Xu thế dòng tiền: Đừng vẽ thêm “thuyết âm mưu”
Theo các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn, thị trường điều chỉnh trong khu vực 580 điểm là bình thường và có thể dự đoán trước
Việc thị trường không vượt nổi mức 580 điểm tuần này đúng vào thời điểm Thông tư 36 được khẳng định không hoãn, không sửa đã làm nảy sinh nhiều giả thuyết lý giải thị trường.
Tuy vậy, theo các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn, thị trường điều chỉnh trong khu vực 580 điểm là bình thường và có thể dự đoán trước. Nguyên nhân chính vẫn là sự chốt lời bình thường ở các mã tăng mạnh, trong đó có cổ phiếu ngân hàng, dầu khí.
Khi nhìn nhận một khả năng điều chỉnh kỹ thuật hoàn toàn bình thường, thị trường sẽ lùi lại và có sự phân hóa giữa các cổ phiếu và chiến thuật chung là giảm tỷ trọng cổ phiếu để chờ mua các mức giá thấp hơn. Giao dịch trading đã được thực hiện và tỷ lệ cổ phiếu cao nhất được chấp nhận là 50%.
Thị trường quả thực đã “khựng” lại khi chạm vào vùng 580 điểm như quan ngại của các anh chị. Nhóm cổ phiếu ngân hàng dắt dắt thị trường tuần trước bị chốt lời mạnh và việc không hoãn Thông tư 36 xuất hiện có phải là lý do hợp lý cho việc điều chỉnh này?
Đúng vậy, tôi cho rằng nguyên nhân khiến thị trường “khựng” lại khi chạm vào vùng 580 điểm xuất phát từ việc nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường tuần trước là ngân hàng, dầu khí đã quay đầu điều chỉnh sau một nhịp tăng nóng và tiếp cận các vùng kháng cự mạnh.
Diễn biến thị trường tuần qua đã phần nào cho thấy điều này khi đã có một vài nhóm cổ phiếu có dấu hiệu nổi lên nhưng đều không đủ mạnh và đủ sự lan tỏa cần thiết để trở thành nhóm dẫn dắt thay thế giúp thị trường tiếp tục quá trình tăng điểm.
Trong bối cảnh đó, việc không hoãn Thông tư 36 xuất hiện cũng đã có những tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư khiến cho sự thận trọng ngày càng tăng cao, qua đó gián tiếp góp phần ảnh hưởng đến thị trường trong tuần qua.
Về mặt kỹ thuật, vùng 580 điểm được coi là vùng kháng cự tâm lý mạnh (tương ứng với đường trung bình động dài ngày SMA200). Vì vậy, khi đường giá tiếp cận vùng cản này tại thời điểm các chỉ báo momentum đang ở trạng thái quá bán cũng được xem là nguyên nhân khiến đà tăng của thị trường bị chững lại.
Theo quan sát của tôi, việc không hoãn Thông tư 36 có tác động tới tâm lý ngắn hạn theo rất nhiều chiều, có người thì cho rằng xấu, nhưng cũng không ít người lập luận rằng khi thông tin trên được đưa ra, nhóm cổ phiếu đầu cơ lại manh nha có những phiên bứt phá thì chứng tỏ ảnh hưởng của thông tin về Thông tư 36 tới thị trường là không còn mạnh nữa…
Còn về thực tế, quan điểm tôi vẫn cho rằng Thông tư 36 ảnh hưởng nhiều tới dòng tiền trên thị trường (hiện tại và sắp tới).
Tuần qua chỉ số VN-Index vượt nhanh ngưỡng kháng cự “mềm” 560 điểm và chạm ngưỡng kháng cự mạnh 580 điểm và đã xuất hiện các phiên rung lắc điều chỉnh kỹ thuật.
Theo tôi không chỉ vì nhóm cổ phiếu ngân hàng bị chốt lời mạnh mà nhiều cổ phiếu cũng bị rơi vào tình trạng chốt lời. Thanh khoản không tăng quá mạnh khi chỉ số VN-Index chạm ngưỡng điều chỉnh này cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng tham gia mạnh vào thị trường và nhà đầu tư vẫn ưa thích phong cách trading T+ hơn.
