“Vùng đỏ” phải tạm dừng thi công
Các khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ) đang được Bộ Xây dựng đề xuất tạm dừng thi công tất cả các công trình xây dựng, trừ các công trình xây dựng sử dụng cho mục đích phòng, chống dịch…
Tại công văn 3373 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (ngày 23/8), Bộ Xây dựng đề xuất nhiều giải pháp cấp bách liên quan đến việc thi công các công trình xây dựng trong thời gian tăng cường giãn cách xã hội.
TỔ CHỨC KIỂM TRA ĐỊNH KỲ, ĐỘT XUẤT VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH TẠI CÁC CÔNG TRƯỜNG
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, đặc biệt là một số tỉnh phía Nam. Do đó, tại các công trường xây dựng cần được tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người lao động. Bộ Xây dựng cũng đã nghiên cứu, xây dựng “Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường xây dựng” và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên công trường hiệu quả, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất các yêu cầu về phòng, chống dịch Covid -19 theo quy định của Bộ Y tế, địa phương và hướng dẫn nêu trên tại các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn.
Đối với các khu vực, địa phương đang thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, số 16/CT-TTg, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc cho phép các công trình cụ thể được tổ chức thi công xây dựng trên cơ sở xem xét các tiêu chí theo quy định và một số nguyên tắc như:
Công trình xây dựng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; Công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quyết định của cấp có thẩm quyền; Công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp theo quy định của pháp luật về xây dựng; Công trình phục vụ quốc phòng, an ninh đã triển khai thi công xây dựng; Các công trình sử dụng cho mục đích sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình cung cấp cơ sở, tiện ích hạ tầng kỹ thuật ở ngoài đô thị, cách xa điểm dân cư tập trung;
Hay công trình xây dựng sắp hoàn thành khi đưa vào khai thác sử dụng có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội (khối lượng xây dựng đã thực hiện đạt trên 80%); Công trình đang thi công xây dựng bắt buộc phải tiếp tục triển khai để đảm bảo kỹ thuật công trình, an toàn tính mạng cộng đồng hoặc ảnh hưởng, gây mất an toàn cho công trình liền kề; Công trình xây dựng trong khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao;
Công trình sửa chữa, cải tạo nhà xưởng, thiết bị trong phạm vi mặt bằng của doanh nghiệp; Công trình sử dụng cho mục đích dân dụng trong khu dân cư có hàng rào che chắn xung quanh khu vực xây dựng và có khoảng cách đến nhà, công trình lân cận, trục đường giao thông chính tối thiểu từ 30m trở lên.
Đối với nhà ở riêng lẻ, số lượng lao động có mặt tại công trình xây dựng không quá 10 người.
Riêng với khu vực có mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ), phải tạm dừng thi công xây dựng tất cả các công trình xây dựng, trừ các công trình xây dựng sử dụng cho mục đích phòng, chống dịch...
NHANH CHÓNG THÁO GỠ VƯỚNG MẮC THỦ TỤC VỀ XÂY MỚI BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN
Trong ngày 21/8, các thành viên Tổ Công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng cũng đã họp trực tuyến với Cục Công tác phía Nam để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19.
Thông tin tại cuộc họp cho hay, đến nay, TP.HCM đã đưa vào sử dụng 12 bệnh viện dã chiến, đang xây dựng 5 bệnh viện dã chiến – đáp ứng khoảng 60.000 giường; tỉnh Bình Dương đã bố trí 2 bệnh viện dã chiến đáp ứng 2.200 giường, dự kiến triển khai thêm 3 bệnh viện dã chiến đáp ứng 9.730 giường; tỉnh Đồng Nai đã bố trí 6 bệnh viện dã chiến đáp ứng 3.320 giường; tỉnh Long An bố trí 15 bệnh viện dã chiến với 5.644 giường; Tiền Giang bố trí 5 bệnh viện dã chiến đáp ứng 2.010 giường…
TP.HCM đã đưa vào sử dụng 12 bệnh viện dã chiến, đang xây dựng 5 bệnh viện dã chiến – đáp ứng khoảng 60.000 giường. Tỉnh Bình Dương đã bố trí 2 bệnh viện dã chiến đáp ứng 2.200 giường, dự kiến triển khai thêm 3 bệnh viện dã chiến đáp ứng 9.730 giường. Tỉnh Đồng Nai đã bố trí 6 bệnh viện dã chiến đáp ứng 3.320 giường. Tỉnh Long An bố trí 15 bệnh viện dã chiến với 5.644 giường. Tỉnh Tiền Giang bố trí 5 bệnh viện dã chiến đáp ứng 2.010 giường…
Sau khi nghe báo cáo của các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp trên cả nước, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Do đó, trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Tổ công tác cần nhanh chóng thực hiện một số việc để hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng, chống dịch, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền của Bộ. Đồng thời nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết, xử lý những công việc vượt thẩm quyền của Bộ Xây dựng.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng đề nghị lãnh đạo các đơn vị là thành viên tổ công tác nhanh chóng hoàn thiện các văn bản gửi các địa phương trọng điểm trong vùng dịch phía Nam: Bổ sung hướng dẫn thiết lập bệnh viện dã chiến theo phân tầng điều trị bệnh nhân; Khuyến nghị các địa phương thành lập các tổ ứng trực kỹ thuật để xử lý sự cố điện, nước, cháy nổ tại các khu dân cư, chung cư cao tầng;
Ngoài ra, cần ủy quyền cho các Sở Xây dựng địa phương thực hiện kiểm tra, nghiệm thu sơ bộ các công trình mới hoàn thành thuộc thẩm quyền nghiệm thu hoàn thành của Bộ Xây dựng để có thể trưng dụng làm bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly tập trung theo yêu cầu của địa phương.
Về các vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục của các dự án đầu tư, xây dựng mới các bệnh viện dã chiến trong tình huống cấp bách sử dụng vốn đầu tư công, điều chỉnh hợp đồng xây dựng do giá vật liệu và nhân công tăng làm vượt tổng mức đầu tư…, ông Hùng giao Cục Quản lý hoạt động xây dựng và Cục Kinh tế xây dựng có báo cáo, đề xuất các giải pháp gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo, để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, các chủ đầu tư và nhà thầu trong các hoạt động đầu tư xây dựng liên quan.