09:42 24/09/2008

Vụ Vedan: Phát hiện thêm đường ống thải “chui”

Cung Diễm

Các nhà chức trách vừa phát hiện thêm đường ống thứ 3 xả nước thải chưa qua xử lý của Vedan Việt Nam ra sông Thị Vải

Nước sông Thị Vải ô nhiễm nặng.
Nước sông Thị Vải ô nhiễm nặng.
Chiều ngày 22/9/2008, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (C15) cùng với cảnh sát môi trường và một số cơ quan khác đã phát hiện thêm hệ thống đường ống thứ 3 xả nước thải chưa qua xử lý của Công ty Vedan Việt Nam ra sông Thị Vải.

Nước ống này làm bằng nhôm có đường kính khoảng 30 cm, chôn sâu dưới lòng đất, lẫn trong các đường ống lấy nước từ sông vào để phục vụ cho sản xuất của Công ty Vedan Việt Nam.

Theo một cán bộ Công đoàn kiểm tra: “Khi tiến hành khai quật một số điểm, thì lực lượng chức năng cũng phát hiện ra một số đường ống có dấu hiệu bất thường và trong những ngày sắp tới có thể cơ quan điều tra sẽ trang bị thêm máy siêu âm bê tông để kiểm tra những điểm khả nghi”.

Suốt 14 năm qua, Công ty Vedan Việt Nam đã xả nước thải chưa xử lý làm ô nhiễm trầm trọng môi trường của sông Thị Vải. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thế nào, khi trong suốt 14 năm qua, Vedan cũng từng nhận được những bằng khen về bảo vệ môi trường và những đơn thư khiếu nại của người dân thì rơi vào im lặng.

Từ tháng 10/1994, mấy chục hộ dân của ấp 1 A, xã Phước Thái đã có đơn khiếu nại lên chính quyền địa phương về Công ty Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải, làm chết tôm, cá và hoa màu. Vấn đề đặt ra là phải chăng chính quyền địa phương đã biết trước Công ty Vedan Việt Nam sẽ tiếp tục làm ô nhiễm môi trường. Lý do là vào năm 1999, xóm vạn chài này lại tiếp tục gửi đơn cầu cứu chính quyền địa phương vì nước sông Thị Vải ô nhiễm ngày càng nặng, thế nhưng mọi chuyện lại rơi vào im lặng.

Chỉ vì sự thờ ơ của không ít cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, mà hàng ngàn hộ dân ven lộ sông hơn 40 km bị ô nhiễm, rơi vào cảnh khốn cùng. Người dân tưởng rằng là bỏ nghề đóng đáy dưới sông, lên gò đào ao nuôi tôm thả cá là sẽ thoát khỏi dòng sông chết. Song, bao nhiêu tiền của đầu tư vào tôm cá cũng bị dòng nuớc ô nhiễm cuốn đi.

Cho đến gần đây, khi mà sự thật được phơi bày, Công ty Vedan Việt Nam đã xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông Thị Vải và cơ quan chức năng kết luận đây là thủ phạm chính gây ra ô nhiễm đoạn sông này, thì người dân như nắm được chiếc phao cứu mạng.

Ngày 19/9/2008, 36 người dân của xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã đồng ký tên trong một là đơn tập thể cùng với hàng trăm đơn tố cáo của cá nhân đã gửi lên các cơ quan chức năng. Trong buổi chiều ngày 21/9/2008, ghi nhận có thêm 30 lá đơn được người dân chuẩn bị gửi thẳng lên các cơ quan của Trung ương.

Tính đến cuối ngày 22/9, lực lượng điều tra đã xác định tổng lượng nước xả thải từ Công ty Vedan tại 2 trụ bơm ở cầu cảng số 2 và hệ thống xả ngầm dưới nước tại cầu cảng số 1 là 70.400 m3/tháng, trước đó Vedan Việt Nam khai chỉ có 44.800 m3/tháng. Hệ thống máy bơm và đường ống kỹ thuật đường lắp đặt và vận hành từ năm 1994.

Dựa vào những chứng cứ trên cùng với kết quả phân tích các hàm lượng ô nhiễm trong dịch thải, đoàn kiểm tra kết luận, Công ty Vedan Việt Nam cố ý xả trực tiếp dịch sau lên men ra sông Thị Vải có tính hệ thống, có tổ chức và kéo dài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.