2011 - 2016, “nhiệm kỳ” khó quên với doanh nghiệp Việt
5 năm qua có thể được xem là bước sàng lọc nghiệt ngã với nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam
Tròn 5 năm trước, cũng vào tháng 1, Đại hội Đảng lần thứ 11 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.
Khi ấy, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh một “bước tiến rất quan trọng” khi văn kiện Đại hội 11 đề cập chính thức và xác định rõ ràng đội ngũ doanh nhân ở vị trí thứ tư trong các giai tầng, sau công nhân, nông dân và trí thức.
Còn trước đó, hai chữ “doanh nhân” hoàn toàn không có trong các văn kiện Đại hội Đảng.
Còn trước đó, hai chữ “doanh nhân” hoàn toàn không có trong các văn kiện Đại hội Đảng.
Ông Lộc cũng đề nghị, nên thống nhất ghi “đội ngũ doanh nhân” trong tất cả các văn kiện của Đảng, từ đó trở đi.
Dần trở nên quen thuộc hơn, cụm từ được Chủ tịch VCCI đề nghị cũng đã xuất hiện tại dự thảo văn kiện Đại hội 12 (dự thảo công bố xin ý kiến nhân dân).
Tại đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 11 nhận định: “Đội ngũ doanh nhân tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội”.
Khái quát ngắn gọn như thế, nhưng luận về khó khăn và đóng góp của đội ngũ doanh nhân 5 năm qua, thì tốn hàng ngàn trang giấy có thể vẫn chưa đủ.
Trưởng ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn - một người rất gắn bó với cộng đồng doanh nghiệp - nhìn nhận 5 năm qua có thể được xem là một bước sàng lọc nghiệt ngã với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Có điều, sự nghiệt ngã này không hẳn đến từ các khó khăn nội tại của doanh nghiệp, như năng lực quản trị, năng lực kiểm soát rủi ro..., mà còn đến từ các rào cản thể chế: kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát cao, không tiếp cận được vốn cho đến các thủ tục xin cho, phiền hà, quy định chính sách hay thay đổi...
“Nếu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều thuận lợi, thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã yếu lại gặp nhiều giông bão của hệ thống thể chế, pháp luật”, ông Tuấn đánh giá.
Sự sàng lọc nghiệt ngã đã thể hiện khá rõ ngay từ khá sớm, khi chỉ trong hai năm 2011 và 2012, có khoảng 100.000 doanh nghiệp dừng hoạt động, bằng một nửa số doanh nghiệp bỏ “cuộc chơi” trong suốt 20 năm trước, kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp.
Khi đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã coi đây là một con số đáng báo động. Và suốt từ đó đến nay, doanh nhân và thể chế luôn là nỗi trăn trở của người đứng đầu VCCI. Theo ông, muốn cho dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra một thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng.
Khi đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã coi đây là một con số đáng báo động. Và suốt từ đó đến nay, doanh nhân và thể chế luôn là nỗi trăn trở của người đứng đầu VCCI. Theo ông, muốn cho dân làm giàu, Nhà nước có trách nhiệm tạo ra một thể chế tốt, khuyến khích cạnh tranh sáng tạo và công bằng.
5 năm qua, cải cách thể chế kinh tế được coi là có những bước tiến đáng ghi nhận, từ chính sách vĩ mô. Nhưng khoảng cách giữa lời nói và việc làm vẫn còn xa, không chỉ là nhận xét của riêng ông Lộc.
Một vị CEO tâm tư: “Càng ngày, những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp càng bộc lộ rõ hơn. Doanh nghiệp đang chịu đựng và ra sức chống chọi với những sụt giảm doanh số, lợi nhuận, thậm chí tài sản và đặc biệt đối phó với cân đối dòng tiền mặt cho sản xuất kinh doanh”.
Đến 2015, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm là 71.391 doanh nghiệp, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Và vượt xa con số được Chủ tịch VCCI coi là báo động của những năm đầu nhiệm kỳ.
Vào những ngày cuối của tháng cuối năm 2015, người viết bài này có dịp trò chuyện cùng lúc với 3 doanh nhân đang được coi là khá thành đạt và đang giữ các chức vụ Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng.
Họ đều là những người đang rất nhiệt tình với phong trào khởi nghiệp của thành phố, và đều nhấn mạnh rằng được sống và làm ăn ở Đà Nẵng là một may mắn lớn.
May mắn là bởi môi trường kinh doanh thông thoáng, sự thân thiện của chính quyền thành phố đã giúp họ “giảm tải” những áp lực từ quá trình thực thi chính sách mà tình trạng “trên trải thảm, dưới trải gai” không phải là cá biệt.
Cảm nhận chung của cả ba vị là 5 năm qua, nhiều chính sách kinh tế còn mang tính ngắn hạn, nặng về đối phó hơn là giải quyết căn cơ những khó khăn của doanh nghiệp. Và nếu điều này không sớm thay đổi thì Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chưa chắc là cơ hội, mà có thể là “nhát dao” cuối cùng đối với không ít doanh nghiệp.
Tháng đầu của 2016 sẽ diễn ra Đại hội Đảng 12. Có thể, những người lãnh đạo mới sẽ mong muốn tạo dấu ấn, và dấu ấn tốt nhất là “lấy lòng” các doanh nghiệp bằng những chính sách thực sự minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, như lời của vị Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng.