20:24 04/06/2021

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai trong đại dịch

Tiến Dũng

Năm 2020, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế gần 40.000 tỷ đồng...

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 - Ảnh: VGP/Đức Tuân.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 - Ảnh: VGP/Đức Tuân.

Ngày 4/6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Hội nghị đã diễn ra trong bối cảnh cả nước bắt đầu vào mùa mưa bão khi Biển Đông đón cơn bão số đầu tiên (bão số 1) trong năm 2021 với tên quốc tế Choi-wan.

THIỆT HẠI KINH TẾ 40.000 TỶ ĐỒNG DO THIÊN TAI NĂM 2020

Theo dự báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số lượng bão, áp thấp trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam năm nay có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (khoảng từ 12-14 cơn, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền). 

Tại hội nghị, ông Kamal Malhotra, điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong giảm thiểu rủi ro và ứng phó thiên tai. Tuy nhiên, ông cảnh báo, tác động của các thiên tai gần đây cùng với đại dịch Covid-19 đã cho thấy rằng các gia đình và các cộng đồng dễ bị tổn thương, có khả năng tái nghèo cao hơn vì họ có khả năng phục hồi chậm hơn.

“Nếu không được giải quyết kịp thời, những mối nguy này có thể gây ra tác động tích lũy nghiêm trọng về lâu dài. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc nâng cao khả năng chuẩn bị sẵn sàng và tăng cường năng lực, cải thiện công tác lập kế hoạch và đặc biệt là ở các địa phương sẽ là chìa khóa cho sự thành công của Việt Nam", ông Malhotra nhấn mạnh.

Những năm vừa qua, nhất là năm 2020, thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tác động lớn tới tình hình kinh tế xã hội, đời sống của nhân dân. Năm 2020, đã có tới 576 đợt thiên tai, 265 trận giông lốc, mưa lớn. Thiên tai đã làm chết và mất tích 357 người, gây thiệt hại kinh tế gần 40.000 tỷ đồng.

KỊCH BẢN CHỐNG THIÊN TAI GIỮA COVID-19

Đánh giá tình hình thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, xu thế về biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất kinh doanh và tính mạng của người dân.

 
Phải quyết tâm thật cao để làm sao hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai trong năm 2021. Đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuyệt đối không được chủ quan...
PHÓ THỦ TƯỚNG LÊ VĂN THÀNH

Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới cần phải quan tâm toàn diện hơn tới công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt trong bối cảnh vẫn phải phòng chống dịch Covid-19. 

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cho tình huống này khi năm nay, nước ta sẽ phải hứng chịu 5-7 cơn bão vào đất liền.

"Phải quyết tâm thật cao để làm sao hạn chế thấp nhất thiệt hại của thiên tai trong năm 2021. Đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuyệt đối không được chủ quan”, Phó Thủ tướng quán triệt.

Đối với các cơ quan Trung ương, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Cần đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Đức Tuân

Các lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương tới địa phương tiếp tục tăng cường trang thiết bị. Ưu tiên bố trí ngân sách, tập trung xử lý dứt điểm các công trình trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ. Từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ưu tiên cho nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị, công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, vận hành công cụ hỗ trợ trong chỉ đạo điều hành.

Bên cạnh sự vào cuộc của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng và có tính quyết định của các địa phương trong tổ chức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, ứng phó kịp thời, hiệu quả, đặc biệt là xây dựng kịch bản ứng phó trong tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp.