15:20 13/06/2018

Vốn hóa ZTE “bốc hơi” 3 tỷ USD một buổi sáng, dù Mỹ dỡ trừng phạt

Thăng Điệp

Giá trị vốn hóa thị trường của ZTE sụt giảm khoảng 3 tỷ USD trong buổi sáng ngày thứ Tư

Vụ ZTE đã bị chính trị hóa cao và trở thành tâm điểm mặc cả trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung - Ảnh: Reuters.
Vụ ZTE đã bị chính trị hóa cao và trở thành tâm điểm mặc cả trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung - Ảnh: Reuters.

Giá trị vốn hóa thị trường của ZTE sụt giảm khoảng 3 tỷ USD trong buổi sáng ngày thứ Tư, khi cổ phiếu hãng sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ nhì Trung Quốc được giao dịch trở lại sau khi công ty chấp nhận nộp phạt 1,4 tỷ USD cho Chính phủ Mỹ.

Hồi tháng 4, Bộ Thương mại Mỹ cấm các công ty Mỹ cung cấp thiết bị cho ZTE trong vòng 7 năm. Lệnh cấm này xuất phát từ việc ZTE vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên do có giao dịch với hai quốc gia này.

Lệnh cấm đã khiến ZTE phải dừng hầu hết các hoạt động chính và cổ phiếu của công ty bị ngừng giao dịch trên cả hai thị trường Hồng Kông và Trung Quốc đại lục.

Theo thỏa thuận đạt được với Chính phủ Mỹ mới đây, ZTE sẽ được dỡ trừng phạt chừng nào công ty nộp đủ 1,4 tỷ USD gồm 1 tỷ USD tiền phạt và 400 triệu USD tiền giao kèo phòng trường hợp vi phạm thỏa thuận. Số tiền này sẽ phải được nộp vào một ngân hàng do Chính phủ Mỹ phê chuẩn.

Khi được giao dịch trở lại sau 2 tháng tạm ngừng, cổ phiếu ZTE niêm yết tại thị trường Hồng Kông có lúc sụt 41%, xuống mức thấp nhất 1 năm, so với mức giảm chỉ 0,5% của chỉ số Hang Seng Index vào đầu phiên sáng. Trên sàn Thẩm Quyến, cổ phiếu ZTE giảm kịch sàn 10%.

Thỏa thuận giữa ZTE và Chính phủ Mỹ được Washington công bố hôm thứ Hai. Ngày thứ Ba, ZTE lên tiếng xác nhận về thỏa thuận này.

Ngoài nộp phạt, ZTE sẽ phải thay Hội đồng Quản trị công ty mẹ và Hội đồng Quản trị công ty con về xuất nhập khẩu ZTE Kangxun trong vòng 30 ngày kể từ ngày 8/6.

Bên cạnh đó, tất cả ban lãnh đạo từ cấp Phó chủ tịch cấp cao trở lên đều phải bị thay thế trong vòng 30 ngày nói trên, kèm cam kết những người này sẽ không được thuê trở lại. Chịu biện pháp tương tự là bất kỳ nhà điều hành hay nhân viên nào có liên quan đến vi phạm dẫn đến việc ZTE dính lệnh cấm của Mỹ.

ZTE cho biết sẽ nối lại hoạt động sớm nhất có thể sau khi được dỡ trừng phạt và sẽ công bố lại báo cáo tài chính quý 1 sau khi đánh giá tác động của lệnh trừng phạt và thỏa thuận nộp phạt.

Theo Reuters, vụ ZTE đã bị chính trị hóa cao và trở thành tâm điểm mặc cả trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.

Các nghị sỹ Mỹ đã chỉ trích mạnh thỏa thuận giữa Chính phủ nước này với ZTE, đồng thời đang chuẩn bị một dự luật nhằm ngăn chặn thực thi thỏa thuận. Các nghị sỹ cho rằng Washington không nên nhượng bộ bởi ZTE là một mối đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Trước khi cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch hồi tháng 4, ZTE có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 20 tỷ USD. Công ty này là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ tư thế giới sau Huawei Technologies, Ericsson và Nokia.