Viettel Global kinh doanh thêm cafe do thiếu hụt nguồn cung USD
Hiện nay một số thị trường đầu tư của Tổng công ty Viettel Global đang thiếu hụt nguồn cung USD dẫn đến việc công ty con không có nguồn USD để trả nợ hợp đồng mua thiết bị, do đó Viettel Global tính mở thêm ngành kinh doanh mới...
Trong tài liệu phục vụ đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 dự kiến tổ chức vào ngày 25/6 tới của Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel- Viettel Global (mã CK: VGI- UPCoM), có 1 tờ trình của Hội đồng quản trị về việc bổ sung ngành nghề mới: Kinh doanh xuất nhập khẩu cafe.
Trong tờ trình này, Viettel Global cho biết hiện nay một số thị trường đầu tư của Tổng công ty đang thiếu hụt nguồn cung USD dẫn đến việc công ty con không có nguồn USD để trả nợ hợp đồng mua thiết bị với Viettel Global, do đó Tổng công ty dự kiến ký hợp đồng thu mua cafe với công ty thị trường để thay thế cho nguồn USD cần thu từ công ty con tại thị trường.
“Tổng công ty cần thực hiện bổ sung ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu cafe để có thể thực hiện các giao dịch nhập khẩu cafe từ công ty con”, Hội đồng quản trị Viettel Global nhấn mạnh, đồng thời cho biết, theo điều 16 điểm đ Điều lệ Tổng công ty, đại hội đồng cổ đông có quyền quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ Tổng công ty. Do đó, việc bổ sung ngành nghề kinh doanh buôn bán, xuất nhập khẩu cafe phải được phê duyệt bởi đại hội đồng cổ đông tổng công ty.
Trước đó, trong một lần chia sẻ với VnEconomy, ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, Viettel Global cũng phải tính toán để không thụ động phụ thuộc và trông chờ vào các chính sách của chính phủ các nước sở tại trong việc giải quyết những khó khăn về tỷ giá, mà bản thân Viettel Global cũng phải tìm các phương án để ứng phó.
Trong đó có tính đến giải pháp mua hàng hóa tại một số thị trường của Viettel bằng tiền bản địa, sau đó sẽ chuyển về nước bán thu tiền. Cụ thể, các hàng hóa là thế mạnh của các nước, như châu Phi là các loại hạt, rất đa dạng, giàu tài nguyên khoáng sản, gỗ, nhiều mặt hàng về sợi… thì Viettel Global có thể mua về bán trong nước hoặc xuất khẩu trực tiếp sang các nước khác để giảm rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.
“Đấy là giải pháp mà nhiều doanh nghiệp cũng làm. Tất nhiên, giải pháp này sẽ được chúng tôi tìm hiểu cụ thể, đảm bảo các mặt hàng phải có thế mạnh, chắc ăn mới làm”, ông Thắng nói với VnEconomy.
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2020 đã được kiểm toán của Viettel Global cho thấy doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh đạt xấp xỉ 19.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.201 tỷ đồng.
Kết quả trên tăng tương ứng tăng 85 tỷ và 102 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập. Viettel Global cho biết nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng là do giảm chi phí dự phòng nợ phải thu khó đòi của công ty mẹ.
Lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuộc về cổ đông công ty đạt lần lượt là 429 tỷ và 560 tỷ đồng.
Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2020 (kết quả kinh doanh hợp nhất chưa kiểm toán), Viettel Global cho biết, doanh thu của Tổng công ty năm 2020 đạt gần 18.900 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận đạt đạt xấp xỉ 1.100 tỷ đồng và là mức cao nhất trong 5 năm lại đây của Viettel Global.
So với năm 2019, doanh thu của Viettel Global tăng 1.858 tỷ, tương ứng tăng 11% và lợi nhuận trước thuế tăng 1.190 tỷ đồng lên 1.201 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 5 năm.
Động lực tăng trưởng của cả hệ thống đến từ sự tăng trưởng kinh doanh tốt từ các công ty thị trường nước ngoài, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của Công ty Mytel tại Myanmar và Công ty Natcom tại Haiti, đồng thời trích lập dự phòng phải thu khó đòi giảm làm chi phí quản lý doanh nghiệp giảm.
Ngoài ra, một trong những điểm tích cực nhất trong số liệu tài chính 2020 của Viettel Global là kết quả kinh doanh từ các công ty liên kết. Theo đó, Mytel cùng các công ty liên kết khác của Viettel Global đạt tổng doanh thu gần 16.300 tỷ đồng trong năm vừa qua, tăng 38% so với mức 11.800 tỷ của năm 2019.
Về cơ cấu doanh thu, thị trường Đông Nam Á vẫn đóng góp chủ đạo với hơn 9.140 tỷ đồng, tiếp đến là châu Phi với 6.600 tỷ và Mỹ Latin đạt 3.200 tỷ đồng.
Theo đó, về cơ cấu doanh thu, thị trường Đông Nam Á đóng góp chủ đạo với hơn 9.100 tỷ đồng, tiếp đến là châu Phi với 6.500 tỷ và Mỹ Latin đạt 3.200 tỷ đồng. Mỹ Latin với duy nhất mạng Natcom tại Haiti được xem là một trong những điểm sáng năm qua khi doanh thu tăng trưởng tới 47% còn lợi nhuận cũng tăng 53% từ 369 tỷ lên 566 tỷ đồng.