21:15 15/12/2019

Xu thế dòng tiền: Thương chiến hạ nhiệt – liều "doping" chưa đủ mạnh?

Nguyễn Hoàng

Thị trường cuối tuần qua đã đón nhận thông tin hỗ trợ tích cực khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Tuy nhiên thị trường đã phản ứng không như kỳ vọng

Thị trường cuối tuần qua đã đón nhận thông tin hỗ trợ tích cực khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 hạ nhiệt căng thẳng thương mại. Tuy nhiên thị trường đã phản ứng không như kỳ vọng.

Mặc dù các tuần trước các chuyên gia đều cho rằng việc Mỹ - Trung đạt thỏa thuận thương mại có thể là liều thuốc kích thích tích cực cho thị trường, nhưng sau khi thị trường phản ứng dè dặt, sự thận trọng lại tăng lên. Lý giải hiện tượng phản ứng ngược với thế giới, các chuyên gia nhận định yếu tố hỗ trợ bên ngoài ít tác động mà chủ yếu là nội tại. Hiện tượng suy yếu của dòng vốn trong nước là điều được cho là then chốt khiến diễn biến thị trường không như kỳ vọng.

Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn nhìn nhận thị trường đang trong quá trình tích lũy và nếu thông tin hỗ trợ không đem lại phản ứng tốt thì quá trình này có khả năng phải kéo dài lâu hơn. Việc Mỹ - Trung đạt thỏa thuận vẫn có hiệu quả nhất định, làm giảm các yếu tố rủi ro bên ngoài. Trong ngắn hạn, thị trường vẫn có khả năng phải trải qua trạng thái giằng co do phía trước vẫn còn đợt tái cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF ngoại.

Các chuyên gia vẫn giữ vị thế cổ phiếu thấp và quan điểm thận trọng với thị trường hiện tại. Mặc dù vậy với rủi ro đã giảm đi sau khi thị trường xuất hiện các phiên phục hồi tốt từ mốc 950 điểm, hoạt động giải ngân thăm dò vẫn được khuyến khích.

Xu thế dòng tiền: Thương chiến hạ nhiệt – liều "doping" chưa đủ mạnh? - Ảnh 1Tôi thiên về kịch bản mặt bằng giá đang dần ổn định trở lại và xu hướng giằng co có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong một số phiên tới, ít nhất cho đến khi đợt cơ cấu của hai quỹ ETF ngoại kết thúc.
ÔNG TRẦN HỮU PHÚC

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Thị trường tuần qua cũng không phải là xấu khi chỉ số cơ bản vẫn có một tuần tăng. Tuy nhiên với thông tin tích cực từ việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 Mỹ - Trung, cả thế giới đều tăng mạnh riêng Việt Nam lại quá yếu. Trong câu chuyện chiến tranh thương mại, khi leo thang thị trường chứng khoán Việt Nam giảm, khi hoàn hoãn thị trường cũng giảm và toàn đi ngược thế giới. Có thể hiểu câu chuyện này như thế nào cho đúng?

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi thực sự không giỏi trong vấn đề này. Chiến tranh thương mại là một vấn đề phức tạp nên rất khó lường trước nó sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam. Có rất nhiều thông tin cho rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, tuy nhiên số liệu lại cho thấy chỉ một vài lĩnh vực được hưởng lợi như thu hút vốn đầu tư hoặc một vài mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế.

Riêng về thị trường chứng khoán, trước đây tôi đã cho rằng diễn biến thị trường trong nước phần lớn là do nội tại của Việt Nam chứ không hẳn là do ảnh hưởng từ bên ngoài. Điều này thể hiện qua việc thị trường Việt Nam đi ngược thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, trong một thời gian dài.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Thị trường Việt Nam vẫn có sự tương đồng và chịu ảnh hưởng nhất định từ các yếu tố ngoại biên và thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong một số giai đoạn thì thị trường trong nước vẫn có hướng đi riêng so với thị trường thế giới.

Trong giai đoạn này, tôi cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co, đi ngang trong vùng 950-970 điểm để chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về mặt xu hướng trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Nếu nhìn tổng thể thị trường trong một quá trình thì thị trường chứng khoán Việt Nam đồng pha với chứng khoán Mỹ, trong ngắn hạn nhiều lúc đồng pha và nhiều lúc không.

