10:17 05/12/2023

Kinh tế giảm tốc, thanh niên Trung Quốc đua nhau bỏ phố về quê

An Huy

Nhưng với thách thức kinh tế mà Trung Quốc đang đối mặt, việc phát triển việc làm ở nông thôn khó có thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề thất nghiệp ở giới trẻ nước này...

Một hội chợ việc làm ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
Một hội chợ việc làm ở Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.

Gong Chengqiang ăn lương 200.000 nhân dân tệ (28.000 USD) mỗi năm trong một công ty công nghệ ở Hàng Châu trước khi công ty này đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Bây giờ, Gong làm nghề trồng dâu tây ở một vùng nông thôn thuộc tỉnh Chiết Giang, và dự kiến thua lỗ số tiền tương tự do mất 40% sản lượng dâu vì bệnh trong vụ thu hoạch này.

Quyết định bỏ phố về quê được Gong, 30 tuổi, đưa ra sau khi nỗ lực phát triển một blog tài chính thất bại. Khi Gong hướng sự quan tâm của mình tới lĩnh vực trái cây, một số người bạn làm blog cam kết sẽ đầu tư. Gong có ý tưởng thay đổi vị, chất lượng và giá của 20 loại trái cây khác nhau, cam kết sẽ biến ý tưởng này trở thành hiện thực. Nhưng trong quá trình triển khai, Gong vật lộn với cảm giác bị cô lập, nhất là khi cha mẹ anh thất vọng với quyết định của con trai.

“Gia đình bố tôi đã làm nông dân cả đời. Ước muốn duy nhất của họ là con cái có một cuộc sống khác. Họ đã cho tôi ăn học bao năm, vậy mà cuối cùng tôi lại quay trở về làm nông”, Gong nói.

LÀN SÓNG CỬ NHÂN VỀ QUÊ

Trong suốt nhiều thập kỷ, những người như cha mẹ Gong di cư tới các thành phố của Trung Quốc để làm việc, góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng giờ đây, khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc, giới trẻ của nước này đang rơi vào một cuộc khủng hoảng thất nghiệp, với tỷ lệ thất nghiệp là 1/5 ở những người từ 16-24 tuổi. Các gia đình đầu tư cho con học đại học với mong muốn con cái có được cuộc sống trung lưu giờ đang nhận thấy rằng tia hy vọng ngày càng mong manh. Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thẩm Quyến đều chứng kiến dân số giảm trong năm 2022 - hiện tượng lần đầu tiên từng được ghi nhận.

“Khi tôi tốt nghiệp vào năm 2014, ngay cả một sinh viên trung bình như tôi, chưa có kinh nghiệm gì, cũng có thể nhận được nhiều lời mời công việc và tìm được việc làm ở một công ty tốt. Giờ thì chẳng có chuyện đó”, Gong nói.

Trong bối cảnh như vậy, nông thôn Trung Quốc trở thành một nơi để giới trẻ nước này tìm về. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã có nhiều năm kêu gọi người trẻ “tái sinh các miền quê” đã đẩy mạnh lời kêu gọi này trong những tháng gần đây, và tỉnh Quảng Đông hồi tháng 5 năm nay đã triển khai một kế hoạch thử nghiệm nhằm đến năm 2025 đưa 300.000 sinh viên tốt nghiệp đại học về làm việc tại các vùng nông thôn trong tỉnh. Các lựa chọn đưa ra cho các cử nhân này bao gồm vị trí công chức nhà nước trong 2 năm, chương trình thực tập sinh nông nghiệp, và các chương trình vườn ươm giúp phát triển ý tưởng kinh doanh.

“Chúng tôi hiểu rằng mỗi thanh niên là sự đầu tư lớn nhất của một gia đình, lớn hơn cả một tài sản. Phải mất 20 năm hoặc hơn để nuôi dạy một người trẻ, nên công ăn việc làm của họ có ảnh hưởng trực tiếp đến cả gia đình. Đó là lý do vì sao Chính phủ dành nhiều sự quan tâm tới tạo công ăn việc làm cho giới trẻ”, ông Du Peng - Phó chủ tịch Đại học Nhân dân Trung Quốc - phát biểu.

