09:27 15/11/2024

35% người dùng smartphone 5G sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm kết nối vượt trội

Nhĩ Anh

Sự bùng nổ người dùng smartphone sử dụng ứng dụng GenAI sẽ góp phần mở rộng các use case dùng kết nối vượt trội như gọi video, phát trực tuyến và thanh toán trực tuyến, từ đó thúc đẩy người dùng smartphone sẵn sàng chi thêm phí kết nối để có trải nghiệm tốt hơn. Đây là cơ hội tiềm năng để tăng trưởng doanh thu mới cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kết nối vượt trội và khả năng sẵn sàng chi trả của người dùng cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (CSPs) để đảm bảo hiệu suất cao hơn cho các ứng dụng thiết yếu là những phát hiện chính trong báo cáo nghiên cứu toàn cầu về "Nâng cao 5G với kết nối vượt trội", vừa được Ericsson ConsumerLab công bố.

Thông tin về nghiên cứu này ngày 14/11, Ericsson cho biết hơn 23.000 người dùng smartphone trong độ tuổi từ 15-69 đã tham gia khảo sát, trong đó hơn 17.000 người dùng smartphone 5G đến từ 16 thị trường lớn trên toàn cầu. Theo các nhà nghiên cứu, cuộc khảo sát này đại diện cho 1,1 tỷ người dùng smartphone, bao gồm 750 triệu người thuê bao 5G.

Theo báo cáo này, các ứng dụng GenAI (AI tạo sinh) đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng smartphone 5G toàn cầu đối với kết nối vượt trội- đảm bảo kết nối ổn định, tốc độ cao khi người dùng cần nhất.

35% người dùng smartphone 5G sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm kết nối vượt trội - Ảnh 1

Báo cáo nghiên cứu đưa ra dự báo trong vòng 5 năm tới, số lượng người dùng smartphone sử dụng ứng dụng GenAI sẽ tăng ít nhất 2,5 lần mỗi tuần. Sự bùng nổ này sẽ góp phần mở rộng các use case dùng kết nối vượt trội hiện có, như gọi video, phát trực tuyến và thanh toán trực tuyến, từ đó thúc đẩy người dùng smartphone sẵn sàng chi thêm phí kết nối để có trải nghiệm tốt hơn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng 35% người dùng smartphone 5G trong cuộc khảo sát cho biết họ quan tâm đến việc trả thêm tiền cho kết nối vượt trội đối với các ứng dụng thiết yếu.

Báo cáo tập trung vào các cơ hội tạo doanh thu cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông dựa trên kết quả nghiên cứu khảo sát.

Một phần tư số người dùng GenAI tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng chi trả thêm tới 35% phí thuê bao để có được kết nối nhanh và an toàn, phản hồi nhanh chóng; đảm bảo cho các ứng dụng đòi hỏi băng thông cao.

Trái với với quan niệm cho rằng người dùng sẽ không chi trả thêm cho kết nối nâng cao, khảo sát cho thấy 20% người dùng “Assurance Seekers” (phân khúc khách hàng tìm kiếm sự đảm bảo), đang chủ động tìm kiếm các giải pháp kết nối vượt trội cho các ứng dụng quan trọng và sẵn sàng chi trả cho điều đó.

35% người dùng smartphone 5G sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm kết nối vượt trội - Ảnh 2

Theo báo cáo nghiên cứu về mối quan tâm theo khu vực, các thị trường như Ấn Độ, Thái Lan và Ả Rập Xê Út có tỷ lệ người dùng smartphone quan tâm đến kết nối vượt trội cao gấp đôi so với các thị trường như Pháp và Tây Ban Nha.

Báo cáo cũng chỉ ra hành trình các giai đoạn cho CSP gồm: Nghiên cứu đề xuất lộ trình phát triển cho các CSP từ mô hình băng thông rộng di động thông thường cho đến các mô hình dựa trên hiệu suất và nền tảng, trong đó các network API sẽ trao quyền cho các nhà phát triển tạo ra trải nghiệm ứng dụng tùy chỉnh.

Theo ông Jasmeet Sethi, Giám Đốc ConsumerLab tại Ericsson, “ khi các ứng dụng AI ngày càng phổ biến, kỳ vọng của người dùng về kết nối tốc độ cao cũng ngày càng gia tăng. Điều này phản ánh kỳ vọng của người dùng về  tiềm năng vượt trội của các ứng dụng AI trong việc tạo ra hình ảnh, âm thanh hay video, đồng thời họ sẵn sàng chi trả để có trải nghiệm nhanh chóng và tối ưu nhất. Đây là cơ hội để các CSP trên toàn cầu cung cấp những trải nghiệm kết nối vượt trội nhằm đáp ứng nhu cầu này.”

Ông Sethi khẳng định: tiềm năng tạo doanh thu từ kết nối vượt trội cho các nhà cung cấp dịch vụ sẽ gia tăng khi họ chuyển sang các mô hình kinh doanh dựa trên hiệu suất, cung cấp các gói thuê bao và kế hoạch được tùy chỉnh, với cam kết đảm bảo hiệu suất cho các nhóm người tiêu dùng khác nhau trên thị trường.

“Sự thay đổi này có thể đẩy mức doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) của 5G tăng từ 5-12%, khi người dùng cần có kết nối ổn định và đáng tin cậy cho các ứng dụng cụ thể. Cùng với đó là các cơ hội khai thác các nguồn doanh thu mới đến từ nhu cầu ngày càng tăng của người dùng 5G với các ứng dụng hiệu suất cao. Một phần ba số người dùng smartphone 5G sẵn sàng chuyển dịch 10% chi phí dành cho các ứng dụng di động hiện tại của họ sang các ứng dụng cần có kết nối tốc độ cao,” ông Sethi cho biết thêm.

Còn với thị trường Việt Nam, bà Rita Mokbel, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam, nhấn mạnh: “Khi mạng 5G được triển khai toàn diện tại Việt Nam, các CSP sẽ có thể cung cấp các network API với chất lượng theo yêu cầu (QoD) cho các nhà phát triển, từ đó đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đối với các ứng dụng hiệu suất cao".

"Điều này không chỉ cho phép các nhà phát triển cung cấp các trải nghiệm cao cấp với hiệu suất vượt trội mà còn mở ra nguồn doanh thu mới. Đây chính là một ví dụ điển hình về cách các CSP có thể khai thác network API”, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ericsson Việt Nam nhìn nhận.