13:50 22/07/2021

Xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Chu Khôi

Đại dịch Covid-19 và thời gian giãn cách xã hội khiến nguồn lực và hoạt động phòng chống thiên tai gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nguy cơ thiệt hại khi thiên tai xảy ra ngày càng lớn...

Tập huấn Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Tập huấn Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Ngày 22/7/2021, Tổng cục Phòng chống thiên tai phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc  (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức “Tập huấn trực tuyến toàn quốc cho cấp huyện và xã về xây dựng kế hoạch Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19”.

Đây là chương trình tập huấn có số lượng người tham dự lớn nhất từ trước tới nay, với hơn 15.000 đại biểu (gồm cán bộ của 6.000 xã; cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, cán bộ y tế và lãnh đạo cấp huyện của 550 quận, huyện…) đã tham gia tập huấn tại 997 điểm cầu trực tuyến trên cả nước.

Tại Chương trình tập huấn, cán bộ các địa phương cấp xã, cấp huyện được hướng dẫn chi tiết kế hoạch chuẩn bị ứng phó theo từng kịch bản thiên tai có thể xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh, hướng dẫn cụ thể vai trò nhiệm vụ của lực lượng xung kích địa phương theo phương châm "4 tại chỗ" trong tình huống xảy ra khủng hoảng kép thiên tai và dịch bệnh.

Công tác phòng chống thiên tai càng khó khăn, áp lực và nhiều thách thức hơn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trên thế giới cũng đã có những bài học về “thảm họa kép” thiên tai dịch bệnh xảy ra, cụ thể như gần đây nhất tại Ấn Độ, cơn bão rất mạnh Tauktae đổ bộ ngày 17/5 đã làm 152 người chết và mất tích, gần 150.000 người phải đi sơ tán, cơn bão xảy ra gây áp lực hơn cho chính quyền địa phương khi đang phải đối mặt với khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.

 

Trận lũ lụt kinh hoàng vừa qua tại khu vực Tây Âu, chủ yếu tại Đức, Bỉ và Hà Lan, nơi được công nhận là thành trì vững trãi nhất về phòng chống thiên tai, khiến cho gần 200 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và mất tích.

Tại Trung Quốc, mưa lớn nhiều ngày qua đã làm vỡ 2 đập ở khu vực Tây Bắc Nội Mông, còn ở tỉnh Hà Nam ít nhất 12 người đã thiệt mạng, hơn 200.000 người đã phải sơ tán, hiện có vết nứt dài 20 mét tại đập Yihetan, chính quyền phải tính phương án cho vỡ đập. Một lữ đoàn chuyên tham gia kiểm soát lũ lụt và ứng phó khẩn cấp đã được huy động, đem theo thuốc nổ để cho nổ tung con đập và đổi hướng dòng nước. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố trận lũ chết người ở tỉnh Hà Nam là "vô cùng nghiêm trọng".

Để chủ động ứng phó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với tổ chức UNICEF tại Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến hướng dẫn xây dựng kế hoạch Phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xây dựng các tài liệu hướng dẫn giúp các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai đảm bảo mục tiêu chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Thanh An, Quyền Trưởng Chương trình Chính sách Xã hội và Quản trị - tổ chức UNICEF tại Việt Nam nhận định, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tới từng khía cạnh của cuộc sống, từng gia đình và từng người dân, đặc biệt là nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất như trẻ em.

Theo đánh giá nhanh của UNICEF, số trẻ em tới tiêm chủng ở các trạm y tế xã đã giảm hơn 2/3 trong thời gian giãn cách xã hội. Sự chậm trễ trong việc tiêm chủng cho trẻ em có thể dẫn tới tái xuất hiện một số bệnh mà vốn có thể kiểm soát được tốt như sởi, rubella hay bạch hầu.  

Qua khảo sát của UNICEF tại Việt Nam, rất nhiều hộ gia đình nghèo cho biết họ đã phải cắt giảm bữa ăn từ khi dịch Covid -19 xảy ra, nhất là những thời điểm thực hiện giãn cách xã hội và họ phải nghỉ việc.

Đại dịch Covid-19 và thời gian giãn cách xã hội khiến nguồn lực và hoạt động phòng chống thiên tai gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, nguy cơ thiệt hại khi thiên tai xảy ra ngày các lớn.