14:19 27/03/2013

Yêu cầu ngân hàng “không đụng đến” vàng huy động, giữ hộ

Nhật Nam

Một số ngân hàng đã sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp khi vay mượn vốn

Thời gian qua, ngoài chuyển đổi vốn vàng huy động, một số ngân
 hàng còn sử dụng để cầm cố, thế chấp khi vay mượn vốn trên liên ngân hàng.
Thời gian qua, ngoài chuyển đổi vốn vàng huy động, một số ngân hàng còn sử dụng để cầm cố, thế chấp khi vay mượn vốn trên liên ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Cụ thể, theo nội dung công văn số 1889/NHNN-QLNH ngày 21/3/2013, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng thành đồng Việt Nam hoặc các hình thức bằng tiền khác cũng như không được sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp, ký quỹ bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại tổ chức tín dụng khác.

Các tổ chức tín dụng cũng không được cho khách hàng vay vốn để mua vàng, trừ trường hợp được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép vay vốn mua vàng để sản xuất, gia công vàng trang sức mỹ nghệ.

Tổ chức tín dụng phải thực hiện các biện pháp cần thiết để thu hồi các khoản cho vay bằng vàng hoặc chuyển đổi dư nợ sang đồng Việt Nam; không được gia hạn các khoản vay trên nhằm khẩn trương tất toán số dư huy động và cho vay vốn bằng vàng theo quy định tại Thông tư 12/2012/TT-NHNN (vào thời điểm 30/6/2013).

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện đúng nguyên tắc về hoạt động quản lý tài sản, bảo quản giữ hộ (bao gồm giữ hộ vàng). Theo đó, khách hàng phải trả phí cho tổ chức tín dụng thực hiện dịch vụ giữ hộ; các mức phí dịch vụ quản lý, bảo quản, giữ hộ vàng phải được niêm yết công khai.

Tổ chức tín dụng phải đảm bảo đủ điều kiện, cơ sở vật chất khi thực hiện nghiệp vụ quản lý, bảo quản, giữ hộ vàng, không trả lãi, lợi tức, phí và các hình thức khác cho khách hàng; hạch toán đúng tính chất tài khoản giữ hộ vàng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; không được sử dụng vàng giữ hộ để cầm cố thế chấp, ký quỹ, bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay tại tổ chức tín dụng khác.

Như vậy, với chỉ đạo trên, vốn vàng huy động và giữ hộ tại các tổ chức tín dụng bị “đóng băng”, hạn chế việc sử dụng và chuyển đổi vốn tác động đến cung - cầu trên thị trường.

Thời gian qua, ngoài hoạt động chuyển đổi vốn vàng huy động, một số ngân hàng thương mại còn sử dụng vàng huy động để cầm cố, thế chấp khi vay mượn vốn trên thị trường liên ngân hàng.