13:13 19/12/2023

VPBankS: Thị trường rung lắc là cơ hội gom cổ phiếu ngân hàng cho năm 2024

Thu Minh

Nếu đầu tư cho tầm nhìn 2024 thì những khi thị trường rung lắc trong ngắn hạn là cơ hội để gia tăng vị thế cổ phiếu ngân hàng trong trung và dài hạn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

VPBankS vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng với điểm nhấn khó khăn tiếp diễn nửa đầu năm 2024 nhưng hi vọng tia sáng ở nửa cuối năm.

NIM chịu áp lực nhưng sẽ có sự hồi phục từ Quý 4/2023. Nhu cầu tín dụng và tiêu dùng hạn hẹp đi kèm với những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước cho thấy xu hướng giảm NIM toàn ngành ngân hàng bứt tốc nhanh. Tuy nhiên, kỳ vọng với các chính sách hỗ trợ của các cơ quan quản lý, vùng đáy của NIM dự kiến là quý 3 vừa qua và sẽ có sự cải thiện trong quý 4 cuối năm.

Tác động từ lần cắt giảm lãi suất lần thứ 3 và 4 diễn ra vào cuối Quý 2/2023 sẽ có hiệu lực toàn bộ từ Quý 4 trở đi, theo đó COF sẽ đi ngang và có tín hiệu giảm trong Quý 4/2023. Bên cạnh đó, đây là quý thứ 3 liên tiếp CASA ghi nhận xu hướng tăng trưởng sẽ là chất xúc tác cho COF.

VPBankS cũng cho rằng, triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết phụ thuộc rất lớn vào việc kiểm soát chất lượng tài sản. Việc nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trong khi lãi suất cao vẫn chỉ đang bắt đầu phản ánh vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng cho thấy xu hướng này chưa thể đảo ngược, ít nhất là đến cuối quý 3/2023. Với dự kiến tình hình kinh tế vĩ mô bắt đầu có điểm sáng rõ ràng hơn vào quý cuối năm, nợ xấu toàn ngành trong quý 4 sẽ tương đương quý 3 và có sự cải thiện nhẹ từ đầu năm 2023.

VPBankS: Thị trường rung lắc là cơ hội gom cổ phiếu ngân hàng cho năm 2024 - Ảnh 1

Về mặt hỗ trợ chính sách, cụ thể là với sự ban hành của Thông tư 02 thì áp lực lên nợ xấu sẽ được hoãn đến hết nửa đầu năm 2024 để ngân hàng và người vay có thời gian cơ cấu lại và xử lý dần bị tránh nhảy nhóm nợ.

Đối với sản phẩm trái phiếu, VpBankS đánh giá rủi ro của các Ngân hàng thương mại khi nắm giữ trái phiếu là không quá lớn nhờ quy trình quản trị rủi ro chặt chẽ của Ngân hàng và tỷ lệ trái phiếu đang nắm giữ tương đối nhỏ so với Tổng tài sản sinh lãi và tổng tín dụng.

Tuy nhiên, các tổ chức phát hành trái phiếu cũng đồng thời là những khách hàng doanh nghiệp lớn. Vì vậy, ngoài rủi ro trực tiếp từ những trái phiếu đang nắm giữ, Ngân hàng còn phải đổi mặt với rủi ro từ khoản tín dụng của những tổ chức phát hành này. Bên cạnh đó, các thông tư hỗ trợ được ban hành gần đây được kỳ vọng tiếp tục tạo cơ chế giúp các ngân hàng khoanh nợ xấu đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%.

Thị trường bất động sản được dự báo tích cực hơn từ năm 2024 cũng kéo theo nhu cầu tín dụng. Nguồn cung căn hộ chung cư hiện tại vẫn nằm chủ yếu ở phân khúc hạng sang, cao cấp và trung lưu trong khi nguồn cung cho phần lớn dân số tại Việt Nam là tầng lớp bình dân như nhà ở xã hội chưa nhiều. Phân khúc căn hộ bình dân dưới 25 triệu đồng/m2 tiếp tục khan hiếm. Nguồn cung mới bất động sản gắn liền với đất tại Hà Nội và Tp.HCM dự kiến tăng cao nhờ sự xuất hiện của các khu đô thị mới. Nhu cầu tiếp cận vốn để mua nhà còn rất nhiều, nên ngân hàng nào làm tốt mảng này được kỳ vọng sẽ phát huy tiếp những thế mạnh về tập khách hàng, kinh nghiệm cho vay trong tương lai.

Về mặt định giá, cả PE và PB ngành bất động sản đều đang dưới mức -1STD từ 2013 ở mức khá hấp dẫn. Trong ngắn hạn, sẽ có những biến động rung lắc nhất định tuy nhiên kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận và theo đó là vốn chủ sở hữu sẽ phục hồi dần trong quý cuối năm và tăng trưởng 2024 mạnh hơn trên nền thấp của 2023 thì định giá 2024 sẽ quay lại mức hấp dẫn từ 7,6 đến 8,6 lần PE và 1,2-1,4 lần PB. Nếu đầu tư cho tầm nhìn 2024 thì những khi thị trường rung lắc trong ngắn hạn là cơ hội để gia tăng vị thế trong trung và dài hạn.