Xu thế dòng tiền: Thanh khoản thấp có đáng ngại?
Biến động mạnh của thị trường đã tạm lắng xuống với 3 phiên phục hồi tốt. Tuy nhiên mức thanh khoản thấp đang tạo nên nhiều lo lắng
Những biến động mạnh của thị trường tuần này đã tạm lắng xuống với 3 phiên phục hồi tốt. Tuy nhiên mức thanh khoản thấp đang tạo nên nhiều lo lắng.
Theo các chuyên gia mà VnEconomy phỏng vấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thanh khoản thấp, ngoài yếu tố tâm lý trong thời điểm cận tết, còn là dấu hiệu của những lo ngại lớn hơn về nguồn margin trên thị trường.
Tuần qua cũng là tuần đầu tiên Thông tư 36 có hiệu lực. Mặc dù có những phân tích khác nhau nhưng hầu hết các chuyên gia đều nhìn nhận một cách thực tế về rủi ro giảm nguồn vốn trên thị trường. Tác động có thể thấy là khách hàng sử dụng đòn bẩy cao khi bán ra đã không còn đủ nguồn lực để mua lại như cũ do vốn bị thu về, thanh khoản do đó giảm xuống.
Đánh giá về triển vọng ngắn hạn của thị trường, quan điểm thận trọng vẫn chi phối và bản thân việc thận trọng này cũng có thể lý giải phần nào về câu chuyện thanh khoản. Mức giải ngân trong thời điểm cận kề kỳ nghỉ dài đều thấp.
Thị trường đã chao đảo đầu tuần và phục hồi nhẹ trong hai ngày cuối tuần. Tuy vậy thanh khoản đã xuống thấp đáng kể. Giao dịch trầm lắng ở cả các cổ phiếu đầu cơ lẫn các cổ phiếu dẫn dắt như dầu khí, ngân hàng và giá điều chỉnh đã không thu hút được dòng tiền vào như kỳ vọng của một số anh chị trong tuần trước. Liệu nguyên nhân có chỉ đơn giản là tâm lý nghỉ tết đang chi phối thị trường?
Tôi cho rằng thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh trong tuần vừa qua đến từ một số nguyên nhân sau:
Đầu tiên phải kể đến sự tác động của Thông tư 36 khiến một loạt các công ty chứng khoán phải ngừng cung cấp margin cho các mã nằm ngoài danh mục được phép cấp margin của các công ty chứng khoán. Điều này đã phần nào khiến dòng tiền chảy ra khỏi các mã có thanh khoản cao trên thị trường nhưng không nằm trong danh sách cấp margin.
Nguyên nhân tiếp theo đến từ tâm lý thận trọng, hạn chế giao dịch của nhà đầu tư khi đà tăng điểm của thị trường trong những phiên hồi phục lại chủ yếu do sự chi phối của các mã vốn hóa lớn.
Thêm vào đó, việc chỉ số VN-Index lao dốc mạnh và lần lượt xuyên thủng các vùng hỗ trợ quan trọng trong hai phiên đầu tuần cũng khiến cho các nhà đầu tư trở nên dè dặt và nghi ngờ về xu hướng hồi phục của thị trường, qua đó phần nào khiến cho dòng tiền đứng ngoài hạn chế giải ngân trở lại, đặc biệt là khi thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ tết dài ngày.
Tôi cho rằng dù xuất hiện các phiên phục hồi tốt về điểm số ở các phiên cuối tuần nhưng thanh khoản tuần qua nhìn chung là thấp. Chắc chắn tâm lý nhà đầu tư ở giai đoạn trước tết là hạn chế giải ngân và chờ đợi sau kỳ nghỉ để giải ngân mạnh trở lại.
Thực tế, không chỉ lo lắng về dòng tiền tham gia vào thị trường có xu hướng bị thắt chặt tác động bởi Thông tư 36, nhà đầu tư cũng không thấy thanh khoản các cổ phiếu quan trọng, cổ phiếu blue chips và các cổ phiếu đầu cơ dẫn dắt được cải thiện. Và hệ quả, tâm lý thận trọng bao trùm các nhà đầu tư sẽ nhìn nhau, nhìn dòng tiền để hành động và chỉ ít người đi ngược đám đông để mạnh dạn mua vào cổ phiếu ở giai đoạn hiện nay.
