Chính phủ cho phép Vietcombank được quản lý một phần để đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của Nhà nước theo quyết định của Thủ tướng. Tỷ lệ thặng dư Vietcombank được giữ lại sẽ được công khai sau khi kết thúc phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Ông Ngoạn “bật mí” với báo giới rằng Vietcombank dự kiến sử dụng phần thặng dư được quản lý để lập quỹ đầu tư, và yêu cầu đối tác chiến lược nước ngoài gọi thêm vốn quốc tế cho quỹ. “Còn đầu tư vào hạ tầng, trước hết là định hướng đúng với mục tiêu phát triển kinh tế đất nước - ông Ngoạn nói - “Thứ hai, hạ tầng là những dự án hút vốn lớn, hiệu quả ổn định lâu dài và thường đảm bảo độ an toàn cao vì có bảo lãnh của Nhà nước”.
Chính Vietcombank đã đề xuất phương án dùng thặng dư đầu tư vào hạ tầng và Chính phủ chấp thuận. Nhìn về lâu dài, đây là một đề xuất kín kẽ vì thặng dư từ phát hành thêm cổ phiếu của Vietcombank rất lớn, lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Nhà nước sẽ không thể để lại toàn bộ số tiền lớn đến thế cho Vietcombank. Nhưng mặt khác quan trọng hơn, khi thặng dư được tách riêng, một phần trả cho Nhà nước, một phần đưa vào quỹ để đầu tư hạ tầng, thì sẽ không còn thặng dư để đưa vào quỹ bổ sung vốn điều lệ.
Rất nhiều khả năng Vietcombank sẽ giữ nguyên vốn điều lệ 15.000 tỉ đồng trong những năm sau, không tăng thêm vốn. Nghĩa là giá trị cổ phiếu Vietcombank sẽ ngày càng “đặc quánh” theo mức độ gia tăng lợi nhuận hàng năm.
Quanh bàn đàm phán
Một quan chức thuộc hàng cao nhất của một tập đoàn tài chính nước ngoài đang thương thảo để trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank đã bay sang Việt Nam cuối tuần trước, chứng tỏ ý nghĩa quan trọng của sự tham gia vào Vietcombank đối với họ.
Một đối tác khác đã rút lui sau khi xác định sẽ tập trung tham gia vào một ngân hàng quốc doanh khác sắp cổ phần hóa. Những thông tin ban đầu cho thấy có khả năng Vietcombank sẽ kết thúc đàm phán trong một, hai tuần nữa.
Trong khi đó tất cả các quỹ đầu tư nước ngoài có mặt ở Việt Nam đều đang ngóng chờ kết quả đàm phán, đặc biệt là giá bán cho đối tác chiến lược nước ngoài của Vietcombank. Quỹ nào cũng dành một lượng tiền tương đối để đợi tham gia IPO ngân hàng.
Quỹ VOF, quỹ lớn nhất do VinaCapital quản lý, trong quí 2 đã “bơm” vào các cổ phiếu mới và mua cổ phiếu phát hành thêm của các công ty họ đang nắm giữ 125 triệu đô la Mỹ, và đã chuẩn bị hơn 100 triệu đô la Mỹ cho các đợt IPO của quí 4 năm nay.
Các quỹ của Dragon Capital tiếp tục cơ cấu lại danh mục đầu tư, bán ra những cổ phiếu khó có thể sinh lời hơn nữa và “mai phục” Vietcombank. Indochina Capital mới chỉ giải ngân được một phần của quỹ mới niêm yết trên thị trường London hồi tháng 3/2007 và còn lượng tiền mặt hàng trăm triệu đô la Mỹ. VF1 đã giải ngân chừng 1.000 tỉ đồng trong số hơn 1.600 tỉ đồng thu được từ đợt tăng vốn gần đây và số tiền còn lại cũng đang dành cho IPO Vietcombank.
Điểm được giới đầu tư tranh luận nhiều nhất hiện nay là Vietcombank sẽ chọn đối tác chiến lược nước ngoài nào, với giá bao nhiêu. Về thời điểm, so với Bảo Việt, Vietcombank sẽ IPO trong điều kiện thị trường tốt hơn. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng đã gần đạt mục tiêu cả năm, kế hoạch chia cổ tức, lợi nhuận đã rõ ràng và giá cổ phiếu nhà băng đang hồi phục. Ngoài ra tỷ lệ cổ phiếu Vietcombank bán ra ngoài không phải quá nhiều, khoảng 1.000 tỉ đồng mệnh giá.
Một điều phỏng đoán là số lượng nhà đầu tư tham gia IPO Vietcombank sẽ lớn nhất từ trước đến nay.
Riêng với số trái phiếu chuyển đổi Vietcombank đang niêm yết trên sàn Tp.HCM, ông Ngoạn khẳng định tỷ lệ chuyển đổi thành cổ phiếu sẽ theo giá đấu giá thành công bình quân của đợt phát hành ra công chúng.
* Một vài dữ kiện về Vietcombank:
- Vốn điều lệ sau cổ phần hóa: 15.000 tỉ đồng, trong đó vốn nhà nước 11.127 tỉ đồng.
- Đợt phát hành cổ phần lần đầu: 30% vốn điều lệ, trong đó:
+ Đấu giá công khai trong nước 6,5%
+ Bán cho cán bộ công nhân viên và trái chủ trái phiếu chuyển đổi: 3,5%
+ Bán cho nhà đầu tư chiến lược trong nước: 5%
+ Bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài: tối đa 20%.
- Đối tác chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu Vietcombank ít nhất năm năm.
- Phát hành và niêm yết quốc tế (giai đoạn 2): không vượt quá 15% vốn điều lệ.
- Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vietcombank là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
(Nguồn: Quyết định 1289/QĐ - TTg của Chính phủ ngày 26/9/2007)