15:40 29/05/2007

Xuất khẩu lao động đã đến lúc cần thương hiệu

Quỳnh Lam

Tại một số thị trường, lao động Việt Nam đã không còn được "ưa chuộng" như trước đây nữa

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng văn phòng đại diện tại các thị trường có số lượng lao động trên 100 người.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng văn phòng đại diện tại các thị trường có số lượng lao động trên 100 người.
Song song với việc mở rộng thị trường, đã đến lúc lĩnh vực xuất khẩu lao động của Việt Nam phải tính đến chuyện xây dựng thương hiệu, tạo uy tín bằng việc nâng cao chất lượng, siết chặt quản lý.

Từ nâng cao nhận thức người lao động

Theo thông tin từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2006, cả nước đưa được hơn 78.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt chỉ tiêu đề ra, trong đó lớn nhất là Malaysia với 37.950 lao động, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 14.120 lao động. Năm 2007, mục tiêu đặt ra cho thị trường xuất khẩu lao động là tiếp tục đưa khoảng 80.000 lao động ra nước ngoài.

Tuy nhiên, yêu cầu về lao động trong xu thế hội nhập không chỉ dừng lại ở chỗ mở rộng thị trường, phát triển số lượng mà song song với việc đó, cần quan tâm đến chất lượng.

Theo ông Nguyễn Xuân Vui, Giám đốc Trung tâm xuất khẩu lao động Airserco, việc xuất khẩu lao động ngày càng đòi hỏi khắt khe, về kỹ năng tay nghề, về chấp hành kỷ luật và về trình độ ngoại ngữ, nhất là tại các thị trường thông dụng tiếng Anh. Ông cho biết, hiện lao động của ta ra nước ngoài cơ bản đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp sở tại. Tuy nhiên, tại một số thị trường, lao động Việt Nam đã không còn được "ưa chuộng" như trước đây nữa.

Đặc biệt là thị trường Malaysia, nếu như trước đây các ông chủ doanh nghiệp nước này đánh giá rất cao lao động Việt Nam vì họ thông minh, nhanh nhẹn, thì bây giờ họ thường xuyên phản ánh về sự thiếu ý thức kỷ luật của các lao động nam. Thậm chí, đã có khá nhiều doanh nghiệp từ chối nhận lao động nam Việt Nam.

Một trong những thị trường được xem có tiềm năng hiện nay là thị trường Trung Đông. Hiện có khoảng trên 3.000 lao động Việt Nam làm việc tại Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, 2.000 lao động tại Qatar.

Ông Trần Lực, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC), một trong những doanh nghiệp đang khai thác thị trường Trung Đông cho biết, hiện thị trường Trung Đông vẫn được xem là thị trường mở, đặc biệt Chính phủ Qatar có nhiều chính sách ưu ái lao động Việt Nam. Thế nhưng, tại một nước Hồi giáo có nhiều luật lệ ít nhiều nghiêm ngặt, sự thiếu ý thức, vô kỷ luật của lao động Việt Nam nếu không được khắc phục sẽ có nguy cơ dẫn đến sự "bại trận" ở thị trường này.

Trao đổi với VnEconomy, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho rằng, năm 2007 được coi là năm điểm nhấn cho công tác đào tạo nhân lực xuất khẩu lao động, kể cả về tay nghề lẫn ý thức kỷ luật. Tuy nhiên, để làm được điều này phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở dạy nghề, chính quyền địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Thời gian tới, Bộ sẽ tính đến phương án liên kết đào tạo, có nghĩa là đào tạo theo nhu cầu của đối tác.

Đến việc quản lý người lao động ngoài nước

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay có 50 doanh nghiệp được phép đưa người lao động sang thị trường Trung Đông. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 3 doanh nghiệp có văn phòng đại diện tại các nước này. Điều này chứng tỏ phần lớn các doanh nghiệp đang hoạt động theo kiểu "đem con bỏ chợ".

Đấy là chưa kể các tại một số thị trường, nhiều doanh nghiệp làm ăn nhỏ lẻ, manh mún chỉ biết tạo nguồn trong nước, thu phí, bàn giao lao động và …hết trách nhiệm. Chính vì thế mới xảy ra chuyện lao động Việt Nam tại nước ngoài không có "người quản lý" dẫn tới việc sống và làm việc vô tổ chức, bị trục xuất về nước cũng chẳng có cơ quan nào đứng ra giải quyết.

Trả lời VnEconomy về vấn đề này, Thứ trưởng Hòa cho biết, đề án đưa người lao động đi làm việc nước ngoài đến năm 2015 của Chính phủ đang được thực hiện, theo đó cùng với việc nâng tỷ lệ đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài tăng, mở rộng thị trường lao động, nâng cao chất lượng, thì siết chặt quản lý, nhất là đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng được đặt ra cấp thiết.

Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng văn phòng đại diện tại các thị trường có số lượng lao động trên 100 người. Với những doanh nghiệp nhỏ, số lượng lao động ít, dưới 100, có thể kết hợp với doanh nghiệp khác thành lập chung văn phòng đại diện, có trách nhiệm quan tâm, quản lý lao dộng của doanh nghiệp mình, không được để xảy ra tệ nạn, làm ảnh hưởng đến thị trường lao động chung.

Về phía Bộ, Thứ trưởng cho biết, sắp tới Bộ sẽ thành lập Ban quản lý lao động Việt Nam tại Dubai. Chiến lược lâu dài mà Bộ Lao động Thương binh Xã hội đề ra là ở đâu có lao động Việt Nam, ở đó sẽ có ban quản lý.