Theo tôi hoạt động bán thường tăng mạnh 3-5 phiên trước phiên giao dịch cuối cùng của năm cũ và giao dịch mua tăng trong 3 phiên cuối cùng. Đây là thói quen của thị trường. Tuy nhiên thói quen này không lặp lại chính xác, mức độ tăng giảm cũng khác nhau qua các năm.
Tuần giáp Tết năm nay thị trường bị ảnh hưởng rất mạnh bởi Thông tư 36 có hiệu lực. Vốn dành cho chứng khoản bị thu hẹp đột ngột. Các khách hàng sử dụng đòn bẩy cao khi bán ra đều không mua lại được như cũ do vốn bị hút dần về trả cho ngân hàng.
Hệ quả của việc rút vốn là những cổ phiếu được mua bằng đòn bẩy cao trong giai đoạn trước như BID, CTG bị rũ rất mạnh. Tôi nghĩ đây là một trong nhiều nguyên nhân lý giải thị trường bị bán mạnh những phiên đầu tuần.
Thời điểm cuối năm 2014 là lúc các ngân hàng đã mạnh tay thực hiện thu hồi các khoản cho vay đầu tư cổ phiếu vượt hạn mức theo quy định của Thông tư 36 khiến các chỉ số chứng khoán đã sụt giảm rất mạnh với hiện tượng cổ phiếu giảm sàn hàng loạt trên diện rộng, biểu hiện của hoạt động thu hồi vốn mạnh và dứt khoát, nên đây là thời điểm thị trường bị tác động mạnh nhất.
Còn hiện tại, khi Thông tư 36 chính thức áp dụng là lúc thị trường bị tác động theo kiểu "hậu Thông tư 36", có nghĩa là các công ty chứng khoán sẽ bị suy giảm nguồn để làm margin, trong đó các công ty lớn có thể khắc phục được phần nào qua việc sử dụng vốn tự có, phát hành trái phiếu hoặc tăng vốn.
Tuy nhiên về cơ bản nguồn tiền cho dịch vụ margin vẫn là giảm đi đáng kể so với trước đó.
Khi thị trường bị hạn chế về dòng tiền thì rõ ràng động lực tăng giá sẽ yếu dần, và khi tâm lý nhà đầu tư bi quan thì việc thị trường suy giảm là điều tất yếu và những phiên giảm điểm gần đây có nhiều đặc điểm của các ảnh hưởng này.
Ngoài ra, các nguyên nhân khiến thị trường suy giảm cả về điểm số và thanh khoản còn là do khối ngoại hạn chế giao dịch so với mọi năm (các năm trước họ đều mua ròng mạnh, nhưng năm nay thậm chí bán ròng trong tháng 1/2015), và đây cũng là thời điểm cận Tết nguyên đán, tâm lý chung của nhà đầu tư là muốn thu tiền về để kết thúc một năm kinh doanh, rất ít nhà đầu tư lớn cố gắng đẩy mạnh hoạt động khi thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày.
Đây là yếu tố mang tính chu kỳ theo thời điểm nên cũng khiến dòng tiền thị trường càng hạn chế và giao dịch diễn ra ảm đạm.
Đây là yếu tố mang tính chu kỳ theo thời điểm nên cũng khiến dòng tiền thị trường càng hạn chế và giao dịch diễn ra ảm đạm.
Tuần 2/2 - 6/2/2015 là tuần đầu tiên Thông tư 36 có hiệu lực và thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến hai phiên đầu tuần giảm khá trước khi hồi phục tăng trở lại. Lực kéo thị trường đến chủ yếu từ dòng cổ phiếu ngân hàng nhưng đã không tạo được sự lan tỏa rộng đến các dòng cổ phiếu khác đã dẫn đến tình trạng VN-Index tăng điểm nhưng thanh khoản thấp hơn 60% so với trung bình 10 phiên giao dịch.
Điều đó cho thấy tâm lý rụt rè khi tham gia thị trường của nhà đầu tư. Thực tế tâm lý e ngại này đã diễn ra từ giữa tháng 1/2015 khi thị trường bước vào giai đoạn tích lũy với thanh khoản cạn kiệt. Tâm lý nghỉ tết cũng như sự thiếu vắng thông tin kinh tế vĩ mô là những nguyên nhân dẫn đến thị trường không có xu hướng rõ ràng.
