12:22 14/11/2016

Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia bằng cách nào?

Nguyễn Huyền

Hiện trên thị trường đã có nhiều thương hiệu của doanh nghiệp và địa phương nhưng thương hiệu gạo quốc gia thì đang triển khai

“Gạo là mặt hàng đang cạnh tranh khốc liệt, vì vậy doanh nghiệp chỉ nên 
làm thương hiệu khi có sản phẩm tốt thực sự, phải có niềm tin, có tình 
yêu vào sản phẩm thì mới có thể mang lại cảm xúc cho người tiêu dùng”.
“Gạo là mặt hàng đang cạnh tranh khốc liệt, vì vậy doanh nghiệp chỉ nên làm thương hiệu khi có sản phẩm tốt thực sự, phải có niềm tin, có tình yêu vào sản phẩm thì mới có thể mang lại cảm xúc cho người tiêu dùng”.
Làm sao để hạt gạo Việt được người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ nhiều hơn, bán giá cao, lợi nhuận tốt để các thành phần tham gia trong chuỗi giá trị, đặc biệt là người nông dân hưởng lợi nhiều hơn?

Đây là mong muốn và cũng là mục đích của hội thảo “Nâng cao giá trị, tiến đến xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam”, do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phối hợp cùng Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 11/11 vừa qua tại Tp.HCM.

Hầu hết các đại biểu tại hội thảo đều có chung nhận định: muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công dù ở cấp độ quốc gia, địa phương hay doanh nghiệp, phải hội đủ 3 điều kiện quan trọng: có vùng nguyên liệu; xác định giống lúa; định hướng thị trường xuất khẩu. Nếu làm tốt được 3 điều này thì việc xây dựng thương hiệu không khó.

Xây dựng bộ các tiêu chuẩn

Theo PGS.TS Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, để nâng cao giá trị hạt gạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ đề án 706 xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Đề án có 3 cấp xây dựng: cấp quốc gia, cấp vùng và cấp doanh nghiệp.

Hiện trên thị trường đã có nhiều thương hiệu của doanh nghiệp và địa phương nhưng thương hiệu gạo quốc gia thì Bộ đang triển khai.

Theo phân khúc thị trường Bộ tạm thời chia làm 4 nhóm: gạo thơm, gạo trắng hạt dài chất lượng cao, gạo trắng nguyên liệu và gạo đặc sản. Trước mắt, Bộ sẽ chọn ra 2 nhóm gạo thơm và gạo trắng hạt dài, sau đó tiến đến xây dựng tiêu chuẩn gạo thơm.

Sau khi có bộ tiêu chuẩn gạo thơm, Bộ sẽ phối hợp với VFA xây dựng logo cho gạo Việt sẽ được đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước. doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn sẽ được gắn nhãn, mác, logo thương hiệu gạo quốc gia.

GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam hiến kế: muốn xây dựng thành công thương hiệu gạo, dù ở cấp độ nào giống lúa vẫn là khâu quan trọng nhất và phải có lợi thế so sánh so với các nước khác.

Nói về giống lúa thơm, lúa thơm Việt Nam không có lợi thế so với giống lúa Basmati 370 của Ấn Độ, Khao-Đắc-Ma-Li 105 của Thái Lan và giống lúa Phà Ca của Campuchia. Về lâu dài nên đầu tư cho khoa học, cho chế biến và đi vào các giống lúa có chất lượng gạo cao, như dùng làm thực phẩm chức năng dành người bệnh đái tháo đường, người bị suy thận mãn, người cao huyết áp... “Nếu theo hướng này thì chúng ta sẽ có giống lúa “Made in Vietnam” rõ ràng và sẽ làm được nhiều thứ”, ông Bửu nhấn mạnh.

Hội thảo cũng lưu ý doanh nghiệp cần quan tâm chăm sóc nhiều hơn nữa thị trường gạo nội địa, nhất là tại các siêu thị, bởi làm thương hiệu cho gạo siêu thị tương đối dễ chịu hơn thương hiệu gạo xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp chưa thật sự chú trọng tới vấn đề này. Đó chính là lý do tại sao trong các siêu thị lớn ở Tp.HCM, Hà Nội, gạo Thái Lan chiếm tỷ lệ rất lớn, từ 1/3 thậm chí là một nửa.

Một điều cần quan tâm nữa, đó là chất lượng gạo năm trước và năm sau không đồng nhất. Nguyên nhân là do doanh nghiệp không xây dựng vùng nguyên liệu lâu dài, trong điều kiện sản xuất manh mún thì yêu cầu xây dựng vùng nguyên liệu đối với doanh nghiệp là tương đối khó.

Do đó, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và có một chính sách như tập hợp nông dân vào một tổ chức, từ đó doanh nghiệp có thể ký hợp đồng trực tiếp để tạo vùng nguyên liệu.

Xây dựng thương hiệu bằng lòng tin

Theo ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc Chiến lược thương hiệu Công ty Richard Moore Associate, Việt Nam đã có sự dịch chuyển rất nhanh về hàng hóa so với trước. Nếu trước đây người tiêu dùng trong nước chủ yếu dùng gạo không thương hiệu, thì khoảng 2-3 năm trở lại đây, xu hướng tiêu dùng trên thị trường có sự thay đổi nhanh, người tiêu dùng bắt đầu chú ý đến những thương hiệu hấp dẫn, bắt mắt, nhìn vào là muốn mua ngay và cuộc chiến thương hiệu gạo giữa các doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu.

“Gạo là mặt hàng đang cạnh tranh khốc liệt, vì vậy doanh nghiệp chỉ nên làm thương hiệu khi có sản phẩm tốt thực sự, phải có niềm tin, có tình yêu vào sản phẩm thì mới có thể mang lại cảm xúc cho người tiêu dùng. Một thương hiệu không phải tự nhiên được khách hàng yêu mến mà nó được xuất phát từ nội tại bên trong sản phẩm”, ông Sơn nhấn mạnh.

Còn ông Đặng Kim Sơn, thành viên Hội đồng Quản trị PAN Group, nhấn mạnh: “Muốn tạo được thương hiệu trước hết người xây dựng thương hiệu phải yêu nó. Người đứng đầu một khi đã say mê thì hành động luôn truyền cảm xúc đến mọi người. Đó là cái mà chúng ta đang thiếu và là nguyên nhân tại sao một số doanh nghiệp xây dựng thương hiệu của họ chưa thành công”.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, đề xuất 3 yêu cầu trong xây dựng thương hiệu gạo.

Thứ nhất, cần phải hết sức bình tĩnh trong việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia. Trong điều kiện thị trường sản lượng gạo trắng xuất khẩu sụt giảm mạnh, xuất khẩu gạo thơm chiếm trên 30%, nhưng điều đáng lưu ý là lượng gạo thơm Jasmine 85 xuất khẩu chiếm khoảng 700-800 ngàn tấn/năm.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xác định rõ ràng tiêu chuẩn chất lượng gạo thơm Jasmine 85, giống như Thái Lan, Ấn Độ làm tiêu chuẩn chất lượng gạo thơm Basmati và Homali, từ đó làm logo gạo Việt.

Thứ hai, xuất khẩu với khối lượng 700-800 ngàn tấn/năm không phải là con số nhỏ, và trong tương lai sẽ còn lớn hơn nữa. Đó là cách tiếp cận nhanh.  

Thứ ba, sản phẩm phải thuyết phục được người tiêu dùng trong nước và khu vực, bằng tình cảm và lòng đam mê của mình đối với sản phẩm làm ra, nếu không thuyết phục được người tiêu dùng thì không thể nào thành công.