19:25 04/10/2022

“Xanh hoá” công nghiệp khai khoáng bằng công nghệ mới

Vũ Khuê

Để nền công nghiệp khai khoáng Việt Nam phát triển tiệm cận gần hơn nữa với nền kinh tế có thể xử lý hết được nguồn khí thải carbon, cần áp dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, tập trung vào phát triển khoa học - công nghệ...

Các gian hàng tham gia triển lãm.
Các gian hàng tham gia triển lãm.

Ngày 4/10/2022, Triển lãm quốc tế về Công nghiệp khai thác, khôi phục tài nguyên khoáng sản và Xây dựng (Mining Vietnam 2022) chính thức khai mạc tại Trung tâm triển lãm quốc tế (I.C.E), số 91 đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

ĐƯA TỚI GIẢI PHÁP MỚI TRONG LĨNH VỰC KHAI KHOÁNG

Sự kiện nằm trong chuỗi triển lãm ngành khai khoáng có uy tín trong khu vực Đông Nam Á do Tập đoàn Infoma Markets tổ chức. Diễn ra từ ngày 4 – 6/10/2022, triển lãm thu hút hơn 100 đơn vị trong và ngoài nước tham gia trưng bày từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, đáng chú ý là các gian hàng quốc gia đến từ Cộng hoà Séc, Trung Quốc và Ba Lan.

 “Xanh hoá” công nghiệp khai khoáng bằng công nghệ mới - Ảnh 1

Bên cạnh đó, một số đơn vị lớn trong ngành đồng hành cùng triển lãm lần này, có thể kể đến các doanh nghiệp tiêu biểu như: Cdt - Česká Dobývací Technika, Công ty Cổ phần Công nghiệp Âu Việt; Công ty Cổ phần Vinza; Công ty TNHH Máy móc Fuli Việt Nam...

Đặc biệt, triển lãm còn có sự bảo trợ chính thức từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Triển lãm mang đến không gian và cơ hội để các doanh nghiệp, các nhà chuyên môn trong ngành khai khoáng trao đổi, chia sẻ, học hỏi về các vận hành, đổi mới phương pháp vận hành, ứng dụng công nghệ số hoá, robot trong khai thác và sản xuất để từ đó, gia tăng sản lượng và giảm thiểu tai nạn nghề nghiệp và vấn đề môi trường.

Tại cuộc họp báo trước khi khai mạc triển lãm, các ý kiến đều nhận định, 2 năm đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu cũng như của Việt Nam, ngành khai khoáng trong nước vẫn đương đầu với những khó khăn và thử thách.

Theo báo cáo, trong 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của ngành khai khoáng giảm 6,3%, lượng dầu thô và khai thác tự nhiên giảm 10,4%. Hoạt động của ngành khai khoáng tại Việt Nam đang đối diện với một số vấn đề như chưa sử dụng triệt để, tối ưu nguồn khoáng sản để mang lại lợi ích về mặt kinh tế, vấn đề về khả năng khai thác xuống sâu và đi xa.

Do đó, ngành Công Thương đưa giải pháp, sản xuất công nghiệp năm 2022 là ứng dụng công nghệ cao, cũng như đẩy nhanh ứng dụng công nghệ mới đối với những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và công nghiệp ưu tiên; tăng cường chuyển đổi số. Đồng thời, tận dụng những thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng giám đốc Vinacomin nhấn mạnh, Mining Vietnam 2022 sẽ góp phần thúc đẩy sự chuyển giao, phát triển công nghệ mới, giải pháp mới trong lĩnh vực khai khoáng, cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành, hướng đến ngành công nghiệp khai khoáng bền vững, bảo vệ môi trường.

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Đồng tình, ông Tee Boon Teong, TGĐ Công ty Informa Markets Việt Nam cho rằng, ngành công nghiệp khai khoáng đóng góp lớn thứ 3 vào GDP của Việt Nam. Việt Nam hiện là nước sản xuất khoáng sản lớn thứ 3 trong ASEAN, có trữ lượng than, bauxit, titan, quặng sắt và kim loại đất hiếm hàng đầu thế giới. Hoạt động khai khoáng ở Việt Nam chủ yếu đến từ 200 mỏ than với tổng trữ lượng 8 tỷ tấn than.

Dự kiến mức tiêu thụ điện tại Việt Nam hàng năm sẽ tăng 10% cho đến năm 2030 và hiện Việt Nam là thị trường năng lượng đang phát triển nhanh nhất khu vực Châu Á.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào nhiệt điện than, chiếm khoảng 46% tổng nguồn cung năng lượng của Việt Nam vào năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 56% vào năm 2030 trong lúc chúng ta vẫn đang ràng buộc với cam kết giảm lượng phát thải khí carbon trong thời gian tới.

Trong tương lai, chắc chắn than vẫn chắc chắn trở thành một kênh năng lượng quan trọng của thị trường Việt Nam. Mặc dù Việt Nam đã cố gắng bổ sung năng lượng tái tạo, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay đòi hỏi việc gia tăng sử dụng than, với tổng số các nhà máy có nguồn năng lượng từ than tăng từ 32 vào năm 2020 lên 51 vào năm 2050, tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm.

Đây là tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chúng ta cần phải giải quyết. Làm sao để Việt Nam phát triển tiệm cận gần hơn nữa với nền kinh tế, có thể xử lý hết được nguồn khí thải carbon trong khi vẫn có thể áp dụng được công nghệ mới, công nghệ xanh, không làm lãng phí cơ sở hạ tầng mà chúng ta đã phát triển trước đây.

“Câu trả lời cho bài toán hóc búa này là không gì khác, chúng ta cần phải tập trung vào sáng tạo, vào khoa học công nghệ. Việt Nam cần tìm kiếm những sản phẩm, công nghệ và phương tiện khai thác hiệu quả nhưng vẫn lưu giữ được nguồn phát thải carbon ngay từ khi chúng ta thực hiện quy trình tách chiết cuối cùng ở đầu ra để giữ lại khí thải carbon này trước khi chúng kịp thải ra môi trường. Khi đó mới đảm bảo được quy trình sản xuất ngày càng thân thiện với môi trường nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế”, ông BT Tee nhấn mạnh.