VPBank tham vọng lãi 30.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đến 35%
Riêng trong quý 1/2022, VPBank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 11.000 tỷ đồng, mức cao nhất hiện nay trong hệ thống...
Chiều 29/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 với kế hoạch lợi nhuận “khủng”, lên tới 29.662 tỷ đồng.
Chia sẻ tại đại hội, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết, trong năm 2021, VPBank phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong đó, hoạt động bị tác động mạnh nhất là tại FE Credit, khi kế hoạch lãi 4.000 tỷ đồng nhưng chỉ thực hiện được khoảng 400 tỷ đồng.
Do đó, đây cũng là năm đầu tiên trong giai đoạn đổi mới ngân hàng không đạt kế hoạch đã đề ra trước đó, nhưng lợi nhuận hợp nhất cũng đã đạt 14.364 tỷ đồng.
“Ngân hàng phát triển theo mô hình rủi ro nên pháp chấp nhận điều này.Tuy nhiên, với việc tích cực trích lập dự phòng rủi ro trong năm 2021, tôi tin rằng sẽ có thể thu hồi lại một phần trong năm 2022”, ông Vinh nói.
Sang năm 2022, theo tờ trình, ngân hàng dự kiến sẽ đạt lợi nhuận tăng hơn gấp đôi, lên mức 29.662 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 697.413 tỷ đồng, tăng 27,4%.
Đáng chú ý, kỳ vọng lợi nhuận trên được đặt trong kịch bản tăng trưởng tín dụng tương đối cao, lên tới 35%.
Để củng cố niềm tin cho cổ đông về kế hoạch kinh doanh, ông Vinh cho biết, mức tăng trưởng tín dụng là kỳ vọng của ban lãnh đạo vào sự cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Song hoạt động kinh doanh rất đa dạng, nguồn thu không chỉ đến từ lãi cho vay mà còn đến từ các loại phí.
“Động lực cho doanh thu đến từ nhiều mảng khác nhau như khối hoạt động nền tảng, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa… hay mảng mới như ngân hàng đầu tư. Hiện tại VPBank có tới 6 khối và rất đồng đều. Nhìn chung, nguồn lợi nhuận của ngân hàng tương đối đa dạng chứ không chỉ phụ thuộc vào 1 mảng riêng biệt”, ông Vinh nói.
Thêm vào đó, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, thu nhập từ tín dụng thường sẽ ghi nhận từ năm trước, nên hạn mức tăng trưởng được giao bao nhiêu trong năm nay cũng không quá ảnh hưởng.
Hiện tại, trong quý 1/2022, VPBank đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 11.000 tỷ đồng, mức cao nhất hiện nay trong hệ thống. Thậm chí, nếu không kể giao dịch bất thường thông qua hợp đồng bảo hiểm, thu nhập của ngân hàng đạt gần 6.000 tỷ trong đó ngân hàng mẹ đã vượt 5.000 tỷ. Công ty tài chính FE Credit mặc dù kết quả không quá khả quan tăng trưởng tín dụng đạt 1,6% nhưng nhờ tối ưu hoá, thu nợ,... mức lợi nhuận cũng mang về gần 800 tỷ đồng.
Về dự kiến mua công ty bảo hiểm OPES, ông Dũng cho biết, dù đã ký hợp đồng với AIA nhưng đây là công ty bảo hiểm nhân thọ còn OPES là phi nhân thọ nên không có xung đột về lợi ích.
“OPES là công ty phát triển về các sản phẩm số hóa (digital). Nếu chỉ hợp tác thì sẽ không có sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo kế hoạch, VPBank sẽ nâng tỷ lệ sở hữu dần lên 100%, đưa OPES trở thành công ty con của ngân hàng, từ đó có cơ sở trao đổi thông tin, cùng nhau xây dựng các sản phẩm để bán chéo”, ông Dũng nhấn mạnh.
Sau những chia sẻ của ban lãnh đạo ngân hàng, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 mà VPBank đề ra.
Ngoài ra, cổ đông cũng đồng ý với các tờ trình khác. Trong đó, có kế hoạch tăng vốn qua 2 phương án, bao gồm phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và trả cổ tức/cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Phương án 1, VPBank sẽ phát hành tối đa 2.237.736.693 cổ phiếu để tăng vốn thêm hơn 22,3 nghìn tỷ đồng, với tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 1000 cổ phiếu phổ thông được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 500 cổ phiếu mới). Thời điểm thực hiện dự kiến vào Quý 2 và/hoặc Quý 3 năm 2022. Qua lần tăng vốn đầu tiên, vốn mới của VPBank sẽ là hơn 67,4 nghìn tỷ đồng.
Phương án 2 là phát hành riêng lẻ cho Nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, để tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên đến tối đa 30% vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu phát hành thêm tối đa dự kiến: 1.190.000.000 cổ phiếu, tương đương mức sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 15% vốn điều lệ sau phát hành. Mức giá phát hành do Hội đồng Quản trị quyết định theo thỏa thuận, đàm phán giữa hai bên, đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank.
Được biết, kế hoạch bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài, ban lãnh đạo VPBank thông tin, hiện tại quá trình đàm phán đang diễn ra và diễn ra rất tích cực. Thông tin này dự kiến sẽ được VPBank công bố trong quý 3/2022.