Cho đến thời điểm này, thông tin kết quả kinh doanh đã xuất hiện tương đối đầy đủ, cung cấp một bức tranh rõ ràng hơn. Tuy nhiên đa số cổ phiếu lại không xuất hiện những phản ứng đáng kể trước thông tin hỗ trợ và rất hiếm cổ phiếu có được cái gọi là sóng kết quả kinh doanh cuối năm. Theo anh chị liệu thị trường còn kỳ vọng gì khá hơn trong ngắn hạn?
Ngắn hạn, chỉ còn 1 tuần nữa là thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, vì vậy chúng ta khó có thể kỳ vọng vào sự thay đổi lớn về mặt xu hướng trong tuần tới khi dòng tiền hạn chế và tâm lý nhà đầu tư nói chung là nghỉ ngơi chuẩn bị đón năm mới. Theo tôi trong ngắn hạn thị trường chỉ có thể kỳ vọng sự thay đổi từ các yếu tố sau:
Thứ nhất là sự trở lại của nhà đầu tư nội sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, một năm kinh doanh mới mở ra và tâm lý chung của thị trường sẽ được cải thiện so với thời điểm cuối năm âm lịch. Dòng vốn giá rẻ trong nước khá dồi dào với cơ bản lãi suất nền kinh tế ở mức thấp, các dòng vốn này vẫn trong trạng thái tìm kênh đầu tư và thị trường chứng khoán vẫn là một lựa chọn tốt trong bối cảnh kinh tế chuyển biến tích cực.
Thứ hai, là sự trở lại của khối ngoại, mặc dù giao dịch của khối này cũng rất hạn chế thời gian qua, tuy nhiên chúng tôi cũng bắt đầu nhận thấy những tín hiệu tích cực hơn trong những phiên giao dịch gần đây, việc EU đưa ra gói hỗ trợ kinh tế hơn 1.100 tỷ Euro với cách thức thực hiện giống như gói QE của Mỹ cũng mở ra kỳ vọng một phần dòng vốn từ khu vực này sẽ đến với các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam.
Thứ ba là những nỗ lực từ các công ty chứng khoán trong việc nâng cao khả năng tài chính thông qua tăng vốn, phát hành trái phiếu và huy động các nguồn vốn bền vững khác nhằm bổ xung vốn cho các dịch vụ tài chính, cải thiện dòng tiền ngắn hạn cho thị trường.
Thứ tư, là sự thay đổi nào đó trong chính sách, thời gian qua nhiều tổ chức đã có các kiến nghị cụ thể đến Ngân hàng Nhà nước trong việc hoãn hoặc có lộ trình phù hợp hơn trong việc áp dụng một số điểm của Thông tư 36 trong việc cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, theo hướng hỗ trợ thị trường phát triển, đây cũng là mong muốn của đa số nhà đầu tư. Và nếu có một sự thay đổi nào đó cũng sẽ là một yếu tố hỗ trợ tâm lý thị trường trong ngắn hạn, mặc dù vậy cá nhân tôi không đặt kỳ vọng nhiều vào yếu tố này.
Thông tin phát tán trên thị trường theo từng lớp, giống như sự lan tỏa của sóng. Đầu tiên là những tay trong, kế tiếp là những chuyên gia và cuối cùng là đám đông. Báo chí là đối tượng thể hiện quan điểm của số đông nên khi mọi người đều biết “một cách đầy đủ, một bức tranh rõ ràng” thì thông tin đó hết giá trị đầu cơ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam rất kém minh bạch nên có rất nhiều lớp sóng lan truyền thông tin, có khi giá đã điều chỉnh rất sâu rồi tin tốt mới ra. Thời điểm này thị trường nhìn về phía trước chứ không chỉ dựa vào kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2014 nữa.
Thị trường đang có kỳ vọng vào sự dẫn dắt và sự hiểu biết của khối ngoại ở cổ phiếu tài chính, trọng tâm là ngân hàng và bất động sản. Đa phần đang chưa lý giải được động thái mua mạnh ngân hàng của khối ngoại trong 1 tháng gần đây khi rất nhiều báo cáo đều đánh giá “Overvalued” (định giá quá cao) đối với nhóm này.
