09:55 14/05/2007

VietCraft: Cầu nối xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ

Hồng Thoan

Vừa được thành lập, VietCraft đã thu hút được 237 thành viên là các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ

Mục tiêu của VietCraft là nâng cao hình ảnh và tính cạnh tranh của ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Mục tiêu của VietCraft là nâng cao hình ảnh và tính cạnh tranh của ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam.
Theo Quyết định số 302/QĐ-BNV ngày 2/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc cho phép thành lập Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, ngày 10/5, tại Hà Nội, Ban vận động thành lập Hiệp hội đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 2007-2012 và Lễ thành lập Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (VietCraft).

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội VietCraft cho biết, tính đến thời điểm này, đã có 237 doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ trên khắp cả nước đã đăng ký tham gia, trở thành hội viên chính thức của Hiệp hội. VietCraft thu hút được 60 thành viên tại Tp. HCM, 38 thành viên tại Hà Nội, 12 thành viên tại tỉnh Bình Dương, 14 thành viên tại tỉnh Hà Tây, 20 thành viên tại tỉnh Quảng Nam...

Hiệp hội tập trung và huy động nguồn lực

Ông Đỗ Như Đính, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Ủy viên Ban chấp hành VietCraft cho biết, trước mắt, trong năm 2007, Hiệp hội sẽ phát triển và duy trì ổn định 120 thành viên có chất lượng nhất, xây dựng quan hệ với 50 khách hàng nhập khẩu trên toàn thế giới.

Để tăng cường công tác xúc tiến thương mại, VietCraft sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tham dự hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ tại Las Vegas vào tháng 7 năm nay và Hội chợ Thủ công mỹ nghệ tại Tp.HCM vào tháng 10.

Với mục đích cung cấp thông tin cập nhật về hàng thủ công mỹ nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và các nhà nhập khẩu phân phối, VietCraft sẽ tiến hành xây dựng hoàn thiện website thông tin về các thị trường tiềm năng của hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (như Nhật Bản, EU, Mỹ, Australia, Canada...) và xây dựng một thư viện chuyên ngành của lĩnh vực ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và thế giới, bước đầu tối thiểu gồm 700 đầu sách tham khảo về kỹ thuật sản xuất các mặt hàng thủ công trên thế giới, thông tin thị trường, tạp chí chuyên ngành, các nguồn thông tin trực tuyến... Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ có đầy đủ các thông tin để có thể xây dựng chiến lược xuất khẩu riêng của mình.

Chiến lược phát triển, mở rộng thị trường

Nhằm phát triển khâu thiết kế mẫu mã, cũng trong năm 2007, Ban chấp hành VietCraft sẽ tiến hành xây dựng một phòng trưng bày các sản phẩm thiết kế mới nhất theo thị hiếu của thị trường cho từng nhóm sản phẩm của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam và hình thành một mạng lưới các nhà tư vấn thiết kế chuyên nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về khâu thực hành thiết kế mẫu mã, 2 khoá đào tạo về thiết kế do các chuyên gia thiết kế nước ngoài trực tiếp đảm nhiệm để hướng doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả với 2 thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ và Nhật Bản sẽ được tổ chức lần lượt tại Hà Nội và Tp.HCM.

Đối với việc phát triển nguồn nguyên liệu ổn định, bền vững, trong thời gian tới, VietCraft sẽ khảo sát về thực trạng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng thủ công, đặc biệt là mây, tre, đất sét, gỗ, đá và tơ lụa để đánh giá trữ lượng và chất lượng thực tế nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của Chính phủ và các chương trình, dự án tài trợ quốc tế.

Song song với việc làm này, các trung tâm nghiên cứu và phát triển chuyên ngành về lĩnh vực ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam (thiết bị, chế biến, thiết kế...) được thành lập để có thể làm chủ được các kỹ thuật xử lý và chế biến nguyên liệu để có chất lượng nguyên liệu phù hợp với yêu cầu của từng thị trường cụ thể.

Định hướng phát triển tốt nhất cho các doanh nghiệpxuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Thương mại), dựa trên những cơ sở gây dựng được trong năm 2007, VietCraft cần lựa chọn và tổ chức các nhóm doanh nghiệp có đủ phẩm chất cùng tiến hành khảo sát và nghiên cứu sâu thị trường để nắm được các yếu tố thành công cũng như các mặt hàng trọng điểm của các quốc gia đang cạnh tranh với hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Hiệp hội sẽ tuyển chọn 2 doanh nghiệp cho mỗi ngành để tiến hành khảo sát các thị trường Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Ấn Độ...

Để có thể hỗ trợ cho các nhà nhập khẩu, phân phối quốc tế có nhu cầu tìm hiểu, hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, trong năm 2008, VietCraft sẽ tổ chức một hội chợ quốc gia về hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất, quà tặng tại Việt Nam mang tầm quốc tế. Đối với các doanh nghiệp trong nước, VietCraft dự kiến sẽ đưa tối thiểu 20 doanh nghiệp tham dự các hội chợ quốc tế, khảo sát thị trường tại các thị trường nhập khẩu trọng điểm như Nhật, EU, Mỹ, Canada, Australia...