Xu thế dòng tiền: Đổ vỡ kỹ thuật, ứng xử thế nào?
Với việc VN-Index giảm tới 3,2% trong tuần qua và đóng cửa tới 977,78 điểm, các chuyên gia đều xác nhận xu hướng kỹ thuật đã xấu đi rất nhiều, thậm chí là thay đổi, kết thúc xu hướng tăng của năm 2019
Với việc VN-Index giảm tới 3,2% trong tuần qua và đóng cửa tới 977,78 điểm, các chuyên gia đều xác nhận xu hướng kỹ thuật đã xấu đi rất nhiều, thậm chí là thay đổi, kết thúc xu hướng tăng của năm 2019.
Biến động cực mạnh của thị trường hai phiên cuối tuần trước đã gây bất ngờ không nhỏ khi thông thường sau một phiên giảm mạnh như ngày 21/11, thị trường sẽ phục hồi trở lại. Tuy nhiên phiên cuối tuần thị trường lại tiếp tục giảm sâu hơn. Lý giải nguyên nhân này các chuyên gia cho rằng có sự kết hợp của nhiều yếu tố chứ không chỉ tác động từ đáo hạn phái sinh, chẳng hạn hoạt động cắt lỗ hay chốt lời khi thấy thị trường không như kỳ vọng.
Bản thân các chuyên gia cũng đồng quan điểm lúc này nên ưu tiên kiểm soát rủi ro. Mặc dù về tầm nhìn trung, dài hạn, quan điểm vẫn là tích cực, nhưng trong ngắn hạn các chuyên gia đều thực hiện giảm tỷ trọng danh mục. Quan điểm dài hạn cho rằng việc thị trường giảm mạnh bất ngờ và gây tác động lên hàng loạt cổ phiếu thì đó sẽ là cơ hội để mua cho tầm nhìn trung hạn 3-6 tháng.
Tuy nhiên quan điểm thận trọng hơn cho rằng nhà đầu tư nên ưu tiên giảm tỷ trọng cổ phiếu và chưa nên tham gia trở lại trong ngắn hạn, chờ đợi thị trường có thêm các tín hiệu cân bằng.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Diễn biến điều chỉnh lần này đã tiêu cực hơn nhiều dự đoán của anh chị. VN-Index giảm mạnh xuống tận gần 970 điểm và phiên giao dịch bất thường là hôm 21/11. Có ý kiến đổ lỗi cho tự doanh các công ty bán ra, có ý kiến là quỹ giao dịch, cũng có đổ lỗi cho chốt phái sinh. Anh chị có bất ngờ trước diễn biến đó và có bình luận gì?
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Về mặt điểm số, có lẽ việc thị trường nhanh chóng thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm đã gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư. Thậm chí, trong phiên cuối tuần 22/11 chỉ số VN-Index còn chạm ngưỡng hỗ trợ 970 điểm, một ngưỡng hỗ trợ tương đối vững trong vòng 3 tháng qua.
Tuy nhiên, xét trên từng nhóm cổ phiếu cụ thể, việc các cổ phiếu đã tăng mạnh bắt đầu điều chỉnh lại không gây quá nhiều bất ngờ. Đặc biệt là trong bối cảnh các cổ phiếu này đã dẫn dắt thị trường trong thời gian khá lâu nhưng không thu hút được dòng tiền và chưa tạo được sự lan tỏa sang các nhóm cổ phiếu còn lại.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities
Phiên giao dịch 21/11 với hoạt động bán ATC bất thường liên quan đến chốt giao dịch phái sinh của bộ phận tự doanh 1 số công ty chứng khoán có làm nghiệp vụ ETF phần nào đó tác động lớn dẫn đến bóp méo thị trường trong ngắn hạn.
Mặc dù hoạt động này đã được biết trước nhưng với khối lượng lớn vào thời điểm ATC đã gây ảnh hưởng tiêu cực vào những phút cuối của phiên giao dịch. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng trong các đợt chốt phái sinh tới, với việc nhà đầu tư và các tổ chức đã quen dần với các hoạt động này thì việc ảnh hưởng, bóp méo này sẽ được hạn chế đi nhiều.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
VN-Index giảm mạnh là điều rất bất ngờ, có thể do chỉ số tăng vượt 1.000 điểm tích cực nhưng "test" không thành công. Nhà đầu tư đã bán ra khi không đạt kỳ vọng về thị trường, kết hợp với đáo hạn phái sinh ngày 21/11 có sự tiêu cực lên cổ phiếu trong VN30 đẩy thị trường giảm sâu hơn.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Thông tin Mỹ và Trung Quốc gặp khó khăn trong việc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã khiến áp lực bán tăng vọt trong hai phiên cuối tuần, đặc biệt tập trung vào các một số mã như VCB, VIC, VHM… khiến VN-Index không những đánh mất mốc 1,000 điểm mà còn rơi khá sâu và thậm chí đã có lúc về sát ngưỡng hỗ trợ 970 điểm. Đóng cửa tuần, VN-Index dừng tại mức 977.78 điểm (-3.19%) trong khi HNX-Index dừng tại mức 103.09 điểm (-2.77%).