Nhưng với thách thức kinh tế mà Trung Quốc đang đối mặt, việc phát triển việc làm ở nông thôn khó có thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề thất nghiệp ở giới trẻ nước này. Theo dự báo của Bloomberg Economics, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) hàng năm của Trung Quốc trong thập kỷ sau đại dịch Covid-19 sẽ giảm một nửa còn 4% so với mức 8% trong thập kỷ trước đại dịch. Giá nhà giảm sút khiến cho các gia đình cảm thấy ít chắc chắn về tương lai hơn và sự suy giảm niềm tin đã khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc giảm xuống mức thấp lịch sử.

Việc dịch chuyển những người trẻ có bằng cấp khỏi các thành phố - cái nôi của các sáng tạo công nghệ - có nguy cơ làm cho tăng trưởng kinh tế càng yếu hơn, trong khi quá trình đô thị hoá chậm lại sẽ gây giảm nhu cầu nhà mới - vốn là một nguồn động lực quan trọng cho tăng trưởng.

SỰ ĐÁNH ĐỔI CỦA NHỮNG NGƯỜI TRẺ

Về phần mình, nhiều người trẻ Trung Quốc hiện nay không còn lựa chọn nào khác ngoài về quê và làm những công việc không phù hợp với kỹ năng mà họ được đào tạo. Những ngành như công nghệ và giáo dục - vốn là nơi hấp thụ một lượng lớn sinh viên tốt nghiệp hàng năm ở Trung Quốc - đang trải qua thử thách khắc nghiệt do thay đổi chính sách. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người trẻ phải chọn về nông thôn để tìm công việc trong nhà nước.

Chen Bing, 24 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành tâm lý. Cô đang làm tình nguyện viên tư vấn tại một trường học ở nông thôn sau một thời gian chật vật tìm công việc toàn thời gian phù hợp mà không thành công. Tham gia chương trình này giúp cô có thêm điểm cộng khi thi tuyển công chức và thi cao học, nhưng mang lại mức lương ít ỏi chỉ 2.300 nhân dân tệ mỗi tháng. Dù Chen hứng thú với công việc đang làm, cô luôn cảm thấy lo lắng về những gì sẽ đến.

“Khi cảm thấy buồn lo về bước đi tiếp theo của mình, tôi tự nhủ hãy nghỉ ngơi một chút và tập trung vào công việc đang có”, Chen nói.

Một trong những sáng kiến ở Quảng Đông đã giúp đưa công việc ở nông thôn trở thành cơ hội thương mại khả quan, thay vì chỉ là giải pháp tạm thời cho người trẻ thất nghiệp. Khởi động vào năm 2022, sáng kiến “CEO làng” đưa ra những chương trình như khoá đào tạo 1 tháng về kinh doanh ở nông thôn.

Zhang Boai, 20 tuổi, tham gia sáng kiến trên khi còn đang học đại học. Zhang đã xin được khoản trợ cấp 100.000 nhân dân tệ của Chính phủ và hiện đang dẫn đầu một nhóm gồm 40 thành viên phát triển một sản phẩm xử lý đất mới nhằm giúp tăng năng suất các loại cây ăn trái.

“Trước đây, Chính phủ khuyến khích nông dân ra thành phố và mua nhà ở đó, hy sinh sự phát triển của các miền quê. Bây giờ, nông dân nên được hưởng một số lợi ích”, Zhang nói.

Xét cho cùng, sống ở nông thôn là một sự đánh đổi đối với nhiều người trẻ Trung Quốc: công việc ở nông thôn mang lại thu nhập thấp hơn nhiều, nhưng họ có được sự ổn định và các lợi ích khác như chỗ ở và ăn uống miễn phí. Cuộc sống chậm lại cũng là một điểm cộng đối với nhiều người.

Wang Zhihao, 24 tuổi, cảm thấy vui hơn nhiều khi làm việc tại phòng tài chính của một thị trấn nông thôn Quảng Đông. Thời còn sống ở thành phố, Wang kiếm được 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng từ công việc kế toán thực tập, nưhng tiêu hết vào ăn ở, và còn phải di chuyển 2 tiếng mỗi ngày giữa nơi ở và nơi làm việc.

“Ở Quảng Châu, nhiều thứ nằm ngoài tầm tay của tôi. Nhà cửa và chi phí sinh hoạt hàng ngày ở đó khiến tôi cảm thấy khó thở”, Wang nói.