Trước khi thị trường điều chỉnh vào tháng 4/2018 chứng khoán Việt Nam nói riêng và thế giới nói riêng liên tục lập đỉnh. Sau đó thị trường chứng khoán Việt Nam biến động một phần theo dòng vốn nước ngoài và một phần theo dòng vốn nội tại.

Tôi cho rằng hiện tại dòng vốn nội tại và dòng vốn nước ngoài đều yếu dẫn tới chứng khoán Việt Nam quá yếu.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

VN-Index có một tuần hồi phục tăng điểm nhẹ sau 4 tuần giảm điểm liên tiếp dù chỉ số vẫn ghi nhận những phiên giảm điểm tương đối mạnh trong tuần. Thanh khoản tuần này nhìn chung không có quá nhiều thay đổi so với tuần trước cả về khối lượng và giá trị giao dịch. Đóng cửa tuần, VN-Index dừng tại mức 966.18 điểm (+0.27%) trong khi HNX Index dừng tại 102.94 điểm (+0.43%).

Đáng chú ý là tuần sau sẽ diễn ra hoạt động cơ cấu danh mục định kỳ hàng quý của hai quỹ ETF ngoại lớn tại thị trường Việt Nam là FTSE ETF và MVIS ETF. Về phía thị trường, có thể thấy VN-Index đã có những phiên hồi phục tăng điểm tương đối tích cực sau khi kiểm tra lại vùng hỗ trợ "cứng" 950 điểm.

Dù vẫn nhìn nhận rằng xu hướng sắp tới là chưa thực sự rõ ràng và tiềm ẩn nhiều biến động – chủ yếu là ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư trước những diễn biến địa chính trị quốc tế, tôi thiên về kịch bản mặt bằng giá đang dần ổn định trở lại và xu hướng giằng co có thể sẽ tiếp tục diễn ra trong một số phiên tới, ít nhất cho đến khi đợt cơ cấu của hai quỹ ETF ngoại kết thúc.

Xu thế dòng tiền: Thương chiến hạ nhiệt – liều "doping" chưa đủ mạnh? - Ảnh 2Tôi cho rằng hiện tại dòng vốn nội tại và dòng vốn nước ngoài đều yếu dẫn tới chứng khoán Việt Nam quá yếu.
ÔNG NGUYỄN VIỆT QUANG

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Trong các số trước anh chị đều ưu tiên cho một cú hích tích cực nếu căng thẳng thương mại được giải quyết. Chưa nói tới câu chuyện tăng hay giảm, nhưng thanh khoản thị trường đang ngày một yếu đi chứng tỏ nhà đầu tư rất thờ ơ với thị trường. Tại sao vậy, hay vẫn chỉ loanh quanh là ETF tái cơ cấu và đổ lỗi cho đáo hạn phái sinh? Liệu còn thông tin nào tích cực hơn việc đình chiến thương mại Mỹ - Trung vào lúc này?

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Thỏa thuận giai đoạn 1 được xác nhận ký kết sẽ tác động tích cực đến dòng vốn ngoại cũng như dòng vốn nội. Điều đó có thể là cú hích tích cực cho thị trường trong tương lai, khi dòng tiền quay trở lại nhà đầu tư có nhiều niềm tin và sự lựa chọn cổ phiếu hơn.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung chỉ tác động nhỏ tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Điểm tích cực là nó giúp giảm thiểu rủi ro do tác động từ bên ngoài. Các vấn đề còn lại là do nội tại của thị trường Việt Nam quyết định trong đó yếu tố dòng tiền là rất quan trọng. 

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Thực tế với thị trường hiện tại là không nhìn thấy sự cải thiện của dòng tiền (bao gồm dòng tiền ngoại và nội) vào thị trường. Dù vậy, trong thời gian tới, tôi kỳ vọng dòng tiền vào thị trường có thể sẽ được cải thiện hơn.

Hoạt động của khối ngoại có thể sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020 với kỳ vọng từ dòng vốn ETFs vào thị trường khi Việt Nam được nâng tỷ trọng ở thị trường cận biên. Dòng vốn nội cũng có khả năng sẽ được kích hoạt khi thị trường có tín hiệu hồi phục rõ nét hơn trong thời gian tới.

Xu thế dòng tiền: Thương chiến hạ nhiệt – liều "doping" chưa đủ mạnh? - Ảnh 3Hoạt động của khối ngoại có thể sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm 2019 và đầu năm 2020 với kỳ vọng từ dòng vốn ETFs khi Việt Nam được nâng tỷ trọng ở thị trường cận biên.
ÔNG TRẦN XUÂN BÁCH

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Về mặt kỹ thuật VN-Index tuy không bùng nổ cùng thế giới vào phiên cuối tuần nhưng cũng không xấu. Thị trường vẫn đang tích lũy gần ngưỡng 970 điểm. Theo anh chị quá trình tích lũy như vậy còn kéo dài bao lâu?