Các cổ phiếu vốn hóa bị bán mạnh khiến cả hai chỉ số VN30 và VN-Index lùi sâu sau các ngưỡng hỗ trợ MA50 và MA200. Đây là diễn biến khá bất ngờ vì bình thường khi thị trường xuyên thủng một ngưỡng hỗ trợ cứng thì thường có phiên bật tăng kỹ thuật. Tuy nhiên, diễn biến tuần qua khá lạ khi thị trường có đến 4 phiên giảm mạnh.
Việc VN-Index ghi nhận xu hướng giảm khá mạnh sau khi để mất mốc 1,000 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng trở lại. Tôi tiếp tục cho rằng xu hướng của chỉ số trong tuần sau sẽ là kiểm định lại vùng hỗ trợ 970-980 điểm (quanh đường trung bình động 200 ngày) và chờ đợi cân bằng cung – cầu được thiết lập cùng với việc tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại trước khi có thể lấy lại mốc 1,000 điểm.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Diễn biến sụt giảm mạnh của thị trường trong tuần qua là khá bất ngờ. Mặc dù phiên sụt giảm mạnh ngày 21/11 xảy ra có thể là do một số yếu tố bất thường, nhưng việc thị trường không thể lấy lại đà tăng và để mất mốc 1000 điểm trong những phiên sau đó là điều khá tiêu cực và có thể khiến cho xu hướng tăng của Vn-Index bị đe dọa.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Với mức giảm quá mạnh trong tuần qua, VN-Index đã phá vỡ các tiêu chuẩn kỹ thuật khi vượt qua ngưỡng 1000 điểm hồi đầu tháng. Như vậy thị trường đã đột phá không thành công. Anh chị có thay đổi quan điểm kỹ thuật không?
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Về kỹ thuật VN-Index vừa vượt 1.000 điểm rất tích cực trong 1 tháng trở lại đây và đã test lại cây nến tăng ngày 1/11/2019 nhưng không thành công. Thị trường điều chỉnh mạnh sau xuất hiện cây nến bull ngày 19/11/2019, cây nến xác nhận test không thành công ngày 20/11/2019. Có sự đồng thuận cả về giá giảm và khối lượng tăng. Phiên ngày 22/11 VN-Index giảm mạnh, đã xuất hiện lực cầu bắt đáy.
Theo tôi có thể đà giảm của VN-Index sẽ chậm lại trong thời gian tới.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Về mặt kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã phá vỡ đường trendline kéo dài từ đầu năm 2019 tới nay nên tôi cho rằng xu hướng tăng trong năm nay đã kết thúc. Điều này xảy ra sớm hơn dự kiến của tôi trước đây là xảy ra trong tháng 12.
Trước mắt chúng ta đang có ngưỡng hỗ trợ mạnh tại vùng 940 điểm nhưng trước khi hướng tới ngưỡng hỗ trợ này thì thị trường cần "test" lại vùng 970 – 980 điểm để thăm dò niềm tin của thị trường.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Mặc dù không giữ được ngưỡng điểm quan trọng 1000 điểm nhưng cá nhân tôi không cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm mạnh thêm nữa trong ngắn hạn. Vùng điểm hiện tại 970-975 điểm đang là ngưỡng hỗ trợ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tìm lại được sự cân bằng và hồi phục tăng điểm trở lại.
Kể cả trong kịch bản tiêu cực, tôi không nghĩ thị trường sẽ xuyên thủng được vùng hỗ trợ 948-955 điểm.
