08:34 12/04/2007

Xét xử vụ trục lợi bảo hiểm tại Pjico

Vĩnh Thịnh

Theo cáo buộc, bị cáo sẽ "lại quả" cho hai lãnh đạo của Pjico nếu được nhận bồi thường bảo hiểm

Ông Trần Nghĩa Vinh, nguyên Tổng giám đốc Pjico.
Ông Trần Nghĩa Vinh, nguyên Tổng giám đốc Pjico.
Ngày 10/4, vụ gian lận 3,8 tỷ đồng tại Bảo hiểm Pjico, liên quan việc nhận hối lộ của nguyên Tổng giám đốc Trần Nghĩa Vinh cùng Phó tổng giám đốc Hồ Mạnh Quân đã được Tòa án Nhân dân Hà Nội đưa ra xét xử.

Cùng hầu tòa là Phan Hồng Thu (Giám đốc Công ty Việt Thái Phong) và 3 cựu cán bộ của Pjico: Nguyễn Thị Bích Hợp, Vũ Dương Quý và Ngô Hồng Khoa.

Những người này bị xét xử về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Vụ án được đưa ra xét xử tròn một năm sau khi Tòa án Nhân dân Hà Nội trả hồ sơ, yêu cầu làm rõ dấu hiệu tham ô của ông Vinh và Quân. Tuy nhiên, kết quả điều tra vẫn không thay đổi, hai người này tiếp tục chỉ bị truy tố về tội nhận hối lộ.

Theo cáo buộc của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, bị cáo Phan Hồng Thu khi biết tin chuyến hàng chở hơn 15.000 tấn tôm (trị giá hơn 144.000 USD) xuất sang nước ngoài bị cháy đã sử dụng tài liệu giả mạo để mua bảo hiểm nhằm thụ hưởng số tiền bồi thường 3,8 tỷ đồng.

Phan Hồng Thu móc nối với Tổng giám đốc Pjico Trần Nghĩa Vinh, Phó tổng giám đốc Pjico Hồ Mạnh Quân về việc “ăn chia” nếu được nhận bồi thường. Theo đó, nếu hai ông giải quyết mọi việc trót lọt, Thu đồng ý chi “lại quả” 1,9 tỷ đồng. Và mọi việc đã diễn ra theo đúng thỏa thuận.

Quá trình xét hỏi đã làm rõ tháng 10/2002, Công ty Sông Tiền (Tiền Giang) ký hợp đồng bán 2 lô hàng tôm biển cho Công ty Pizoler AG của Thụy Sĩ. Ngày 11/11/2002, trên đường vận chuyển, lô hàng hơn 15.000 tấn tôm bị thiệt hại do tàu cháy.

Vài giờ sau khi xảy ra sự cố, Phan Hồng Thu chỉ đạo Trần Văn Trí (Cty Sông Tiền) đi mua bảo hiểm tại Chi nhánh Pjico ở Tp.HCM. Nguyễn Thị Bích Hợp là người tiếp nhận hồ sơ của Trí. Ngày 26/11/2002, khi trở về Việt Nam sau chuyến công tác, Phan Hồng Thu ký công văn yêu cầu Pjico trả tiền bảo hiểm cho lô hàng bị tổn thất.

Chủ tọa hỏi: “Vì sao phải mua bảo hiểm thông qua Trần Văn Trí?”. Thu trả lời: “Trí là người của bên xuất hàng. Theo thỏa thuận, sau khi tàu rời cảng, anh ta cầm hồ sơ và mua bảo hiểm luôn”. Tổng giá trị tiền mua bảo hiểm 2 lô hàng hơn 35 triệu đồng.

Theo Phan Hồng Thu, do Việt Thái Phong ký hợp đồng dịch vụ chi tiết với Pizolerf AG nên có trách nhiệm lo toàn bộ về lô hàng. Việt Thái Phong đã làm dịch vụ kiểu này nhiều lần, thường xuyên mua bảo hiểm tại Pjico. Tuy nhiên, nữ giám đốc lại không thể trả HĐXX rằng thủ tục mua bảo hiểm gồm những gì. Trước đó, bà Thu cũng im lặng khi Hội đồng Xét xử hỏi Công ty Việt Thái Phong có bao nhiêu nhân viên. Tháng 4/2004, hồ sơ của Việt Thái Phong bị Pjico từ chối bồi thường do mua bảo hiểm sau khi xảy ra tổn thất gần 6 tiếng.

