21:03 08/12/2019

Xu thế dòng tiền: Sẽ có sóng hồi?

Nguyễn Hoàng

Phiên tăng mạnh bất ngờ ngày 4/12 đã thể hiện phản ứng khá tốt tại mốc 950 điểm của VN-Index. Dù dự đoán đúng ngưỡng dừng giảm nhưng các chuyên gia vẫn không chắc chắn về khả năng thay đổi xu hướng

Phiên tăng mạnh bất ngờ ngày 4/12 đã thể hiện phản ứng khá tốt tại mốc 950 điểm của VN-Index. Dù dự đoán đúng ngưỡng dừng giảm nhưng các chuyên gia vẫn không chắc chắn về khả năng thay đổi xu hướng.

Quan điểm chung đều thống nhất nhận định thị trường có cơ hội phục hồi sau khi tiến vào vùng hỗ trợ mạnh 940-950 điểm. Tuy vậy tính chất của nhịp phục hồi lại không rõ ràng. Các quan điểm thận trọng cho rằng nếu nhịp tăng diễn ra thì cũng chỉ là tăng trong xu hướng giảm, nghĩa là xu hướng hiện tại chưa kết thúc. Điểm tích cực là các diễn biến dừng giảm tuần qua giúp giảm tốc xu hướng hiện tại, thanh khoản vẫn kém nên chưa thể chắc chắn về khả năng thay đổi xu hướng.

Các quan điểm tích cực hơn hoặc ngắn hạn hơn cho rằng thị trường đã có chuyển biến tốt hơn, mở ra cơ hội bước vào nhịp phục hồi trong nửa sau tháng 12.

Với đánh giá khác nhau, các chuyên gia cũng rất thận trọng trong việc gia tăng cổ phiếu. Đa số chuyên gia giữ vị thế như cũ hoặc chỉ mua thăm dò nhỏ, tỷ trọng cao nhất 40%.

Xu thế dòng tiền: Sẽ có sóng hồi? - Ảnh 1Tới giờ không ai có thể dự đoán được kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngay cả thỏa thuận giai đoạn 1 chúng ta cũng chưa biết có thể đạt được hay không vì có quá nhiều thông tin trái chiều. Theo tôi, đây vẫn là biến số mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư trong tháng 12.
ÔNG LÊ HOÀNG TÂN

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Nhận định của anh chị tiếp tục hợp lý khi tuần này VN-Index đã xuyên thủng 970 điểm và chạm tới 950 điểm. Phiên tăng mạnh ngày 4/12 đã tạo sự thay đổi khá bất ngờ nhưng hai phiên cuối tuần lại không có sự "bốc lửa". Anh chị đánh giá thế nào về phiên tăng bất ngờ đó, chỉ là một phiên đột biến, hay dấu hiệu của sự thay đổi xu hướng?

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Theo tôi phiên hồi phục mạnh của VN-Index từ vùng hỗ trợ 946-951 điểm trong tuần trước là một sự chuyển biến tích cực về mặt xu hướng. Nó không chỉ giúp cho đà giảm của chỉ số tạm thời bị chặn lại mà còn mở ra cơ hội giúp chỉ số sớm bước vào nhịp hồi phục tăng điểm trở lại trong giai đoạn nửa cuối tháng 12.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng phiên tăng mạnh ngày 4/12 là phiên hồi kỹ thuật tốt. Khi Vn-Index giảm sâu, giá cổ phiếu giảm nhiều và nhiều đầu tư mua ở vùng giá thấp kéo theo việc tăng mạnh của chỉ số. Khi cổ phiếu tiếp tục phân hóa, chỉ số có thể được giữ vững ở vùng quanh 958 điểm tương ứng với mức fibonacci 0%.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng thị trường sẽ có sóng phục hồi sau khi chạm vùng hỗ trợ mạnh 940 – 950 điểm.

Trước mắt đây chỉ là sóng phục hồi thứ cấp trong một sóng điều chỉnh giảm chứ chưa phải là sự kết thúc của một xu hướng. Chỉ số VN-Index đang ở biên dưới của vùng cân bằng trong năm 2019: từ 960 – 980 điểm. Vì vậy, khả năng chỉ số sẽ có sóng phục hồi và giằng co trong vùng cân bằng này.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities  

Đứng về mặt kỹ thuật, động thái tăng điểm bất ngờ trong phiên giao dịch 14/12 có thể coi là một nỗ lực kéo thị trường và đặc biệt là nhóm VN30 ra khỏi tình trạng quá bán kéo dài qua nhiều phiên giao dịch trước đó.

