09:36 06/02/2013

18 năm vấn vương với cổ phiếu

Hoài Vũ

Anh bảo: hai tiếng “xổ số” luôn nhắc tôi nhớ lại mớ cổ phiếu đầu tiên tôi mua vào năm 1994

Một thị trường chứng khoán tốt đòi hỏi phải có hàng hóa tốt, nhà đầu tư 
tốt và cơ chế giao dịch tốt... Những nhà đầu tư nhỏ lẻ như anh Long mong
 rằng 18 năm sau Việt Nam có một sân chơi công bằng, minh bạch và hấp 
dẫn hơn cho các nhà đầu tư - Ảnh minh họa.<br>
Một thị trường chứng khoán tốt đòi hỏi phải có hàng hóa tốt, nhà đầu tư tốt và cơ chế giao dịch tốt... Những nhà đầu tư nhỏ lẻ như anh Long mong rằng 18 năm sau Việt Nam có một sân chơi công bằng, minh bạch và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư - Ảnh minh họa.<br>
Anh là nhà đầu tư khá nổi trên sàn chứng khoán hiện nay. Sự nổi tiếng của anh không đến từ số tài sản cổ cánh mà anh đang sở hữu và cũng không hẳn vì những mánh khóe đầu tư độc đáo.

Danh tiếng của anh được nhiều người biết tới lại từ chính những nỗ lực âm thầm và bền bỉ trong việc thể hiện vai trò của một cổ đông trong doanh nghiệp. Anh là Phi Long, một nhà đầu tư cá nhân bình thường có tới hơn 18 năm thâm niên đầu tư cổ phiếu tại Việt Nam.

Cuộc chuyện trò của chúng tôi về những vui buồn trong quãng đời đầu tư cổ phiếu của anh đột nhiên bị cắt ngang bởi một giọng lanh lảnh: “mua xổ số đi chú!". Ngừng một lát, anh bảo: hai tiếng “xổ số” luôn nhắc tôi nhớ lại mớ cổ phiếu đầu tiên tôi mua vào năm 1994...

Kinh nghiệm nhiều khi cũng “chết”

Anh kể, những năm 1994-1995 là những năm đất nước đang trên đà mở cửa, tình hình kinh tế, xã hội thay đổi từng ngày. Là một thanh niên vừa đi học nước ngoài về, đầy háo hức. Ở nước ngoài, thị trường chứng khoán rất phát triển, giao dịch sôi động và nhiều người tham gia. Hai chữ cổ phiếu, do đó, đã chiếm phần lớn đam mê, nhiệt huyết của tôi khi khởi nghiệp.

Năm 1994, Hà Nội thí điểm thành lập công ty cổ phần. Một công ty cổ phần vốn điều lệ 5,5 tỷ đồng chuyên sản xuất xốp nhựa và có cả một lãnh đạo cấp cao của thành phố tham gia cổ đông sáng lập. Khái niệm cổ phần khi ấy còn quá mới mẻ nên rất ít người đầu tư.

Năm ấy anh Long quyết định bỏ ra 10 triệu đồng để mua cổ phần, một số tiền tương đương với một năm lương công chức thời đó. Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng công ty này vẫn chưa có kế hoạch niêm yết, cổ phiếu này gần như không có thanh khoản. Rất nhiều cổ đông thời đó giờ đã về hưu.

Mỗi lần đại hội cổ đông, lĩnh cổ tức lại là dịp để các cổ đông già gặp nhau, hỏi thăm sức khoẻ, ai còn, ai mất. Còn quyển sổ cổ đông vẫn nằm nguyên trong góc tủ, hầu như chỉ có giá trị tinh thần, kỷ niệm của “thuở ban đầu”.

Cũng do cổ phiếu chẳng có thanh khoản nên mặc dù muốn bán đi nhưng tôi cũng chẳng biết bán cho ai, nên cứ giữ mãi cho đến tận bây giờ. Với phi vụ đầu tư cổ phiếu đầu tiên và lâu nhất này, vô tình anh Long trở thành nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ.

“Sau đó vài năm khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức mở cửa (năm 2000), tôi lại quyết định tham gia đầu tư. Sự náo nhiệt và sôi động của thị trường lúc ấy làm cho nhiều nhà đầu tư quên hẳn những được mất trước đây và lại nhanh chóng nhập cuộc. Vào giai đoạn thị trường bùng nổ năm 2006, gần như mua bất cứ cổ phiếu nào cũng có lãi. Vụ đầu tư thắng lợi nhất của tôi cũng ở giai đoạn này", anh Long hào hứng kể.

Thế nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Năm 2007, Công ty thủy điện Thác Mơ tiến hành IPO. Cũng giống như số đông, không kìm được lòng tham, nhà đầu tư này đã sử dụng dịch vụ ủy thác đấu giá kết hợp đòn bẩy tài chính tại công ty chứng khoán.