Tôi nghĩ Thông tư 36 không phải là lý do hợp lý để thị trường điều chỉnh. Ngày 14/1 khi thông tin này xuất hiện, áp lực bán chớm gia tăng nhưng không khiến Vn-Index rơi vào trạng thái bi quan. Thị trường phục hồi ngay sau đó và chỉ số đóng cửa cách xa mức giá thấp nhất phiên. Tín hiệu này cho thấy giới đầu tư không còn phản ứng bi quan với câu chuyện hoãn Thông tư 36.
Theo tôi thị trường điều chỉnh theo cách hoàn toàn bình thường, giống như những lần trước đây khi chỉ số chạm tới cản.
Tuần này chứng kiến sự thoái trào của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm cổ phiếu chứng khoán manh nha tăng được 1-2 phiến cuối tuần nhưng vẫn chưa thể coi là có vai trò dẫn dắt. Theo anh chị liệu nhóm cổ phiếu nào có thể nổi bật trong xu thế tăng này?
Như chu kỳ tăng điểm trước, khi nhóm dẫn dắt là các cổ phiếu “đầu P” dừng lại, cả thị trường đều bước vào giai đoạn xấu dần đi. Thường thì, một nhịp tăng sẽ chỉ có 1 nhóm cổ phiếu giữ vai trò dẫn dắt, khi nhóm này chững lại và có dấu hiệu tạo đỉnh thì có thể hiểu dòng tiền dẫn dắt đang đi ra khỏi thị trường.
Với logic như vậy, tôi nghĩ là nếu thị trường có tiếp tục nhịp tăng hiện tại, nhóm ngân hàng sẽ vẫn là nhóm nổi bật nhất.
Tôi chưa nhìn thấy nhóm cổ phiếu nào thực sự nổi bật dẫn dắt thị trường trong gian đoạn hiện tại ngoại trừ nhóm “Bank” (ngân hàng) đóng vai trò dẫn sóng hồi vừa qua.
Ngoài ra một số cổ phiếu điển hình nhóm điện, xi măng, chứng khoán, bảo hiểm đặc biệt có những giao dịch sôi động như HT1, NT2, BCC, BSI…
Có lẽ thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh sâu hơn trước khi có thể xác định rõ ràng hơn nhóm cổ phiếu dẫn dắt và khả năng sẽ là nhóm bất động sản sẽ là nhóm thu hút mạnh dòng tiền thời gian tới.
Nhìn chỉ số ngành, tôi nhận thấy các nhóm như dầu khí, dịch vụ tiêu dùng, hàng tiêu dùng đã trải qua chu kỳ tăng giá mạnh và hiện tăng giá chậm, nhóm dầu khí thậm chí đã thoái trào. Với động lực đó thì các nhóm ngành này không còn khả năng dẫn dắt.
Trong khi đó, cổ phiếu tài chỉnh mới ở giai đoạn đầu của phục hồi, phía trước còn chu kỳ tăng trưởng. Cổ phiếu tài chỉnh bao gồm ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, dịch vụ tài chính và đầu tư chứng khoán đang là nhóm tăng giá tốt nhất và có giá trị giao dịch dẫn đầu thị trường.
Nhóm này cũng chiếm số đông trên thị trường nên sức đẩy sẽ rất lớn, đủ sức dẫn dắt thị trường.
Như đã đề cập tuần trước, tôi vẫn sẽ hướng sự chú ý đến nhóm cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh quý 4 khả quan và có thể tạo đột biến như bất động sản, vật liệu xây dựng, xuất khẩu...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và các cổ phiếu bluechip cơ bản tốt cũng được kỳ vọng sẽ thu hút được dòng tiền trở lại sau khi bước vào nhịp điều chỉnh ngắn.
Hiện những giả thuyết mang tính “âm mưu” như các tổ chức đang tạo sóng để thu nốt nguồn vốn vay nhằm đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36. Anh chị nhận xét gì về giả thuyết này?
Tôi nghĩ giả thuyết này không lô-gic. Hiện tại tỷ lệ vốn ngân hàng cho vay trong lĩnh vực chứng khoán ước tính chưa chạm tới giới hạn của Thông tư 36. Giả sử một số ngân hàng cho vay vượt giới hạn thì cũng dể dàng rút vốn vì tỷ lệ sử dụng “margin” ở các công ty chứng khoán đang tương đối thấp.
Giả sử có kịch bản đẩy giá cổ phiếu ngân hàng để thoái vốn thì với mức tăng và thanh khoản khiêm tốn vừa qua tôi cho rằng các tổ chức chưa thể bán được hàng.