Đây đúng là một phiên giao dịch gây bất ngờ khi các cổ phiếu ngân hàng được kéo điểm giúp chỉ số VN-Index bật tăng mạnh sau khi đã tạo đáy trong vùng điểm đã được chúng tôi dự kiến trước. Tuy vậy, đây không phải là một phiên giao dịch đột biến khi không có sự cải thiện nào về khối lượng giao dịch được ghi nhận.

Dù sao thì đây cũng tạm thời có thể coi là một tín hiệu khả quan khi giúp phần nào bình ổn tâm lý thị trường. Để có thể kết luận đây có phải là tín hiệu của sự thay đổi xu hướng giảm hay không thì theo đánh giá của chúng tôi là hơi quá sớm trong bối cảnh các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang cho thấy xu hướng điều chỉnh chưa hề có dấu hiệu dừng lại mà mới chỉ suy yếu đi thôi.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN Index ghi nhận tuần giảm điểm thứ tư liên tiếp dù chỉ số ghi nhận một nhịp hồi phục ngắn hạn trong nửa sau của tuần và bật lên từ vùng hỗ trợ 950 điểm. Cụ thể, chỉ số đánh mất mốc 970 điểm ngay từ phiên thứ hai đầu tuần.  Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy tăng vọt trong phiên thứ tư (04/12) sau đó và kéo dài cho đến cuối tuần đã khiến chỉ số đảo chiều hồi phục khá mạnh và bất ngờ, cho dù tính chung cả tuần VN-Index vẫn ghi nhận mức giảm nhẹ.

Đáng chú ý trong tuần này là thông tin công ty VinCommerce - công ty con thuộc tập đoàn Vingroup (VIC) – sáp nhập vào tập đoàn Masan. Theo đó, các cổ phiếu liên quan đến tập đoàn Masan đều xuất hiện giao dịch đột biến, trong đó MCH tăng giá khá tích cực còn MSN lại rơi sâu và thậm chí còn ghi nhận một phiên giảm sàn ngày 03/12. Các cổ phiếu còn lại trong nhóm vốn hóa lớn nhìn chung không xuất hiện biến động quá mạnh. Thanh khoản tuần này tăng so với tuần trước cả về khối lượng và giá trị nhờ giao dịch mua cổ phiếu của VHM và VRE cùng giao dịch thỏa thuận ở một số cổ phiếu như VNM, VIC...

Sau những phiên giảm điểm mạnh từ đầu tháng 11, VN-Index có những phiên hồi bật tăng kỹ thuật tuy nhiên tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn vẫn duy trì ở mức Tiêu cực đối với VN-Index và VN30 với ngưỡng kháng cự lần lượt tại 980 điểm, 896 điểm tương đương MA200. Thị trường vẫn ở trong diễn biến tìm đáy ngắn hạn.

Xu thế dòng tiền: Sẽ có sóng hồi? - Ảnh 2Phiên hồi phục mạnh của VN-Index từ vùng hỗ trợ 946-951 điểm trong tuần trước là một sự chuyển biến tích cực về mặt xu hướng. Nó không chỉ giúp cho đà giảm của chỉ số tạm thời bị chặn lại mà còn mở ra cơ hội giúp chỉ số sớm bước vào nhịp hồi phục tăng điểm trở lại trong giai đoạn nửa cuối tháng 12.
ÔNG TRẦN XUÂN BÁCH

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Vài tuần trước anh chị bàn đến dòng vốn nước ngoài và kỳ vọng một diễn tiến tích cực giải ngân hơn vào dịp tháng 12. Tuy nhiên hết tuần đầu tiên của tháng, dòng vốn ngoại vẫn chưa có chuyển biến gì nhiều và vẫn đang bán ròng lớn. Theo anh chị đó có phải là dấu hiệu bất thường?

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Dòng vốn ngoại từ đầu năm đến hiện tại vẫn bán ròng và mua ròng đều, dù mức bán ròng nhiều thời điểm lớn.