"Anh đã bỏ bao nhiêu tiền cho những thương vụ này?" tôi hỏi. "Tôi quyết định "đánh quả đậm", dồn tất cả tiền bạc, tài sản của mình vào vụ đầu tư này. Thậm chí tôi còn bán đi cả mảnh đất ở quê của gia đình được 300 triệu đồng để dồn vào đầu tư. Kết quả là công ty chứng khoán nơi tôi cùng "đặt cược" đã trúng đấu giá cổ phần Thủy điện Thác Mơ ở mức giá 63.000 đồng/cổ phiếu", anh Long kể tiếp.

Tuy nhiên, không ai học được chữ ngờ, ngay sau đó thị trường chứng khoán đột ngột đảo chiều, giao dịch cổ phiếu OTC nhanh chóng đóng băng. Rất nhiều nhà đầu tư trong đó có cả anh Long đã bị kẹt với khoản đầu tư của mình vì cổ phiếu không có thanh khoản.

Hết thời hạn vay, không có tiền để trả cho khoản vay đầu tư cổ phiếu và thế là toàn bộ số cổ phiếu bị tịch thu để trừ nợ. Trắng tay. Bao nhiêu tích cóp dành dụm hàng chục năm bỗng tan thành mây khói, anh Long kể với giọng xót xa. Rồi anh kết luận: lòng tham nhiều khi lấn át lý trí, cái giá phải trả không hề nhỏ, kể cả những người có kinh nghiệm cũng có thể chết vì lòng tham trong thị trường chứng khoán.

Theo chứng khoán vì còn đam mê


Tuy nhiên khác với nhiều nhà đầu tư khác, đã đóng tài khoản, rời khỏi thị trường chứng khoán, anh Long vẫn "lẽo đẽo" theo thị trường chứng khoán. So với cách đây 18 năm, quan điểm đầu tư của nhà đầu tư này vẫn là dài hạn.

“Tôi đã quan tâm nhiều hơn đến tài sản và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và chất lượng quản trị và độ minh bạch của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất trong các quyết định đầu tư của tôi”, anh Long nói.

Thời điểm này nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường chứng khoán của các cơ quan quản lý. Kỳ vọng vào sự công bằng và minh bạch hơn của thị trường chứng khoán, trông mong cơ quan quản lý thể hiện rõ hơn vai trò cầm cân nảy mực của mình, xử lý nghiêm những vi phạm để lấy lại lòng tin cho công chúng.

Nhà đầu tư đang dõi theo các biện pháp chấn chỉnh tình trạng gây xói mòn lòng tin nghiêm trọng của nhà đầu tư là tình trạng vi phạm công bố thông tin của các công ty cổ phần đại chúng. Tình trạng tù mù thiếu minh bạch thông tin khiến cho nhiều doanh nghiệp "nhờn" với quy định luật pháp và khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thiệt hại vì không nắm được thông tin.

“Những ngày giáp Tết, khi chứng khoán hồi phục trở lại sau một thời gian dài "ngủ đông", những nhà đầu tư cá nhân như tôi lại tiếp tục mơ về những ngày hưng thịnh. Mà tại sao lại không nhỉ? Chúng tôi mơ về một đất nước phát triển, có hệ thống doanh nghiệp mạnh và minh bạch, mơ về thị trường chứng khoán có quy mô lớn hơn, giao dịch sôi động hơn, nhiều sản phẩm mới hấp dẫn hơn... Có thể 18 năm sau, thị trường chứng khoán Việt Nam tiệm cận với thông lệ quốc tế, chuẩn mực quốc tế trong giao dịch. Mơ rằng nhà đầu tư chứng khoán khi ấy không bị coi là con gà, con bạc mà được xã hội coi là một nghề nghiêm túc, nhiều chất xám”, anh Long chia sẻ.
 
Một thị trường chứng khoán tốt đòi hỏi phải có hàng hóa tốt, nhà đầu tư tốt và cơ chế giao dịch tốt... Những nhà đầu tư nhỏ lẻ như anh Long mong rằng 18 năm sau Việt Nam có một sân chơi công bằng, minh bạch và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư.

Muốn làm được thế thì điều đầu tiên là cần thay đổi cách nhìn với thị trường chứng khoán, xã hội đừng ai nhìn nhận thị trường chứng khoán như cái sòng bạc và nhà đầu tư là những con bạc.

Cần phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện hệ thống luật pháp, nỗ lực tạo ra nhiều sản phẩm mới, hàng hóa mới có chất lượng tốt cho thị trường chứng khoán, cần phải nâng cao kiến thức, trình độ cho nhà đầu tư, để thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Sao cho đầu tư chứng khoán là một nghề chứ không phải là 1 trò chơi của các con bạc.

Mong cho những ước mơ và mong mỏi của những nhà đầu tư cá nhân như anh Long sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)