10:48 29/11/2007

10 năm Internet Việt Nam: Những đổi thay kinh ngạc

10 năm, một thời gian không quá dài, nhưng Internet ở Việt Nam đã tăng trưởng chóng mặt, và mang đến những sự thay đổi lớn lao

Sinh viên sử dụng laptop kết nối Internet qua WiFi ở Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM).
Sinh viên sử dụng laptop kết nối Internet qua WiFi ở Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Tp.HCM).
10 năm, một thời gian không quá dài, nhưng Internet ở Việt Nam đã tăng trưởng chóng mặt, và mang đến những sự thay đổi lớn lao.

Học sinh, sinh viên: Học trên mạng

1997: Để tìm tài liệu thuyết trình hoặc làm chuyên đề, Ngân Trang, học sinh lớp chuyên văn trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Đồng Nai), đến thư viện trường, không có thì lại đạp xe tới thư viện tỉnh, vô nhà sách. Nhà sách mới không có thì đi nhà sách cũ. Không có nữa thì hỏi mấy anh chị năm trước. Rất mất thời gian và mệt.

2007: Trong lớp 10 chuyên hóa ở trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), một nhóm học sinh đang tự tin thuyết trình bằng PowerPoint về tác dụng khử trùng của clo. Đó là kết quả của những ngày làm việc theo nhóm trên Internet của họ. Duy Hoàng, thành viên của nhóm, kể: "Lớp em thường chia nhóm, phân công cụ thể cho từng người rồi lên mạng tìm tài liệu, sắp xếp, chọn lọc để soạn thành một bài giảng, thuyết trình trước lớp như một giáo viên bằng PowerPoint. Cả lớp em rất mê cách học này, vì tụi em được chủ động và sáng tạo, cách trình bày rất sinh động, hấp dẫn"...

10 năm sau khi Việt Nam hòa mạng toàn cầu, Internet đã trở thành "một phần tất yếu" của học sinh, sinh viên. Xu hướng học trên mạng ngày càng phổ biến. Không mất công đến giảng đường, có thể học bất kỳ giờ nào trong ngày, sinh viên chỉ cần ngồi ở nhà, lên mạng và download tài liệu về học... là những lý do chuyển dịch dần cách học, không gian học của nhiều sinh viên hiện nay.

Thái Đức Sâm, sinh viên Khoa Cơ khí (Đại học Bách khoa Tp.HCM), cho biết: "Ở lớp mình khoảng 70-80% thầy cô trao đổi với sinh viên qua mail. Vì thời gian ở trên lớp không đủ nên có gì thắc mắc là mình gửi câu hỏi qua mail. Một hai bữa sau là nhận được câu trả lời".

Doanh nhân: Chi phí rẻ hơn, nhanh hơn

1997: Là phó phòng kinh doanh của một doanh nghiệp nhựa, anh L.V.L. giao dịch với khách hàng nước ngoài chủ yếu qua fax. Mỗi ngày, thời gian để viết một bức fax hoàn chỉnh khiến anh chỉ xử lý được 3-4 bức fax. Trung bình mỗi ngày công ty anh fax đi nước ngoài 5-10 bức với chi phí khoảng 1 USD/ trang. Mỗi tháng chi phí viễn thông quốc tế lên đến cả ngàn USD.

Bất cứ việc gì liên quan đến đối tác nước ngoài cũng được cân nhắc khá kỹ, chỉ khi nào chắc chắn giao dịch thành công, có thể bán được hàng mới liên lạc, bởi mỗi lần bốc điện thoại lên gọi một cuộc đi quốc tế là một phen hồi hộp vì cước viễn thông. Để tìm một đối tác mua hàng hoặc cung cấp nguyên liệu có khi phải lặn lội đến tận Brazil để khảo sát.

2007: Anh L.V.L. nay đã ở chức vụ giám đốc thì chiếc máy fax gần như được xếp xó, mọi giao dịch với đối tác chuyển sang email. Mỗi ngày, anh L. có thể xử lý 30-50 email của khách hàng bởi mọi thông tin, yêu cầu, bảng báo giá dù rất cũ đều được lưu trữ trong hộp thư điện tử, có thể dễ dàng sử dụng lại. Việc trao đổi trực tiếp với khách hàng thuận tiện hơn nhờ VoIP, video conference. Việc tìm kiếm, kiểm tra thông tin khách hàng cũng dễ dàng hơn nhờ Google. Tất cả chi phí liên lạc quốc tế chỉ gói gọn trong 1 triệu đồng.

"Internet thay đổi hoàn toàn đời tôi"

Ông Phạm Hồng Phước, nhà báo viết về lĩnh vực quốc tế, nhớ lại: "Khi đó, để kết nối dial up là một quá trình cực kỳ gian khổ, nín thở ngồi quay số, khi nghe tiếng tít tít ngân dài báo hiệu kết nối thành công thì mừng lắm, đang lướt web hay download cũng nín thở lo sợ bị đá rớt khỏi mạng. Cuối tháng hồi hộp trông hóa đơn cước Internet và điện thoại vì tỉ lệ thuận với thời gian vào mạng là bạc triệu tiền cước".

Khi Việt Nam kỷ niệm 10 năm kết nối Internet cũng là lúc ông Phước giật mình: "Đã 10 năm rồi sao?". Là những khách hàng đầu tiên sử dụng Internet đến nay, cuộc sống của ông gần như gắn kết với hai chữ "online". Ông Phạm Hồng Phước khẳng định Internet đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời ông.

Lịch sử Internet tại Việt Nam

- 1992: Viện Khoa học Việt Nam thử nghiệm sử dụng Internet dưới hình thức thuê bao từ xa của Úc.

- 1994: Viện Khoa học Việt Nam và mạng VARNET (tiền thân của Netnam ngày nay) kết nối Internet qua giao thức UCP để nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trao đổi thư điện tử với thủ tướng Thụy Điển.

Cuối năm 1996, tại Hội nghị Trung ương II bàn về nghiên cứu khoa học và giáo dục đào tạo, Ban cán sự Đảng Tổng cục Bưu điện đã báo cáo trình trung ương xin cho mở Internet vào Việt Nam.

- 5/3/1997: Chính phủ ban hành Nghị định 21/CP về qui định tạm thời quản lý Internet.

- 19/11/1997: Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) là VDC, Netnam, FPT... tổ chức "Lễ kết nối Internet toàn cầu", chính thức hòa mạng Internet quốc tế.

- 1/12/1997: Chính thức cung cấp dịch vụ Internet cho các thuê bao có yêu cầu.