Vượt Hồng Kông, Ấn Độ thành thị trường chứng khoán lớn thứ 7 thế giới
Ấn Độ là thị trường chứng khoán nổi trội ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay, trong khi Hồng Kông là thị trường chứng khoán lớn có mức giảm điểm mạnh nhất trong khu vực...
Ấn Độ đã vượt qua Hồng Kông để trở thành thị trường chứng khoán có giá trị vốn hoá lớn thứ 7 trên thế giới, một phần nhờ niềm lạc quan ngày càng lớn của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng kinh tế của quốc gia tỷ dân.
Hãng tin CNBC dẫn dữ liệu từ Liên đoàn Các sàn giao dịch Thế giới (WFE) cho biết ở thời điểm cuối tháng 11, tổng giá trị vốn hoá thị trường của các cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Quốc gia Ấn Độ (NSE India) đạt 3,989 nghìn tỷ USD, so với mức vốn hoá 3,984 nghìn tỷ USD của Sở giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (HKEX).
Chỉ số Nifty 50 của chứng khoán Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày thứ Hai tuần này, đã tăng 16% trong năm nay và đang trên đà hoàn tất năm tăng thứ 8 liên tiếp. Ngược lại, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã giảm 18% trong năm nay và chuẩn bị hoàn tất năm giảm thứ tư liên tiếp.
Ấn Độ là thị trường chứng khoán nổi trội ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay, trong khi Hồng Kông là thị trường chứng khoán lớn có mức giảm điểm mạnh nhất trong khu vực. Thanh khoản tăng, nhà đầu tư trong nước tham gia thị trường nhiều hơn, và các yếu tố bên ngoài thuận lợi như lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm gần đây đều góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn của chứng khoán Ấn Độ.
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Ấn Độ trong quý 3 năm nay tăng trưởng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ giảm tốc nhẹ so với mức tăng 7,8% đạt được trong quý 2.
“Ấn Độ một lần nữa có được tốc độ tăng trưởng nổi bật so với các nền kinh tế lớn khác trên thế giới”, nhà kinh tế trưởng Rahul Bajoria của ngân hàng Barclays tại Ấn Độ nhận định.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo dự báo gần đây nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng kinh tế của năm tài khoá kết thúc vào ngày 31/3/2024 là 6,3%, còn Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) kỳ vọng con số 6,5%.
Về phần Hồng Kông, mới tuần trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của vùng lãnh thổ này từ ổn định xuống tiêu cực. Trong tuyên bố về động thái này, Moody’s đề cập đến mối quan hệ mật thiết về tài chính và kinh tế giữa Hồng Kông và Trung Quốc đại lục. Trước đó, Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm của Trung Quốc từ ổn định xuống tiêu cực do triển vọng tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Đầu tháng 11, chính quyền Hồng Kông dự báo tăng nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 3,2% trong năm nay, thay cho mức dự báo tăng 4-5% đưa ra hồi tháng 8. Nhà chức trách cũng cảnh báo rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng và các điều kiện tài chính thắt chặt tiếp tục gây áp lực lên đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.
“Nền kinh tế Hồng Kông sẽ hạ cánh mềm trong năm 2024, với tăng trưởng GDP thực tế giảm còn khoảng 2% từ mức 3,5% của năm 2023”, một báo cáo của DBS nhận định. “Nhân tố quan trọng đằng sau mức tăng trưởng này sẽ là sự phục hồi của dòng du khách từ Trung Quốc đại lục, giúp đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và dịch vụ”.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 ở mức khoảng 5%. Quý 3 vừa qua, GDP của Trung Quốc tăng trưởng 4,9%, làm dấy lên hy vọng rằng nước này sẽ đạt hoặc thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2024 bị cho là kém tươi sáng, bởi cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết và tiêu dùng còn yếu. Trong dài hạn, Trung Quốc cũng đối mặt với một số thách thức mang tính cơ cấu như dân số già hoá.