08:35 07/08/2008

4 nguyên nhân tăng trưởng tín dụng giảm mạnh

Minh Đức

Tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm

Nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước “chốt” mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 30%.
Nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước “chốt” mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 30%.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Một số ngân hàng thương mại vừa lên tiếng giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các nhu cầu tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Còn trên thực tế, tăng trưởng tín dụng của hệ thống đang có dấu hiệu chậm lại.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tháng 7/2008, dư nợ cho vay nền kinh tế ước tăng 0,7% so với tháng trước; trong đó, dư nợ cho vay bằng VND ước tăng 0,59% và dư nợ cho vay bằng ngoại tệ ước tăng 1,07%. So với cuối năm 2007, dư nợ cho vay nền kinh tế đến thời điểm trên ước tăng 18,36%.

So với mục tiêu tối đa 30% trong năm nay mà Ngân hàng Nhà nước định hướng, mức tăng 18,36% nói trên đang đúng nhịp (bình quân 2,6% so với 2,5%/tháng). Nhưng chỉ riêng tháng 1, mức tăng đã chiếm tới 6,3%; mức tăng các tháng còn lại đều ở mức thấp.

Riêng trong tháng 7, mức tăng 0,7% cho thấy tốc độ đã giảm rất mạnh, xuống thấp nhất kể từ đầu năm, thấp hơn nhiều so với mức bình quân nói trên. Đây cũng là kết quả của một tháng lãi suất ngân hàng lên đỉnh điểm (có trường hợp đẩy lãi suất huy động VND lên tới 20%/năm) và căng thẳng vốn khả dụng tại nhiều thành viên.

4 nguyên nhân tăng trưởng tín dụng giảm mạnh - Ảnh 1

4 nguyên nhân chính

Nhìn lại hoạt động ngân hàng cũng như cơ chế chính sách liên quan, có thể xác định 4 nguyên nhân chính dẫn tới tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại.

Thứ nhất: căng thẳng vốn khả dụng và thanh khoản. Từ đầu năm, hoạt động của các ngân hàng thương mại bắt đầu xuất hiện hiện tượng khan hiếm tiền VND. Hiện tượng này trở thành vấn đề lớn từ tháng 2, khi nhiều ngân hàng đồng loạt hạn chế (thậm chí ngừng hẳn có thời hạn) cho vay ra do khó khăn thanh khoản và căng thẳng vốn khả dụng.

Khó khăn này kéo dài đến giữa tháng 7. Và hai tuần gần đây, một số ngân hàng thương mại lớn bắt đầu thực hiện giảm lãi suất cho vay, tăng cường giải ngân cho những nhóm đối tượng nhất định, đặc biệt là theo hướng khuyến khích các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn… Tín hiệu này có thể sẽ nâng tốc độ tăng trưởng tín dụng thời gian tới tăng nhẹ trở lại.

Thứ hai: rào cản lãi suất cao. Từ tháng 4, lãi suất huy động của các ngân hàng bắt đầu bước vào cuộc đua nóng sốt nhất trong lịch sử. Lãi suất cho vay đầu ra được điều chỉnh tăng theo cân đối. Nhưng mức lãi suất 24% - 25% đối với VND trở thành một thách thức lớn đối với khả năng sinh lời của các doanh nghiệp vay vốn, cũng như hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn của người dân. Hiện lãi suất cho vay đã thực hiện theo cơ chế mới nhưng mức tối đa 21%/năm vẫn là một chi phí lớn.

Theo nhận định của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), lãi suất cao trong thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc và chuyển quyết định vay vốn từ trung và dài hạn sang ngắn hạn. Mặt khác, để đảm bảo thanh khoản cũng như giảm bớt độ nóng của tín dụng, ngân hàng cũng hạn chế cho vay trung và dài hạn.

Từ đây có thể giải thích cho cơ cấu của tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm: dư nợ ngắn hạn tăng cao, còn tỷ trọng dư nợ trung và dài hạn giảm mạnh.

Thứ ba: hạn chế giải ngân những “điểm nóng”. Đó là khó khăn từ thị trường chứng khoán và bất động sản. Hai thị trường này bước vào kỳ sụt giảm mạnh và thanh khoản khó khăn từ đầu năm, dẫn tới sự thận trọng và hạn chế cho vay của các ngân hàng thương mại.

Trong năm 2007, đây là hai lĩnh vực trọng điểm giải ngân của nhiều nhà băng. Tỷ trọng cho vay đối với đầu tư chứng khoán phổ biến từ 10% – 15% tổng dư nợ, cá biệt có trường hợp lên tới trên 40%; với lĩnh vực bất động sản bình quân khoảng 15%. Còn nay, tỷ trọng cho vay đầu tư chứng khoán ở nhiều ngân hàng chỉ khoảng từ 1 – 3%; với bất động sản khoảng 10%, một số thành viên chỉ còn quanh 3%.

Thứ tư: hạn mức 30%. Nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà nước “chốt” mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 30%. Theo đó, các ngân hàng thương mại không còn khả năng đẩy tín dụng tăng trưởng nóng như trong năm 2007 (lên tới 51,39%).