Tuy nhiên, nỗ lực của thị trường để quay lại thử thách và vượt qua vùng kháng cự 1000 điểm một lần nữa đang trở nên khá khó khăn trong ngắn hạn.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Tín hiệu kỹ thuật ngắn và trung hạn của tất cả các chỉ số đều Tiêu cực. Ngưỡng kháng cự hiện tại của VN-Index nằm tại 980-983 điểm. Phiên cuối tuần, với lực cầu bắt đáy vào thị trường khi chỉ số xuyên thủng MA200 đã giúp cho chỉ số đóng cửa cao hơn mức thấp trong ngày.
Dự báo trong phiên giao dịch chỉ số kiểm định lại các ngưỡng kháng cự quan trọng tại 980-983 điểm. Nếu như vượt lên trên mốc này với khối lượng tốt, thị trường có thể xuất hiện tín hiệu tạo đáy ngắn hạn. Ngược lại, nếu lực cầu tiếp tục yếu thế, tín hiệu giảm trung hạn của thị trường sẽ được xác nhận.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities
Tôi vẫn giữ nguyên nhận định quan điểm kỹ thuật chỉ số VN-Index vẫn trong xu thế tích lũy tăng dài hạn một cách chắc chắn trong thời gian tới, việc sụt giảm mạnh gây hoảng loạn cho nhà đầu tư chỉ mang tính ngắn hạn.
Nhiều khả năng trong tuần tới VN-Index có thể phục hồi trở lại quanh vùng 995-1005 điểm trước khi một diễn biến rõ ràng hơn xảy ra. Kịch bản chỉ số VN-Index tiếp tục tích lũy trong biên độ 980 – 1005 vẫn được ưu tiên trong mẫu hình dự đoán của chúng tôi.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Thông tin hỗ trợ tích cực nhất tuần qua là giảm lãi suất, nhưng thị trường không có phản ứng nào tích cực rõ nét, thậm chí còn tiêu cực. Tại sao vậy?
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities
Động thái giảm lãi suất của Ngân hàng nhà nước trong tuần vừa qua là một thông tin hỗ trợ tích cực. Tuy nhiên, hiệu ứng mà nó đem lại sẽ mang tính chất dài hạn, trong khi ngắn hạn thị trường chứng khoán sẽ luôn luôn có xu hướng vận động và chịu ảnh hưởng bởi quy luật cung cầu cũng như tâm lý của các bên tham gia.
Diễn biến của phiên giao dịch chốt hợp đồng tương lai tháng 11 là một ví dụ điển hình. Áp lực giao dịch gắn liền với hoạt động chốt giao dịch phái sinh của khối tự doanh các công ty chứng khoán vào phút cuối đã khiến cho dòng tiền tham gia không chủ động đón bắt, dẫn tới phiên giảm điểm mạnh như vậy.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Theo tôi có lẽ những thông tin lẫn lộn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm lu mờ đi những tín hiệu tích cực từ thị trường trong nước, chẳng hạn như tin giảm lãi suất. Ngoài ra, một vài tin đồn liên quan đến tình hình Biển Đông chưa được xác thực cũng ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Thị trường có thông tin hỗ trợ tích cực là giảm lãi suất, nhưng vẫn giảm tiêu cực. Có rất nhiều yếu tố về kỹ thuật, tâm lý...trong đó có thể nhà đầu tư nhận định khi Mỹ thông qua dự luật ủng hộ Hồng Kông – yếu tố có thể khiến các cuộc thảo luận, ký kết Mỹ - Trung về chiến tranh thương mại giai đoạn 1 nguy cơ đổ bể.
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Động thái giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của Ngân hàng nhà nước là nhằm thực hiện định hướng giảm 0,5% lãi suất cho vay mà Thủ tướng đã nêu ra tại Quốc hội. Các Ngân hàng thương mại gốc quốc doanh sẽ là những ngân hàng chịu ảnh hưởng từ định hướng trên rõ nét nhất.
Sau Vietcombank, rất có thể Vietinbank và BIDV cũng sẽ sớm công bố các gói giảm lãi suất cho tất cả các lĩnh vực cho vay, chứ không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực ưu tiên như trước. Với các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô vừa và nhỏ, việc giảm lãi suất cho vay có thể sẽ chỉ dừng ở các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng.
Bên cạnh đó, việc giảm trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn dựa trên tiền đề là thanh khoản hệ thống ngân hàng đang ở trạng thái rất dồi dào (mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục duy trì ở mặt bằng thấp 1,8-2,2%/năm trong 4 tuần gần đây). Diễn biến này là do hoạt động mua ròng ngoại tệ lớn của Ngân hàng nhà nước và tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có xu hướng chậm lại trong 9 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thanh khoản hệ thống là nguồn vốn mang tính ngắn hạn nên cơ chế lan truyền đến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ hạn chế và mang tính chọn lọc, chỉ diễn ra đối với những ngân hàng dư thừa về vốn thật sự.
