15:38 09/04/2013

Xuất khẩu cá tra lãi quá thấp

Chu Khôi

Hiệu suất sinh lời trong chế biến mặt hàng cá tra chỉ đạt được giá trị gia tăng 0,68%

Năm 2003 có 26,8% tổng sản lượng cá tra được thương lái thu mua rồi sau 
đó bán lại cho các nhà máy chế biến, thì đến nay tỷ lệ này giảm xuống 
chỉ còn 4,9%.
Năm 2003 có 26,8% tổng sản lượng cá tra được thương lái thu mua rồi sau đó bán lại cho các nhà máy chế biến, thì đến nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 4,9%.
Hiệu suất sinh lời trong chế biến thủy sản hiện chênh lệch nhiều giữa các nhóm đối tượng: tỷ trọng giá trị gia tăng đạt được trong mặt hàng tôm là 27,4%, cá ngừ đạt lợi nhuận 37,7%. Riêng mặt hàng cá tra chỉ đạt được giá trị gia tăng 0,68%, cho thấy chế biến và xuất khẩu cá tra hầu như không có lãi.

Tại Hội thảo “Ngành thủy sản năm 2012 và triển vọng năm 2013” do Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) vừa tổ chức, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, tình trạng thiếu nguyên liệu cho chế biến ngày càng trầm trọng.

Năm 2013, nguyên liệu nhập khẩu dự kiến tăng khoảng 20% so với năm 2012, cả năm sẽ tiêu tốn 0,85-1,0 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thủy sản phục vụ cho chế biến xuất khẩu.

PS.TS. Lê Xuân Sinh, Trường Đại học Cần Thơ cho biết, tỷ lệ số hộ nuôi thủy sản ở ĐBSCL bị thua lỗ ngày càng tăng. Năm 1993 tỷ lệ số hộ bị lỗ chỉ có 94%; giai đoạn 2002-2005 có 25% số hộ nuôi bị thua lỗ, giai đoạn 2005-2009 có 30% số hộ bị lỗ, và giai đoạn 2010-2012 có tỷ lệ số hộ thua lỗ đã lên đến gần 50%.

Thương lái thu mua cá tra ngày càng thất nghiệp do người nuôi nhỏ lẻ ít đi, để nhường chỗ cho nuôi quy mô lớn ký kết hợp đồng trực tiếp tiêu thụ với các nhà máy. Năm 2003 có 26,8% tổng sản lượng cá tra được thương lái thu mua rồi sau đó bán lại cho các nhà máy chế biến, thì đến nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 4,9%.

Khảo sát cho thấy, có khoảng 30% số người nuôi cá tra và 60% số hộ nuôi tôm hiện không muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư, vì hiệu suất sinh lời đối với nuôi trồng rất thấp, lợi nhuận không đủ trả lãi vay cho ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu nuôi trồng thủy sản của ngân hàng rất cao, lên tới 20-30%.

Hệ thống chế biến thủy sản hiện đang thiếu vốn nghiêm trọng, có tới 90% số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu đang cần vay vốn để mua nguyên liệu, trữ đông và quay vòng vốn.

Ông Phùng Giang Hải, Viện Ipsard cho biết, năm 2012, phần lớn các thị trường chính giảm mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam, trong đó EU giảm 24,8%; Mỹ giảm 15,6% và ASEAN giảm 22,2% so 2011. Giá tôm xuất khẩu có xu hướng giảm, gây sức ép giảm giá. Ở Nhật Bản, giá tôm đông lạnh Việt Nam chỉ còn 11,2 USD/kg.

Tại Mỹ, giá tôm sú HLSO cỡ 16/20 của Việt Nam hiện là 6,85 USD/pao. Ngành tôm đang đối mặt với nhiều bất cập: phương thức nuôi quảng canh nhiều, dịch bệnh thường xuyên. Hội chứng tôm chết sớm (EMS) 2012 phát triển mạnh đã khiến 100.766 ha nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại.

Việt Nam là một trong 3 nước đứng đầu về số vụ hàng thủy sản đưa sang đến cửa khẩu bị trả về ở 4 thị trường tiêu thụ chủ lực, riêng thiệt hại trong vấn đề này đã lên đến 14 triệu USD/năm. Ông Giang kiến nghị, Nhà nước cần kiểm soát chặt chất lượng giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, đẩy mạnh nghiên cứu và quản lí dịch bệnh.

Ông Nguyễn Hữu Dũng nhận định, thiếu vốn và chi phí cao năm 2012 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2013. Nuôi tôm sẽ tiếp tục gặp khó khăn cho đến khi kiểm soát được hội chứng EMS.

Triển vọng năm 2013, nhu cầu ở thị trường EU sẽ phục hồi sau quý 2, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này có thể đạt mức của năm 2011 với khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2012. Dự báo xuất khẩu thủy sản vào Mỹ năm nay sẽ đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 9% so 2012. Do có mức thuế cao sau POR8, cá tra sẽ bán với giá cao hơn và đạt mức kim ngạch của 2012.

Ở Nhật Bản, chế độ kiểm tra ethoxyquin có thể được dỡ bỏ, xuất khẩu tôm được phục hồi; mặt hàng mới của cá tra được giới thiệu với thị trường Nhật. Nhu cầu thủy sản của Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và úc dự báo sẽ tăng.

Dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2013 sẽ tăng 5% so với 2012, đạt kim ngạch 6,5 tỷ USD. Trong đó: tôm dự kiến đạt 2,2 tỷ USD, xấp xỉ mức năm 2012; cá tra dự kiến đạt 1,9 tỷ USD, tăng 5,5%; hải sản đạt khoảng 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012.

Ông William Wallace Murray, Trưởng dự án thủy sản của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) cho biết, sản lượng thủy sản đánh bắt trên thế giới đã đạt đỉnh và đang suy giảm ở tốc độ đáng báo động, trong khi nuôi trồng phát triển nhanh, dự báo sẽ tăng 33% trong một thập kỷ tới.

Châu Á - Thái Bình Dương hiện chiếm 90% sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu và 79% về giá trị xuất khẩu. Nhu cầu tiêu dùng thủy sản trên thế giới đã tăng từ mức bình quân 15,6 kg/người vào năm 1996, nay đã tăng đạt 22,5 kg/người/năm.

“Nhu cầu tăng lên, Việt Nam sẽ giành lấy cơ hội này hay để vào tay đối thủ khác? Muốn chiếm lĩnh thị trường, Việt Nam cần chuẩn bị cho tương lai với yêu cầu chứng nhận sản phẩm ở tất cả các thị trường phát triển như EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Nhưng khi hướng tới chứng nhận, đừng hy vọng rằng sản phẩm sẽ bán được với giá cao hơn, mà hãy quan tâm nhiều đến khả năng tiếp cận thị trường”, ông William khuyến cáo.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)