Theo tôi các quỹ đầu tư đang cân đối lại danh mục trong ngắn hạn, bán những cổ phiếu không đạt tiêu chuẩn quỹ và mua những cổ phiếu thỏa mãn điều kiện thanh khoản, vốn hóa … tăng trưởng trong dài hạn. Điều đó là bình thường khi đó chỉ là cơ cấu danh mục, sẽ tiêu cực hơn khi dòng vốn ngoại rút vốn.

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities  

Theo nhân định của tôi thì việc dòng vốn ngoại vẫn chưa cho thấy thay đổi thực sự tích cực là điều khá bình thường trong bối cảnh các rủi ro vĩ mô mà điển hình như xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện vẫn còn là một ẩn số khó đoán.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi không xem đó là dấu hiệu bất thường, diễn biến của dòng tiền ngoại nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bởi hoạt động tái cơ cấu danh mục quý IV của các quỹ ETFs dự kiến sẽ diễn ra trong tuần giữa tháng 12.

Sau khi hoạt động này qua đi, tôi kỳ vọng dòng tiền ngoại sẽ trở lại mua ròng trên thị trường vào giai đoạn cuối tháng 12 và đầu năm 2020.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Trong tuần qua nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 528 tỷ đồng trên sàn HOSE trong đó riêng cổ phiếu MSN đã bị bán ròng 417 tỷ đồng chiếm gần 80% sau khi có thông tin Masan Group sáp nhập WinEco và Vincommerce từ tập đoàn Vingroup. Đây có thể là thông tin bất ngờ đối với các nhà đầu tư ngoại nên họ mới có động thái bán ròng mạnh mẽ và quyết đoán như vậy.

Trên sàn HNX, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ bán ròng hơn 17 tỷ và tập trung chủ yếu vào cổ phiếu PVS. Lũy kế cả 2 sàn, nếu loại trừ cổ phiếu MSN thì giá trị bán ròng tương đương giá trị mua ròng của tuần cuối tháng 11. Chính vì vậy, tôi cho rằng xu hướng giao dịch của khối ngoại vẫn khá cân bằng.

Xu thế dòng tiền: Sẽ có sóng hồi? - Ảnh 3Theo nhận định của tôi thì việc dòng vốn ngoại vẫn chưa cho thấy thay đổi thực sự tích cực là điều khá bình thường trong bối cảnh các rủi ro vĩ mô mà điển hình như xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện vẫn còn là một ẩn số khó đoán.
ÔNG ĐÀO TUẤN TRUNG

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tuần đầu của tháng 12 khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị 517 tỷ đồng, tập trung vào bán mạnh MSN với giá trị bán ròng trên 417 tỷ đồng sau khi có thông tin công ty VinCommerce - công ty con thuộc tập đoàn Vingroup (VIC) – sáp nhập vào tập đoàn Masan.

Có thể nói rằng giá cổ phiếu MSN giảm đến từ việc các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận thông tin hợp tác giữa Vingroup và Masan không mấy tích cực vì lo ngại kết quả kinh doanh Masan sẽ bị ảnh hưởng khi nhận sáp nhập VinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinmart, Vinmart+.

Do đó chúng ta cần theo dõi thêm động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian tới.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Cũng liên quan đến dòng vốn nước ngoài, thị trường tài chính toàn cầu đang tiến sát đến thời điểm nhạy cảm 15/12, khi mà thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc có đạt được hay không. Chúng ta cũng đã bàn đến tác động tới thị trường trong nước, nhưng liệu yếu tố này đặt trong bối cảnh dòng vốn ngoại đang bán ròng liên tục trong quý 3 có tạo nên rủi ro lớn hơn cho thị trường Việt Nam?

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities  

Chúng tôi đánh giá rằng việc Mỹ - Trung có đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hay không cũng không có quá nhiều ảnh hưởng hay tác động tiêu cực nào đáng kể tới thị trường Việt Nam trong bối cảnh yếu tố nội tại vĩ mô của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang khá ổn định.