Theo cáo trạng, Vụ Bảo hiểm (Bộ Tài chính) kết luận, đơn bảo hiểm chi nhánh Pjico Tp.HCM cấp cho Việt Thái Phong vô hiệu ngay từ thời điểm giao kết hợp đồng vì bên mua bảo hiểm không có quyền lợi có thể được bảo hiểm. Bên mua gian dối khi giao kết hợp đồng. Không chấp nhận, Việt Thái Phong gửi đơn khiếu nại tới nhiều cơ quan, trong đó có Văn phòng Chính phủ.

Trả lời lý do của việc theo đuổi đòi bồi thường, bị cáo Phan Hồng Thu thú nhận, tình hình tài chính của Việt Thái Phong rất tồi tệ, nếu không muốn nói là “con số âm”. Giám đốc Việt Thái Phong nhiều lần khẳng định, việc đòi bồi thường là hợp pháp.

Chủ tọa hỏi vặn: “Nếu Việt Thái Phong mua bảo hiểm cho lô hàng là hợp pháp, đi đòi tiền cũng là đúng, vậy tại sao phải đồng ý chi 1,9 tỷ đồng để được nhận bồi thường?”. Bị cáo Phan Hồng Thu im lặng, khóc nấc, rồi thú nhận: “Vì công ty không còn tiền để hoạt động”. Tiền bồi thường 3,8 tỷ đồng là tấm “phao” để doanh nghiệp này níu bám vào.

Theo bị cáo Thu, cáo trạng kết luận trong lô hàng bị cháy, Việt Thái Phong và công ty mua hàng không có hợp đồng dịch vụ cụ thể là không chính xác. Trong tài liệu công an thu giữ, có hợp đồng này. Nhưng do cơ quan điều tra cho rằng không có hợp đồng nên đã xác định Việt Thái Phong mua bảo hiểm là bất hợp pháp.

Sáng 11/4, phiên toà xét xử vụ gian lận bảo hiểm tại Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (Pjico) được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo trong việc ký kết và giải quyết chi trả tiền bồi thường cho Công ty Việt Thái Phong. Tại phiên toà, hội đồng xét xử và các luật sư tập trung hỏi các bị cáo nội dung xoay quanh tính pháp lý, thời điểm của việc mua bảo hiểm, trách nhiệm của nguyên Tổng giám đốc Pjico Trần Nghĩa Vinh trong việc quyết định chi trả tiền bồi thường cho lô hàng bị cháy.

Trả lời thẩm vấn của toà, bị cáo Phan Hồng Thu khai rằng việc làm của mình là do bị “ép làm theo kịch bản” của luật sư bên Công ty Việt Thái Phong và Trần Nghĩa Vinh.

Để được chi trả tiền bảo hiểm, Thu phải chấp nhận thương lượng và được gợi ý phải trả “hoa hồng 50% số tiền bảo hiểm 3,8 tỷ đồng”. Theo bị cáo Thu, cáo trạng kết luận trong lô hàng bị cháy, Việt Thái Phong và công ty mua hàng không có hợp đồng dịch vụ chi tiết là không chính xác. Thu khẳng định: trên thực tế có hợp đồng dịch vụ này, song theo yêu cầu của cơ quan điều tra nên Thu khai là không có.

Trần Nghĩa Vinh một mực khai trước hội đồng xét xử rằng trong việc chi trả tiền bồi thường này, Vinh không có toàn quyền quyết định, mà chỉ có quyền phê duyệt. Mọi hồ sơ, đề nghị chi trả đều do cấp dưới đưa lên, Vinh chỉ là người quyết định sau cùng. Ông Vinh còn cho rằng mình đã uỷ quyền cho cấp phó là Hồ Mạnh Quân nên khi Quân trình hồ sơ lên Vinh tin tưởng cho là đúng nên cứ thế phê duyệt.

Chiều 11/4 Hội đồng Xét xử tuyên hoãn phiên toà và trả hồ sơ để cơ quan điều tra điều tra bổ sung. Thời gian xét xử lại chưa được thông báo.