17:46 28/12/2020

101 nghìn doanh nghiệp ngừng kinh doanh năm 2020

KIỀU LINH

Làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, con số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, tạm ngừng hoạt động ghi nhận ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam cũng như thế giới tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ, con số doanh nghiệp Việt Nam giải thể, tạm ngừng hoạt động ghi nhận ở mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

101 NGHÌN DOANH NGHIỆP NGỪNG KINH DOANH

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có tổng cộng 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước.

Trong đó, gồm 46,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 62,2%; gần 37,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 13,8%; gần 17,5 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 3,7%. 

Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây. 

Việc doanh nghiệp buộc tạm dừng, chờ phá sản, hoàn tất thủ tục giải thể gia tăng trong thời điểm hiện nay đã phản ánh sự khó khăn của điều kiện sản xuất, kinh doanh và tổng cầu một số ngành đã và đang giảm sâu do tác động của đại dịch Covid-19.

Đại diện một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội cho biết, công ty này đã tạm ngừng hoạt động do dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay khiến nguồn khách du lịch quốc tế giảm mạnh. Mặc dù thị trường du lịch nội địa phục hồi nhưng doanh thu cũng không thể bù đắp được chi phí, chưa kể, doanh nghiệp phải hỗ trợ lương nhân viên trong thời điểm dịch bệnh. 

“Chúng tôi đã nỗ lực cầm cố nhưng khi dịch bệnh quay lại vào tháng 8 thì mọi cố gắng đều không được đáp lại. Hi vọng năm 2021 khi thế giới chính thức có vaccin, Covid-19 được ngăn chặn thị trường du lịch quốc tế và nội địa sẽ khởi sắc hơn”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Kỷ lục 101 nghìn doanh nghiệp rời bỏ thị trường, chưa từng có trong lịch sử - Ảnh 1.

DOANH NGHIỆP THÀNH LẬP MỚI CŨNG GIẢM

Trong khi số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể và hoàn tất giải thể tăng mạnh thì số lượng doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm.

Trong tháng 12/2020, cả nước có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 356,8 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 73 nghìn lao động, giảm 18,4% về số doanh nghiệp, tăng 25,3% về vốn đăng ký và giảm 39% về số lao động so với tháng trước. 

Trong tháng 12, cả nước còn có 5.358 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Tính chung năm 2020, cả nước có 134,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2.235,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1.043 nghìn lao động, giảm 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 29,2% về vốn đăng ký và giảm 16,9% về số lao động so với năm trước. 

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm trước. Nếu tính cả 3,3 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5,57 triệu tỷ đồng, tăng 39,3% so với năm trước. 

Bên cạnh đó, còn có 44,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với năm trước. Trung bình mỗi tháng có 14,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.