09:31 29/09/2007

“Wall Street” giữa sa mạc?

Kiều Oanh

Dubai đang nỗ lực trở thành một trung tâm tài chính khu vực, với tham vọng có thể cạnh tranh với trung tâm tài chính New York

Một góc Dubai.
Một góc Dubai.
Tháng Ramadan luôn là quãng thời gian yên tĩnh ở khu vực Trung Đông. Các doanh nghiệp ở đây đóng cửa ngay từ đầu giờ chiều mỗi ngày, hoạt động thương mại diễn ra chậm chạp. Gần như tất cả mọi người đều nhịn ăn cho tới lúc mặt trời lặn, bởi thế ít người có năng lượng dành cho việc đi lại từ nơi này đến nơi khác trên thế giới và tiến hành những vụ giao dịch.

Vậy đâu là lý do cho lịch trình đi lại dày đặc của Soud Ba’alawy trong những tuần vừa qua? Từ khi lễ thánh Ramadan bắt đầu hôm 13/9, Ba’alawy đã tới New York, London, Milan và Stockholm và không tham dự vào những nghi lễ quan trọng của tháng lễ thánh tại gia đình ở Dubai.

Lý do ở đây là: Ba’alawy là một trong những thành viên đi đầu trong nỗ lực của Dubai nhằm trở thành một trung tâm tài chính của thế giới. Với tư cách là Chủ tịch điều hành của Dubai Group - tập đoàn đầu tư của Tiểu vương Mohammed bin Rashid al Maktoum của Dubai - Ba’alawy có công trong việc thúc đẩy một loạt thỏa thuận với tổng trị giá 6,5 tỷ USD giữa Sở Giao dịch Chứng khoán Dubai (Borse Dubai), sàn giao dịch chứng khoán NASDAQ của Mỹ, tập đoàn điều hành sở giao dịch chứng khoán OMX Group của Thụy Điển và Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSE).

Nếu được hoàn tất, kết quả của những vụ giao dịch này sẽ là NASDAQ mua lại OMX Group, Dubai Borse nắm 20% cổ phần trong NASDAQ, và NASDAQ nắm giữ 1/3 cổ phần trong một công ty con của Borse Dubai. Vào ngày 26/9, thỏa thuận này tiến thêm một bước nữa khi các nhà đầu tư sở hữu 47% cổ phiếu của OMX đã cho thấy sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận. Ngoài ra, Borse Dubai sẽ mua lại cổ phần 28% của NASDAQ trong LSE.

Như vậy, với những thỏa thuận này, NASDAQ đạt mục tiêu là đặt chân vào thị trường chứng khoán Trung Đông đang phát triển nhanh chóng. OMX, vốn đã phát triển phần mềm giao dịch được sử dụng tại 60 sàn giao dịch chứng khoán trên thế giới, sẽ có cơ hội tiêu thụ rộng rãi hơn công nghệ này của mình. Còn Dubai thì tìm thấy một đồng minh mạnh mẽ để thúc đẩy nỗ lực trở thành một trung tâm tiền tệ của khu vực.

Vụ giao dịch này cho thấy những tham vọng của Dubai và Tiểu vương al Maktoum. Với nguồn tài nguyên dầu lửa khiêm tốn, Tiểu vương này từ lâu đã có chính sách phát triển những ngành công nghiệp phi năng lượng như vận tải biển và công nghệ cao.

Bằng tiền túi và tiền đi vay, vị Tiểu vương này đã xây dựng một danh mục đầu tư trị giá nhiều tỷ USD bao gồm những khách sạn hàng đầu thế giới như khách sạn Essex House ở New York và Carlton Tower ở London, những khoản đầu tư bất động sản ở nhiều nơi trên thế giới và cổ phần lớn tại Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) và Tập đoàn Hàng không và Quốc phòng châu Âu (EADS) - tập đoàn mẹ của hãng Airbus.

Và hiện ông đang nhận thấy những cơ hội trong việc xây dựng một trung tâm ngân hàng và thương mại ở khu vực Trung Đông. “Nếu chúng tôi phát triển một thị trường tài chính mạnh, thị trường đó sẽ làm thay đổi khu vực”, Ba’alawy nói.

Để đạt được điều này, al Maktoum đã thành lập Dubai Group, đặt dưới sự lãnh đạo những nhân vật kiệt xuất trong ngành tài chính. Ở vị trí Chủ tịch điều hành là Ba’alawy, người đã từng làm việc tại Citigroup cho trong vòng 10 năm trong lĩnh vực quản lý rủi ro. Còn nắm chức Giám đốc điều hành là Thomas S. Volpe, nguyên là người đứng đầu ngân hàng đầu tư Hambrecht & Quist Inc của Mỹ.