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của VN-Index và VN30 được cải thiện lên mức Trung tính sau khi vượt qua ngưỡng kháng cự MA10 lần lượt tại 964 điểm và 879 điểm. Tôi cho rằng nếu VN-Index kiểm định thành công hỗ trợ này, chỉ số  sẽ có cơ hội nối dài đà hồi phục, trước mắt sẽ lên kháng cự của đường MA20 ngày tại 975 điểm và cao hơn là đường MA200 tại 981 điểm.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Thị trường đang ở vùng cân bằng và đã tích lũy tương đối. Có thể sẽ có sóng hồi, nhưng tôi cho rằng mức tăng là không nhiều. Nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ chỉ dao động trong vùng 950 - 980 điểm từ đây tới cuối năm.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tuần tới dự báo sẽ là tuần biến động mạnh của thị trường. Vn-Index sẽ tiếp tục dao động trong vùng 950-970 điểm và một sự phá vỡ các điểm cận này của chỉ số sẽ mở ra một xu hướng biến động mạnh trong ngắn hạn.

Về mặt thời gian, cá nhân tôi kỳ vọng thị trường sẽ có diễn biến khởi sắc hơn trong giai đoạn cuối tháng 12.

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Về mặt kỹ thuật nếu thị trường được hỗ trợ bởi thông tin tích cực về thỏa thuận giai đoạn 1 chiến tranh thương mại Mỹ - Trung được xác nhận ký kết, sẽ tích lũy trong 1 tuần đến 3 tuần. Ngược lại thị trường sẽ tích lũy trong thời gian dài hơn và có thể giảm.

Xu thế dòng tiền: Thương chiến hạ nhiệt – liều "doping" chưa đủ mạnh? - Ảnh 4Tôi cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung chỉ tác động nhỏ tới thị trường chứng khoán Việt Nam. Điểm tích cực là nó giúp giảm thiểu rủi ro do tác động từ bên ngoài. Các vấn đề còn lại là do nội tại của thị trường Việt Nam quyết định trong đó yếu tố dòng tiền là rất quan trọng.
ÔNG LÊ HOÀNG TÂN

Nguyễn Hoàng, VnEconomy

Tuần trước anh chị chờ đợi một sự đột phá hoặc cân bằng cung cầu trước khi ra quyết định có tăng mua hay không. Vậy nhận định của anh chị về trạng thái tích lũy như tuần qua đã giảm rủi ro để mua hay chưa?

Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Chứng khoán Yuanta Việt Nam

Các chỉ báo kỹ thuật như MACD, ADX…cho thấy tuần vừa qua là 1 tuần tích lũy tích cực. Nhà tư vẫn có thể mua dần được ở những nhịp điều chỉnh trong phiên của những cổ phiếu tốt.

Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn - Chứng khoán MBS

Tôi vẫn quyết định giữ nguyên trạng thái, không giải ngân thêm. Tỷ trọng cổ phiếu hiện tại khoảng 30% bằng tiền. Việc quan trọng hiện nay là xây dựng danh mục và chiến lược đầu tư cho năm 2020.

Ông Trần Hữu Phúc, Trưởng phòng Môi giới Hội sở chính, Chứng khoán VCBS

Tuần đi ngang sau những phiên giảm mạnh đầu tháng 12 đã giúp cho thị trường cân bằng hơn. Chỉ số MACD đã phát đi tín hiệu Mua vào, tuy nhiên chỉ báo này vẫn nằm dưới ngưỡng 0 nên độ tin cậy sẽ không cao.

Theo tôi, đối với nhà đầu tư vẫn nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao có thể mua thăm dò những cố phiếu nằm trong VN30 và các cổ phiếu đầu ngành có kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm tốt. Tuyệt đối không nên sử dụng margin vào thời điểm hiện tại cho đến khi có sự xác nhận rõ ràng hơn về xu hướng mới trên thị trường.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận Chiến lược thị trường, Chứng khoán Bảo Việt

Tôi vẫn giữ nguyên tỷ trọng danh mục ở mức 40% cổ phiếu trong tuần qua và vẫn chưa có ý định sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng trong tuần tới.