Tôi nghĩ nhà đầu tư đang cố gắng lý giải cho sự đi lên của giá chứng khoán và câu trả lời thường là “âm mưu đẩy giá của tổ chức và nhà tạo lập”.
Cá nhân tôi ít quan tâm đến các giả thuyết này bởi tôi đánh giá diễn biến vĩ mô khách quan trên cơ sơ phân tích dòng tiền tham gia vào thị trường để xác định xem khi nào mua cổ phiếu và thời gian nắm giữ thế nào.
Tâm lý nhà đầu tư luôn phản ánh qua diễn biến chỉ số VN-Index nói chung và diễn biến giá của các cổ phiếu nói riêng. Nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu còn dè chừng, còn lo lắng về vĩ mô, triển vọng nền kinh tế thì họ sẽ chỉ giải ngân nhẹ nhàng và thận trọng.
Điều này đã phản ánh việc sóng hồi vừa qua mặc dù VN-Index vượt nhanh qua các mốc kháng cự nhưng thanh khoản chưa tăng đột biến. Thị trường sẽ sớm đi vào điều chỉnh và sẽ có sự phân hóa mạnh giữa có nhóm cổ phiếu tốt – xấu.
Luôn có rất nhiều giả thuyết được đưa ra ở từng giai đoạn thị trường, nhưng tôi không hay để ý tới các giả thuyết thiếu cơ sở như vậy.
Trên góc độ quan sát thị trường rất khó có thể nhận định giả thuyết này là đúng hay sai. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng giả thuyết này là không có cơ sở.
Nhịp tăng điểm của thị trường vừa qua chủ yếu được dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng với những kỳ vọng về kế hoạch thoái vốn tại các ngân hàng và tổ chức tài chính để giảm tỷ lệ sở hữu chéo theo Thông tư 36, cũng như những kỳ vọng vào việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong năm tới.
Diễn biến thị trường phù hợp với kế hoạch của anh chị trong tuần trước. Anh chị có mua vào trong nhịp điều chỉnh? Mức độ giải ngân hiện tại là bao nhiêu?
Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng phần danh mục trung hạn ở mức 30% trong tuần qua, đồng thời thực hiện giải ngân thêm 20% cổ phiếu cho phần danh mục ngắn hạn trong những phiên điều chỉnh của thị trường để đưa tỷ trọng tổng danh mục về lại mức cân bằng 50% cổ phiếu.
Tuần tới, tôi dự kiến sẽ tiếp tục áp dụng chiến lược trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn này.
Cơ hội của tôi chưa xuất hiện, tôi tiếp tục đứng ngoài thị trường. Có một chút quan sát với vận động của OGC, nhưng tôi lại đang khá quan ngại thị trường chung, và nhóm cổ phiếu đầu cơ ở thời điểm hiện tại.
Qua quan sát tôi cho rằng thị trường sẽ vẫn có thể vượt qua mốc kháng cự quan trọng 580 điểm để tiến sát đến vùng 595 điểm và điều chỉnh mạnh sẽ diễn ra ở cứ điểm này.
Do vậy cho dù đánh giá tuần tới sẽ có thể có phiên giảm và rồi tăng giật mạnh chạm đến ngưỡng kháng cự nói trên nhưng áp lực chốt lời và tâm lý sợ điều chỉnh sẽ tăng mạnh. Tôi cho rằng đó là cơ hội chốt lời hơn là việc mua vào do tôi chưa thực sự đánh giá cao sự hồi phục của thị trường trong giai đoạn hiện tại.
Tôi tiếp tục thực hiện việc giảm tỷ lệ cổ phiếu trong tuần qua và tuần tới ở những cổ phiếu có lãi tốt và chỉ giữ trong danh mục vài cổ phiếu tốt nhất với tầm nhìn vài tháng. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt hiện tại của tôi là 40%/60%.
Trạng thái hiện tại của thị trường là cổ phiếu vốn hóa lớn bắt đầu điều chỉnh, vốn hóa trung bình tăng giá chậm dần, còn vốn hóa nhỏ tăng mạnh.
Lựa chọn tốt nhất theo tôi là quay trở lại chào mua vốn hóa lớn ở mức giá thấp, tập trung vào nhóm tài chính. Tôi dự định sẽ tăng tỷ lệ cổ phiếu trở lại từ 80-90% vốn chủ sở hữu khi nhịp điều chỉnh này kết thúc.