“Mối quan tâm chính của Tiểu vương al Maktoum là đảm bảo rằng, Dubai sẽ nhanh chóng có thể cạnh tranh với New York”, Mohamed Ali Alabbar, Chủ tịch của công ty phát triển Emaar Properties, đồng thời cũng là một cố vấn thân cn của Tiểu vương cho biết.

Trong số những người đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ ở vùng Vịnh, Tiểu vương al Maktoum không phải là người duy nhất nhận ra tiềm năng của thị trường tài chính. Cách Dubai khoảng 250 dặm về phía Tây, ở Doha, Qatar, Tiểu vương Hamad bin Khalifa Al-Thani cũng áp dụng một chiến lược tương tự và đã chi khoảng 50 tỷ USD đầu tư vào những dự án nhằm giảm sự phụ thuộc của vương quốc này vào nguồn thu từ dầu khí.

Năm 2005, Qatar từng khiến Dubai không vui khi thuê Phillip Thorpe nắm vị trí điều hành cơ quan quản lý tài chính trung ương của Tiểu vương quốc này. Trước đó, Thorpe đã bị sa thải khỏi vị trí tương tự ở Dubai do mâu thuẫn với các quan chức ở đây.

Phía Qatar rất quan tâm đến cổ phần của NASDAQ ở LSE, và những nguồn tin thân cận cho biết các quan chức của Tiểu vương quốc này tỏ ra giận dữ trước sự hợp tác của Dubai Borse và NASDAQ. Phản ứng trước thỏa thuận này, Qatar đã nhanh chóng mua lại 20% cổ phần của LSE và 10% của OMX.Đề xuất mua lại cổ phần trong OMX của họ đã buộc Borse Dubai phải nâng mức giá đề nghị của mình thêm khoảng 700 triệu USD.

Tuy nhiên, Dubai vẫn nắm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh này. Gần như tất cả những ngân hàng lớn trên thế giới đều đã mở văn phòng hoặc chi nhánh tại Trung tâm Tài chính Quốc tế Dubai, hoặc tại những khu vực gần đó, với mục tiêu là những vụ sáp nhập hoặc mua lại, tài chính Hồi giáo và cho vay những dự án từ lọc dầu đến đầu tư khách sạn cao cấp.

Ngược lại, ngành tài chính của Qatar vẫn tập trung nhiều vào thị trường trong nước. “Tôi nghĩ, chúng tôi là ngân hàng đầu tư duy nhất ở Doha, Kapil Chadda, người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư của HSBS ở Qatar nói. Tuy nhiên, ngành tài chính của Qatar có thể sẽ phát triển mạnh trong thời gian sắp tới nhờ tăng cường hợp tác với LSE.

Tháng 8 vừa qua, Dubai đã hợp nhất sàn giao dịch chứng khoán trong nước của Dubai, với Sở Giao dịch tài chính Quốc tế Dubai (DIFX), một sàn giao dịch mới được thành lập cách đây 2 năm, được điều hành theo kiểu Anh và nhằm vào đối tượng khách hàng là các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đã không thành công. Tiểu vương al Maktoum đã bổ nhiệm Ba’alawy làm Phó chủ tịch, còn Essa Kazim - một thạc sỹ tài chính đến từ Đại học Iowa, Mỹ - giữ chức Chủ tịch của công ty mới có tên Borse Dubai này. Đồng thời, hai người này cũng được trao quyền thực hiện những thỏa thuận giúp tăng cường vị trí của Dubai trên thị trường tài chính toàn cầu.

Dubai đã sớm nhận ra OMX là đối tượng cho chiến lược mua lại của họ. Đầu năm nay, Dubai đề xuất mua lại 30% cổ phần của OMX nhưng bị từ chối. Vào tháng 5, khi NASDAQ đề nghị mua lại OMX với giá 3,7 tỷ USD, Borse Dubai cũng đề nghị mức giá 4 tỷ USD. Với sự giúp đỡ của các ngân hàng JPMorgan Chase và HSBC (ngân hàng cung cấp gần như toàn bộ tiền cho vụ mua lại này), hai bên đã có hàng loạt các cuộc gặp gỡ ở London và New York.

Giám đốc điều hành NASDAQ Bob Greifeld, người cũng sẽ trở thành Phó chủ tịch của DIFX, cho biết, ông bị thuyết phục bởi “cách tiếp cận có tổ chức và phương pháp” của phía Dubai. Và ông quyết định rằng, hai bên có thể hợp tác với nhau. NASDAQ coi OMX là con đường để mở rộng hoạt động ở khu vực Bắc Âu, trong khi Dubai muốn có công nghệ của OMX để sử dụng ở những thị trường đang nổi lên, nhất là vùng Vịnh. “Chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ của OMX và chắn chắn sẽ trở thành một thương hiệu tốt hơn”, Kazim nói.

(Theo BusinessWeek)