Thị trường đang trong giai đoạn biến động nhẹ trong khoảng 550 - 580 điểm. Thời gian tới là thời điểm họp đại hội cổ đông thường niên, qua đó các công ty thông qua kết quả kinh doanh 2014, phương hướng hoạt động 2015 cũng như công bố thời gian cụ thể chi trả cổ tưc (nếu có). Theo tôi đây là những thông tin thường sẽ tạo ra những biến động trên thị trường chứng khoán.
Sau khi những kỳ vọng về thông tin kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp quý 4 và cả năm 2014 kết thúc, tôi cho rằng thị trường sẽ bắt đầu quan tâm đến triển vọng lợi nhuận và kế hoạch kinh doanh năm 2015 của các doanh nghiệp thông qua báo cáo kết quả kinh doanh quý 1, cũng như mùa đại hội cổ đông đang đến gần.
Ngoài ra, thị trường cũng đang chờ đợi và kỳ vọng vào các quy định cho phép tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được phép sở hữu từ 50% đến dưới 100% cổ phần công ty chứng khoán trong nước, cũng như việc ký kết hiệp định TPP sẽ sớm được thông qua trong ngắn hạn.
Tôi cho rằng chính thông tin phát ra từ một số công ty chứng khoán liên quan đến hạn chế cho vay chứng khoán, cụ thể là thông báo danh mục cổ phiếu cho vay ký kỹ mới đã tác động không nhỏ đến động thái mua vào từ phía nhà đầu tư.
Mặc dù nhiều thông tin vĩ mô hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp đã có những kết quả kinh doanh tốt nhưng dòng tiền vẫn chưa tham gia mạnh vào thị trường và nhà đầu tư vẫn sẽ đợi chờ xem những biến động vĩ mô, vi mô sắp tới tác động thế nào đến thị trường để có hành động phù hợp. Nhiều cơ hội đầu tư trên thị trường vẫn hiện hữu và tâm lý đầu cơ ngắn hạn đang chi phối mạnh đến đại bộ phận các nhà đầu tư nói chung.
Điểm số thấp nhất mà VN-Index đạt được trong tuần này là ở 553 điểm, thấp hơn một chút so với dự báo bi quan nhất trong tuần trước của anh chị. Trên phương diện kỹ thuật, nhịp điều chỉnh có thể coi là đã xong hay không?
Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index đang tạm thời đánh mất xu hướng tăng điểm ngắn hạn để bước vào nhịp điều chỉnh tích lũy trong một vài tuần kế tiếp sau khi lần lượt phá vỡ các mốc điểm hỗ trợ quan trọng trong tuần qua.
Vì vậy, tôi cho rằng những phiên hồi phục sau đó của chỉ số chỉ mang tính kỹ thuật để kiểm tra lại các vùng kháng cự mạnh mà trước đó đóng vai trò là các vùng hỗ trợ mạnh đã bị xuyên thủng.
Sau đó thị trường nhiều khả năng sẽ quay lại xu hướng điều chỉnh giảm để thử thách các mốc hỗ trợ sâu hơn trong ngắn hạn.
Chỉ số VN-Index đã điều chỉnh mạnh và giảm điểm sâu hơn so với dự báo của tôi từ cuối tuần trước. Tôi cũng đã nghĩ đến 2 kịch bản diễn biến điều chỉnh của VN-Index từ đầu tuần là VN-Index chỉ điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ 560 - 565 điểm là tối đa hoặc 545 - 550 điểm.
Tuy nhiên xét về lượng cung cầu trong hiện tại và phiên hồi phục kỹ thuật của chỉ số VN-Index ở mốc hỗ trợ quan trọng 553 điểm thì tôi cho rằng VN-Index trong tuần tới sẽ không giảm về mốc 545 - 550 điểm và sẽ tăng điểm cộng với một số phiên điều chỉnh tạo điểm cân bằng ở ngưỡng kháng cự cao hơn - tức là ngưỡng 575 - 580 điểm.
Như vậy, tuần giao dịch trước tết âm theo tôi sẽ là tích cực hơn là tiêu cực.
VN-Index đã có 03 phiên hồi phục tăng mạnh mẽ sau khi giảm về 553 từ 585 điểm. Tuy nhiên sự phục hồi không đi kèm với thanh khoản tăng tạo ra sự e ngại về khả năng đây là những phiên tăng kỹ thuật.