Tuy vậy, những tác động tiêu cực trong ngắn hạn trong trường hơp hai bên không đạt được thỏa thuận nào và tổng thống Trump tiếp tục áp vòng thuế mới lên Trung Quốc là không thể xem thường. Nếu kịch bản này xảy ra, tôi nghĩ chúng ta có thể kỳ vọng vào một hoặc hai phiên thị trường sẽ có rung lắc khá lớn nhưng có lẽ sẽ nhanh chóng hồi phục và ổn định.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tới giờ không ai có thể dự đoán được kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ngay cả thỏa thuận giai đoạn 1 chúng ta cũng chưa biết có thể đạt được hay không vì có quá nhiều thông tin trái chiều. Theo tôi, đây vẫn là biến số mang lại nhiều rủi ro cho nhà đầu tư trong tháng 12.

Xu thế dòng tiền: Sẽ có sóng hồi? - Ảnh 4Ngày 15/12 tới đây Mỹ áp thuế bổ sung nếu không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Khối ngoại tiếp tục tục bán ròng sẽ tạo rủi ro rất lớn cho chứng khoán Việt Nam.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi cho rằng, yếu tố này sẽ tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng thị trường nếu kết quả cuộc đàm phán không theo chiều hướng tích cực. Rủi ro đối với thị trường có thể sẽ gia tăng mạnh hơn nếu vào thời điểm đó VN-Index đang phải đối mặt với các vùng kháng cự mạnh.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Ngày 15/12 tới đây Mỹ áp thuế bổ sung nếu không đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Khối ngoại tiếp tục tục bán ròng sẽ tạo rủi ro rất lớn cho chứng khoán Việt Nam nói riêng và chứng khoán thế giới nói chung. Thị trường chứng khoán phản ánh nền kinh tế, khi nền kinh tế chưa ổn định dòng vốn được hướng tới những tài sản ít rủi ro hơn.

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường giảm liên tục cũng đã xuất hiện hoạt động mua bắt đáy khá mạnh mẽ, nhất là với các cổ phiếu giảm giá mạnh. Tuần trước anh chị khuyến cáo chỉ nên giải ngân thăm dò, đến tuần này ngưỡng 950 điểm đã rất gần đáy tháng 6/2019, có thể giải ngân mạnh mẽ hơn được chưa? Anh chị có thực hiện tăng tỷ trọng cổ phiếu lên không?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi chưa giải ngân đồng nào trong tuần qua. Mặc dù có thể có sóng phục hồi nhưng đây không phải là sóng ưa thích của tôi. Tôi chờ đợi một nhịp điều chỉnh sâu hơn hoặc ích nhất thị trường phải tích lũy đủ và sẵn sàng cho một sóng lớn.

Xu thế dòng tiền: Sẽ có sóng hồi? - Ảnh 5Tôi không khuyến khích các giao dịch bắt đáy tại thời điểm này, đặc biệt là trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh Q4/2019 chưa tới và thị trường chung cũng đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
ÔNG TRẦN HỮU PHÚC

Ông Đào Tuấn Trung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phân tích – VietinBank Securities  

Do đánh giá cá nhân tôi về diễn biến thị trường trong 12 – 18 tháng nữa không thực sự lạc quan nên tôi không tham gia giải ngân và nâng tỷ trọng danh mục lên thêm.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Theo tôi thời điểm hiện tại nhà đầu tư chỉ dừng ở mức mua thăm dò, chưa nên gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên nhiều. Có mua chỉ nên mua dần ở những nhịp giảm trong phiên.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi đã tăng nhẹ tỷ trọng danh mục lên mức 40% cổ phiếu trong tuần qua nhưng chưa có dự định sẽ tiếp tục nâng thêm tỷ trọng trong tuần tới.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN-Index đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ "mềm" 970 điểm và đang kiểm tra lại vùng hỗ trợ "cứng" hơn là 950-960 điểm. Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư vẫn nên tiếp tục chờ đợi cân bằng cung – cầu được xác lập ổn định hơn đi cùng mặt bằng giá mới, qua đó thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường.

Tôi không khuyến khích các giao dịch bắt đáy tại thời điểm này, đặc biệt là trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh Q4/2019 chưa tới và thị trường chung cũng đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ. Thay vào đó, nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tỷ trọng tiền mặt và cổ phiếu cân bằng trong danh mục, tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư và theo dõi sát sao biến động của cổ phiếu trên thị trường để có thể kịp thời chốt lời/cắt lỗ nếu cần thiết.