3 “vũ khí hạng nặng” Trung Quốc có thể dùng để trả đũa Mỹ
Trung Quốc nắm những vũ khí mạnh trên thị trường tài chính mà nước này có thể sử dụng để đáp trả Mỹ nếu chiến tranh thương mại leo thang
Trung Quốc sở hữu những vũ khí mạnh trên thị trương tài chính mà nước này có thể sử dụng để đáp trả Mỹ trong trường hợp chiến tranh thương mại giữa hai nước có bước leo thang mới. Tuy nhiên, việc sử dụng những vũ khí này cũng có thể gây ra hệ quả không mong muốn đối với Bắc Kinh, hãng tin Bloomberg cho hay.
Trung Quốc đã thề trả đũa nếu Mỹ thực hiện tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về tăng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày thứ Sáu. Trong một tuyên bố ngày thứ Năm, Bộ Thương mại Trung Quốc nói đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả Mỹ trong bất kỳ trường hợp nào.
Tuy nhiên, theo ông Brad Setser, chuyên gia cấp cao về kinh tế quốc tế thuộc Hội đồng Đối ngoại ở Washington, "ăn miếng trả miếng" bằng thuế quan có thể sẽ không phải là lựa chọn số 1 của Bắc Kinh.
"Nếu Trung Quốc đáp trả bằng thuế quan, thì đó đơn giản sẽ là tăng thuế lên 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bao gồm cả những mặt hàng sau đó sẽ được xuất khẩu đi từ Trung Quốc", ông Setser nói. "Trung Quốc chắc chắn có thể làm như vậy, nhưng cách đó có thể gây hại trực tiếp cho Trung Quốc trên nhiều phương diện".
Trong khi đó, ông Trump rất chú trọng diễn biến thị trường tài chính. Ông thường hào hứng trên mạng xã hội Twitter mỗi khi chứng khoán Mỹ lập đỉnh mới. Sau khi ông tuyên bố tăng thuế lên hàng Trung Quốc vào hôm Chủ nhật, chỉ số S&P 500 của Phố Wall đã giảm liền 4 phiên.
Nếu nhằm vào "điểm yếu" này của ông Trump, Trung Quốc có thể dùng một số vũ khí mạnh để đẩy cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang. Dưới đây là 3 vũ khí như vậy được Bloomberg điểm qua:
Phá giá đồng Nhân dân tệ
Các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh có thể phá giá đồng Nhân dân tệ để trung hòa ảnh hưởng của thuế quan Mỹ đối với nền kinh tế Trung Quốc. Năm ngoái, Nhân dân tệ giảm giá 5,5% so với đồng USD, khiến ông Trump "nổi đóa" và cho rằng Bắc Kinh cố tình làm suy yếu đồng nội tệ.
Tuần này, đồng Nhân dân tệ đã giảm 1,3% so với USD trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. Tuy nhiên, đồng tiền này đã tăng giá trong phiên sáng ngày thứ Sáu sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nâng tỷ giá tham chiếu hàng ngày lên mức cao hơn dự báo.
Trung Quốc từng có "bài học đau thương" khi phá giá đồng Nhân dân tệ vào năm 2015. Động thái phá giá khi đó đã châm ngòi cho một đợt tháo chạy của dòng vốn nước ngoài khỏi nước này. Kinh nghiệm đó có thể ngăn Bắc Kinh "tung đòn" phá giá thêm lần nữa - theo chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Tao Wang thuộc ngân hàng UBS.
"Trung Quốc không muốn xảy ra tình trạng thoái vốn do họ tự gây ra trong trường hợp phá giá đồng Nhân dân tệ. Một động thái phá giá đồng tiền sẽ xói mòn niềm tin trong nước", bà Wang nhận xét. "Ngoài ra, sự giảm giá của đồng Nhân dân tệ trong năm ngoái đã khiến chính quyền ông Trump nổi giận và dẫn tới việc tăng thuế quan".
Tỷ giá đồng tiền là một vấn đề quan trọng trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Mỹ muốn ổn định tỷ giá Nhân dân tệ là một phần trong một thỏa thuận cuối cùng giữa hai nước, nguồn thạo tin cho hay.
Bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ
Trung Quốc hiện sở hữu hơn 1,1 nghìn tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ, theo đó giữ vai trò chủ nợ lớn nhất của Washington. Nếu Bắc Kinh bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ, thì đó thực sự là một vũ khí mạnh trong việc chống lại Washington. Thị trường nợ Mỹ có quy mô 15,9 nghìn tỷ USD đã chao đảo trong năm ngoái sau khi có thông tin nói rằng giới chức Trung Quốc đề nghị giảm tốc độ hoặc dừng mua tài sản này.
Mặc dù vậy, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn tốt khác để cất giữ lượng dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, lên tới 3,1 nghìn tỷ USD, của nước nước này. Bởi vậy mà bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ cũng không phải là một lựa chọn khả thi đối với Bắc Kinh, theo chuyên gia Ed Al-Hussainy thuộc Columbia Threadneedle Investments.
Ngoài ra, nếu Trung Quốc bán tháo nợ Mỹ, giá trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ giảm mạnh, đẩy lợi suất tăng và kéo tụt giá trị của số nợ Mỹ mà Bắc Kinh còn nắm giữ.
"Bất kỳ sự gia tăng mạnh nào về lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng gây giảm giá trị nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc và có thể khiến đồng USD tăng giá mạnh", ông Al-Hussainy nhấn mạnh. "Những rủi ro đối với ổn định tài chính và tỷ giá của biện pháp này có thể lấn át các lợi ích mà nó mang lại".
Dừng mua đậu tương Mỹ
Trung Quốc, nước nhập khẩu nhiều đậu tương Mỹ nhất thế giới, đã áp thuế quan 25% lên mặt hàng này. Phần lớn đậu tương Mỹ được trồng ở các bang vùng Midwestern, nơi có một lực lượng đông đảo cử tri ủng hộ ông Trump. Bởi vậy mà đậu tương có thể được Trung Quốc dùng như một vũ khí mạnh để chống lại ông chủ Nhà Trắng.
Trước khi tình hình đàm phán chuyển xấu, Trung Quốc đã quay trở lại mua đậu tương Mỹ sau mấy tháng gần như không mua, nhằm mục đích thể hiện "thiện chí". Giờ đây, việc Trung Quốc có tiếp tục mua đậu tương Mỹ hay không đang trở nên rất bấp bênh và phụ thuộc vào kết quả đàm phán.
Theo ông Setser, việc phá giá đồng Nhân dân tệ hay bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ có nhiều rủi ro tiềm tàng, nhưng dừng mua đậu tương Mỹ có thể là một lựa chọn khả thi hơn đối với Trung Quốc.
"Có một số cách dễ dàng mà Trung Quốc có thể làm, bao gồm dừng mua đậu tương Mỹ", vị chuyên gia nói.
Trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá đậu tương giao sau ở Mỹ đã giảm 10%.