Nhìn chung toàn hệ thống, lộ trình thực hiện thông tư 41 đang đến gần (đầu năm 2020) sẽ khiến các ngân hàng chưa đáp ứng được hệ số CAR (hơn 20 ngân hàng) khó có khả năng cắt giảm mạnh lãi suất huy động, đặc biệt tại các kỳ hạn trung và dài hạn.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Ngày 19/11, Ngân hàng Nhà nước công bố trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn được giảm thêm 0,5%, từ mức 5,5% trước đây xuống 5%. Bên cạnh đó, trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng được giảm từ mức 6,5% xuống 6%. Ngay lập tức, nhiều ngân hàng đã chính thức giảm lãi suất huy động và cho vay đối với các doanh nghiệp.
Như vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, Ngân hàng nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đây được đánh giá là động thái tích cực lên nền kinh tế, tuy nhiên sẽ có độ trễ, do đó sẽ không có phản ánh ngay và luôn trên thị trường chứng khoán.
Nguyễn Hoàng, VnEconomy
Lực bán tăng vọt trong ngày 21/11 và sang ngày 22/11 vẫn tiếp tục rất mạnh. Đó có phải là hoạt động cắt lỗ đột biến hay không? Anh chị có thoát khỏi thị trường hay vẫn nắm giữ như cũ?
Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt
Tôi đã giảm tỷ trọng danh mục của mình về mức trung bình 30% cổ phiếu để đảm bảo sự an toàn cho danh mục và chủ động hơn trong việc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trở lại khi thị trường giảm về các vùng hỗ trợ mạnh trong tuần tới.
Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities
Lực bán tăng vọt trong 2 ngày qua bắt nguồn một phần từ việc chốt lời đối với các cổ phiếu trụ đã tăng khá nhiều trong thời gian dài quan như MWG, VCB, FPT… đồng thời là hoạt động giao dịch gắn với chốt phái sinh của khối tự doanh. Tiếp theo đó là tâm lý hoảng loạn bán ra của các nhà đầu tư khi thấy điểm số chung giảm mạnh.
Tôi cho rằng những phiên giảm điểm mạnh như thế này là cơ hội tốt để bắt đầu tiến hàng thu gom cổ phiếu những doanh nghiệp lớn, chưa tăng giá và có kì vọng tăng trưởng cho mục tiêu nắm giữ trung hạn 3 – 6 tháng.
Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS
Việc VN-Index trong tuần qua giảm nhanh và mạnh, lùi khá sâu sau các ngưỡng hỗ trợ quan trọng như MA20, MA50 và đóng cửa dưới cả MA200. Chỉ số đang vận động trong vùng giá khá rủi ro.
Để bảo toàn danh mục chúng tôi chủ động giảm tỷ trọng trong các nhịp hồi của cổ phiếu và khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài thị trường, chờ đợi cân bằng cung cầu được thiết lập cùng với việc tâm lý nhà đầu tư ổn định trước khi tham gia thị trường trờ lại.
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS
Như chia sẽ trong tuần trước, tôi vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sideway và tích lũy, nhưng về hành động tôi đã "chốt lời để kiểm soát rủi ro".
Thực sự tôi kỳ vọng vào một sự điều chỉnh để mua lại, nhưng với các diễn biến tuần qua, tôi cho rằng đây chưa phải là thời điểm tốt để tăng tỷ trọng trở lại. Tôi cần quan sát xem những tích hiệu tiếp theo là gì để đưa ra quyết định và thời gian chờ đợi có thể sẽ kéo dài khoảng 2 đến 3 tuần.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Mấy phiên giảm mạnh vừa qua có thể do nhà đầu tư bán cổ phiếu danh mục mình đang nắm giữ để đảm bảo an toàn vốn trong dài hạn. Phiên 22/11 đã xuất hiện lực cầu mua những cổ phiếu khi giá giảm sâu. Trong danh mục cổ phiếu của mình, nếu cổ phiếu có yếu tố đầu cơ khi vi phạm nguyên tắc cắt lỗ tôi sẽ cắt ngay và đối với cổ phiếu tốt trong dài hạn, tôi sẽ mua vào những lúc thị trường điều chỉnh mạnh như mấy phiên vừa qua.