21:12 21/03/2008

15 giải pháp “cứu” thị trường bất động sản

Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HOREA), hiện còn nhiều quy định pháp luật về nhà đất chồng chéo và bất hợp lý

Theo HOREA, vấn đề nóng nhất hiện nay trên thị trường bất động sản là thông tin đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất vượt hạn mức hoặc nhà, đất không đưa vào sử dụng.
Theo HOREA, vấn đề nóng nhất hiện nay trên thị trường bất động sản là thông tin đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất vượt hạn mức hoặc nhà, đất không đưa vào sử dụng.
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HOREA) vừa gửi công văn lên UBND Tp.HCM, Văn phòng Chính phủ, và các bộ, ngành liên quan để đề xuất 15 giải pháp giúp thị trường nhà đất phát triển bền vững.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Phó chủ tịch HOREA, thị trường nhà, đất đang có nhiều biến động xấu do ảnh hưởng bởi các chính sách tiền tệ vĩ mô cũng như các sắc thuế về nhà, đất chuẩn bị ban hành.

Trong khi đó, theo HOREA, hiện còn nhiều quy định pháp luật về nhà đất chồng chéo và bất hợp lý, nếu không khai thông sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thị trường bất động sản.

Được huy động vốn khi xong mặt bằng

Về thời điểm, các chủ đầu tư dự án nhà ở được huy động vốn, HOREA cho rằng, quy định của pháp luật hiện nay quá siết.

Cụ thể, Nghị định 02 năm 2006 về quy chế khu đô thị mới nghiêm cấm việc sử dụng dự án nhà ở chưa triển khai đầu tư để huy động chiếm dụng vốn của người mua nhà dưới mọi hình thức; Điều 39 Luật Nhà ở 2005 buộc phải xây xong phần móng mới được huy động; Luật Kinh doanh bất động sản 2006 quy định chỉ được huy động vốn khi đã làm xong hạ tầng cơ sở.

HOREA đề nghị cho doanh nghiệp được huy động vốn sau khi đã giải phóng mặt bằng, có phê duyệt quy hoạch 1/500 và đã nộp tiền sử dụng đất.

Thời gian gần đây, để giải quyết bài toán vốn, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu dự án. Đây là một hoạt động mới rất cần những hướng dẫn cụ thể của các cơ quan quản lý để bảo đảm quyền, lợi ích của các bên tham gia.

Riêng về phê duyệt dự án nhà ở, HOREA cho rằng quy định các dự án nhà ở không sử dụng vốn ngân sách cũng phải được phê duyệt như đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách là không cần thiết và cần bãi bỏ. Giải pháp được đề xuất là cơ quan nhà nước chỉ cần thẩm định, phê duyệt về quy hoạch, thiết kế, hạ tầng, môi trường...

HOREA cũng kiến nghị cần cho doanh nghiệp chứng minh điều kiện năng lực tài chính bằng nhiều cách khác nhau. doanh nghiệp đã thực hiện xong việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đã bổ sung tăng vốn trước khi triển khai dự án; được ngân hàng, quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng... bảo đảm nguồn vốn hoặc các tiêu chí khác do các cơ quan quản lý từng địa phương xét thì đương nhiên đủ năng lực tài chính.

Chưa cần thiết đánh thuế lũy tiến

Theo HOREA, vấn đề nóng nhất hiện nay trên thị trường bất động sản là thông tin đánh thuế lũy tiến đối với nhà, đất vượt hạn mức hoặc nhà, đất không đưa vào sử dụng.

Hiệp hội lưu ý các cơ quan có thẩm quyền khi ban hành các quy định phải cân nhắc, trong đó hạn mức đất ở nên có phân biệt giữa đô thị, vùng ven, nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Thuế lũy tiến không nên đánh đối với nhà ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc... HOREA cho rằng tại thời điểm hiện nay chưa cần thiết đưa ra sắc thuế này.

Về giao đất hoặc thuê đất để đầu tư dự án nhà ở, HOREA đề nghị Bộ Tài chính thay đổi cách tính tiền sử dụng đất đối với doanh nghiệp trong nước và tiền thuê đất đối với doanh nghiệp nước ngoài một cách công bằng, bình đẳng.

Cụ thể, HOREA đề nghị cho doanh nghiệp trong nước được thuê đất trả tiền thuê hàng năm trong thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng hạ tầng, khi có sản phẩm bán sẽ nộp tiền sử dụng đất theo quy định để giảm áp lực về vốn đầu tư.

HOREA cũng đề nghị cho doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án sau khi đã bồi thường giải phóng mặt bằng, có phê duyệt 1/500...

HOREA còn kiến nghị UBND Tp.HCM sớm hoàn thành quy hoạch xây dựng 1/2000 và quy hoạch thiết kế kiến trúc đô thị để các nhà đầu tư không phải "xin xỏ".