Ngưỡng kháng cự trên của VN-Index khá dầy như 575 điểm tương đương MA20 (đường giá trung bình 20 ngày), 582 điểm tương đương MA200 và 585 điểm - đỉnh cũ hồi tháng 1/2015. Do đó, tôi cho rằng thị trường sẽ biến động trong biên độ hẹp trong thời tới 550-585 điểm cho đến khi thanh khoản có sự cải thiện.
Ba phiên phục hồi liên tiếp trong đó phiên sau giao dịch cao hơn phiên trước, theo quan điểm của giới phân tích kỹ thuật, được coi là dấu hiệu giá đã tạo đáy.
Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã có phiên hồi phục thứ 3 liên tiếp và đã tiếp cận sát vùng kháng cự 575 điểm tương ứng với giá trị đường trung bình động 20 ngày và ngay phía trên là vùng 580 điểm tương ứng ngưỡng 50% fibonacci Retracement.
Trong khi đó HNX-Index vẫn trong trạng thái hồi phục để hướng đến vùng kháng cự 85 điểm tương ứng với giá trị đường trung bình động 20 ngày và ngay phía trên là vùng 86 điểm tương ứng ngưỡng 23.6% fibonacci Retracement.
Một điểm chung là các chỉ số đang dần tiếp cận tới các vùng kháng cự mạnh liên tiếp, đây có thể là vùng cản mạnh của các chỉ số trong tuần tới. Một điểm đáng chú ý là mặc dù hồi phục khá về điểm số nhưng thanh khoản chung vẫn suy giảm về mức thấp, và đây là yếu tố chưa củng cố cho trạng thái hồi phục bền vững của thị trường, do đó về mặt kỹ thuật thì chưa có đủ cơ sở để khẳng định nhịp điều chỉnh của thị trường đã kết thúc.
Còn một tuần giao dịch nữa là thị trường nghỉ dài ngày. Mức độ quan tâm tới thị trường của anh chị như thế nào, tỷ lệ giải ngân hiện tạilà bao nhiêu?
Tuần qua, tôi đã thực hiện chiến lược trading quay vòng cho phần danh mục ngắn hạn đang nắm giữ, qua đó giữ nguyên tỷ trọng danh mục tổng ở mức cân bằng 50% (trong đó, phần danh mục trung hạn vẫn được giữ ở mức 30% cổ phiếu).
Tuần tới, tôi dự định sẽ bán giảm tỷ trọng phần danh mục ngắn hạn này trong những phiên thị trường tăng điểm.
Tuần vừa qua tôi đã tăng tỷ lệ cổ phiếu lên gần 90% vốn chủ sở hữu, tập trung vào cổ phiếu tài chính. Tôi dự định sẽ giữ cổ phiếu qua Tết âm lịch. Tuy vậy, tôi sẽ tuân thủ cắt lỗ bảo toàn vốn nếu diễn biến ngoài dự tính xảy ra.
Tôi cũng đã xác định tạm dừng giao dịch trong giai đoạn trước tết và chỉ duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt là 20%/80% và vẫn ưu tiên tiền mặt nhiều trong tài khoản.
Mặc dù sau 2 phiên điều chỉnh đầu tuần với diễn biến ở phiên thứ 4 tuần qua đã cho thấy quá trình điều chỉnh ngắn hạn kết thúc và xuất hiện một số điểm mua ở một vài cổ phiếu nhưng tôi nghĩ rằng sau kỳ nghỉ tết sẽ có những cơ hội rõ ràng hơn và có thể giải ngân mạnh hơn.
Với diễn biến hiện tại tôi đang duy trì tỷ lệ danh mục ở mức 30% cổ phiếu và 70% tiền mặt. Với quan điểm đầu tư giá trị, tôi sẽ tiếp tục quan sát để tăng tỷ trọng tại các cổ phiếu mình quan tâm khi thị trường điều chỉnh, vì khi đó tôi có thể mua được cổ phiếu tốt với giá thấp.
Như đã phân tích ở trên, thị trường đang có những ngưỡng kháng cự khá mạnh, thanh khoản thấp, do đó rủi ro khi tham gia thị trường vẫn còn hiện hữu. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt là 40/60.