08:56 28/09/2007

2008: Thế giới sẽ đối mặt nhiều khó khăn chưa từng có

Trung Việt

Theo Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, nếu nỗ lực phối hợp, thế giới có thể biến năm 2008 đầy thách thức thành một năm thành công

Ông Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động tập thể, theo tinh thần: "Một Liên hiệp quốc mạnh hơn cho thế giới tốt đẹp hơn".
Ông Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động tập thể, theo tinh thần: "Một Liên hiệp quốc mạnh hơn cho thế giới tốt đẹp hơn".
Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon tại Hội nghị của Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 25/9 khẳng định, nếu nỗ lực phối hợp thế giới có thể biến năm 2008 đầy thách thức trở thành một năm thành công.

Các đại biểu đại diện 192 nước tham gia khoá họp 62 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc, tại New York (Mỹ) đang tích cực thảo luận, tìm giải pháp cho các vấn đề khó khăn lớn.

Năm vấn đề được chú trọng thảo luận

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc Khoá 62 Srgjan Kerim cho biết, 5 nội dung ưu tiên để Đại hội đồng Liên hiệp quốc Khoá 62 thảo luận, đó là: thay đối khí hậu toàn cầu; tài trợ cho phát triển; thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ (MDG); chống chủ nghĩa khủng bố; nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả và sự thống nhất của Liên hiệp quốc, trong đó có Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon cho rằng, hàng loạt thách thức toàn cầu đang đặt ra cho loài người trong những năm tới, mà không một quốc gia nào, dù lớn hay nhỏ, dù giầu hay nghèo, có thể đơn phương giải quyết được. Vì thế ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động tập thể, theo tinh thần: "Một Liên hiệp quốc mạnh hơn cho thế giới tốt đẹp hơn".

Ông cho rằng thế giới đang thay đổi ngày nay đòi hỏi phải có một Liên hiệp quốc mạnh hơn, vì thế nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả và sự thống nhất của Liên hiệp quốc. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm giải quyết các điểm nóng trên thế giới hiện nay.

Tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định tiến trình hoà bình tại Trung Đông là yếu tố sống còn cho sự ổn định khu vực và thế giới. Theo ông, để đạt được điều này cần phải: "Chấm dứt bạo lực, chấm dứt sự chiếm đóng, thiết lập một nhà nước Palestin chung sống hoà bình với Israel, cũng như xây dựng một nền hoà bình khu vực toàn diện giữa Israel và thế giới Arập".

Ngoài ra, ông khẳng định Liên hiệp quốc sẽ "làm hết sức để chấm dứt thảm kịch nhân đạo tại Đarfur". Theo ông, Iraq "là vấn đề của toàn thế giới" và Liên hiệp quốc đang đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy đàm phán chính trị và hoà giải dân tộc tại quốc gia Trung Đông này. Đối với vấn đề Apganistan, Tổng thư ký Liên hiệp quốc nói: "Cần phải hợp tác hiệu quả hơn với các bên để giải quyết vấn đề buôn bán ma tuý và tài trợ khủng bố".

Phiên thảo luận chung kéo dài đến ngày 3/10. Theo Văn phòng Tổng thư ký Liên hiệp quốc, trong vòng hai tuần đầu của Đại hội đồng Liên hiệp quốc Khoá 62, ông Ban Ki-moon sẽ có các cuộc gặp tay đôi với hơn 100 lãnh đạo nhà nước và chính phủ của các quốc gia thành viên tới dự Đại hội đồng.

Những hành động khẩn cấp của Liên hiệp quốc

Ngày 25/9, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã quyết định triển khai lực lượng đa năng ở miền Đông Cộng hòa Sát và Đông Bắc Cộng hòa Trung Phi để bảo vệ dân thường và hỗ trợ các hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon, các vụ đụng độ và xung đột vũ trang ở khu vực này đã làm hơn 400.000 người phải tị nạn và đi sơ tán, ảnh hưởng tới cuộc sống và sinh hoạt của khoảng 700.000 cư dân địa phương. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush cảnh báo Chính phủ Sudan và lực lượng nổi dậy ở nước này cần thảo luận về một lệnh ngừng bắn trong khuôn khổ các cuộc thương lượng hoà bình vào tháng tới.

Chiều 26/9, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp và ủng hộ chủ trương của Tổng thư ký Liên hiệp quốc cử phái viên Gambari tới Myanmar nhằm hỗ trợ tiến trình hoà hợp dân tộc thông qua đối thoại tại nước này.

Cùng ngày 26/9, các cơ quan của Liên hiệp quốc cũng đã đồng loạt mở chiến dịch trợ giúp khẩn cấp cho khoảng 5.000 nạn nhân của tình trạng bạo lực đang lan tràn ở miền Tây Nepal. Khoảng 30 người đã bị chết và hàng chục người bị thương trong các vụ bạo lực mấy ngày qua ở khu vực Terai của nước này. Các vụ bạo lực này đã bùng phát sau khi một nhân vật nổi tiếng ở địa phương bị sát hại.

Ngày 26/9, Chương trình phòng chống HIV/AIDS của Liên hiệp quốc (UNAIDS) cũng đã công bố báo cáo kêu gọi các nguồn tài chính cho cuộc chiến chống HIV/AIDS trong 3 năm tới. Quĩ toàn cầu chống HIV/AIDS cần phải có một khoản ngân sách từ 32-52 tỷ USD trong vòng 3 năm tới và khoảng 45-63 tỷ USD cho giai đoạn tiếp theo đến năm 2015.

Với ngân sách khoảng 10 tỷ USD, dự kiến chi trong năm nay cho cuộc chiến chống HIV/AIDS toàn cầu, sẽ không thể đủ để thực hiện mục tiêu trên. Tính đến cuối năm 2006, đã có khoảng 39,5 triệu người trên thế giới nhiễm HIV/AIDS và hơn 70% số người cần điều trị đã không được tiếp cận với thuốc chữa bệnh.