45 dự án đầu tư ở 7 lĩnh vực, loại hình được xem xét, xác nhận thuộc danh mục phân loại xanh
Có 45 loại hình dự án đầu tư ở 7 lĩnh vực được xem xét, xác nhận danh mục phân loại xanh gồm: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; tài nguyên nước; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ môi trường....

Quyết định quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành đã nêu cụ thể các lĩnh vực, loại hình dự án đầu tư được xem xét, xác nhận thuộc danh mục phân loại xanh.
Trong số 7 lĩnh vực, loại hình được nêu trong phụ lục của quyết định, năng lượng; dịch vụ môi trường; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học có số lượng dự án nhiều nhất.
Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng, có 10 loại hình dự án gồm: sản xuất điện gió; sản xuất điện mặt trời; sản xuất điện từ nguồn năng lượng bền vững khác; sản xuất nhiệt hoặc làm mát từ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; sản xuất khí đốt từ các nguồn sinh khối; sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững; xây dựng, lắp đặt công trình điện phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng bền vững; sản xuất pin và ắc quy công nghệ cao, thân thiện môi trường; lắp đặt hệ thống lưu trữ điện từ năng lượng tái tạo…
Cụ thể, với sản xuất điện mặt trời, các dự án phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu về hiệu suất của tế bào quang điện hoặc module quang điện phải đáp ứng quy định đối với hệ thống điện mặt trời nối lưới, điện mặt trời mái nhà được hưởng cơ chế, chính sách khuyến khích phá triển điện mặt trời; không giới hạn hiệu suất chuyển đổi quang điện đối với các dự án điện năng lượng mặt trời tập trung.
Cùng với đó, thiết bị được sử dụng để sản xuất điện mặt trời phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật. Đồng thời thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm của nhà sản xuất, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Với các dự án điện gió phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu sản xuất từ một trong các loại hình (điện gió ngoài khơi, điện gió trong đất liền); thiết bị được sử dụng để sản xuất phải được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Còn các dự án sản xuất điện từ nguồn năng lượng bền vững khác phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu sản xuất từ một trong các nguồn năng lượng (gồm: địa nhiệt, sinh khối, thủy triều, sóng biển, hải lưu, chất thải rắn sinh hoạt, nguồn năng lượng mới (như hydrogen xanh, Amoniac xanh); thiết bị được sử dụng để sản xuất điện từ các nguồn năng lượng phải được chứng nhập hợp chuẩn, hợp quy, kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định.
Ở lĩnh vực giao thông vận tải, có 3 dự án gồm các dự án: đầu tư phương tiện giao thông không phát thải hoặc phát thải carbon thấp phục vụ vận tải; xây dựng cơ sở hạ tầng cung cấp nhiên liệu hoặc năng lượng phục vụ phương tiện giao thông vận tải không phát thải hoặc phát thải carbon thấp; cung cấp dịch vụ tái nạp năng lượng cho phương tiện giao thông vận tải không phát thải hoặc phát thải carbon thấp.
Quyết định này quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí môi trường để được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
Trong lĩnh vực xây dựng, có 2 dự án bao gồm các dự án: xây dựng mới, cải tạo nhà các loại đạt mục tiêu công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng mới, cải tạp công trình công ích thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Lĩnh vực tài nguyên nước có 3 dự án gồm: xây dựng công trình cấp thoát nước; khai thác, sử dụng và cung cấp nước sạch; quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn nước.
Với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học có 12 loại hình dự án gồm: trồng cây hàng năm và cây lâu năm theo tiêu chuẩn bền vững; mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; trồng rừng mới, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và trồng rừng, quản lý rừng bền vững, áp dụng phương thực canh tác nông lâm kết hợp;
Bên cạnh đó là các dự án nuôi trồng thủy sản nội địa bền vững, nuôi trồng thủy sản biển bền vững; sản xuất chế biến thực phẩm bền vững; du lịch sinh thái; phát triển công trình kỹ thuật phục vụ giảm nhẹ rủi ro và phòng chống thiên tai;
Các dự án canh tác bền vững trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển, đất thoái hóa, đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa; xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi và bảo vệ tài nguyên đất; thu gom, xử lý, tái chế, sản xuất các sản phẩm hữu ích từ phụ phẩm, chất thải phát sinh từ hoạt động nông lâm ngư nghiệp.

Còn trong công nghiệp chế biến chế tạo có 6 loại hình dự án gồm: sản xuất thiết bị điện, máy móc, thiết bị tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng; sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử phục vụ phát triển công nghệ carbon thấp; sản xuất phương tiện giao thông vận tải ứng dụng công nghệ carbon thấp; sản xuất bao bì thân thiện với môi trường; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất có nguồn gốc từ thiên nhiên với môi trường; sản xuất, phát triển công nghệ, thiết bị sản phẩm phục vụ các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Cụ thể, các dự án sản xuất thiết bị điện, máy móc thiết bị tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng phải đáp ứng đồng thời các yêu cầu: thiết bị được sản xuất phải được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được tổ chức quốc tế, quốc gia chứng nhận nhãn sinh thái; được cấp nhãn năng lượng bao gồm nhãn năng lượng so sánh (cấp 4-5 sao) hoặc nhãn năng lượng được xác nhận Ngôi sao năng lượng Việt Nam theo quy định; đạt được các yêu cầu, tiêu chuẩn quy định có liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh của các thị trường xuất khẩu.
Đối với sản phẩm được tạo ra có sử dụng các môi chất lạnh có giá trị tiềm năng làm nóng lên toàn cầu, tiềm năng làm suy giảm tầng ô dôn, phải đạt tương đương hoặc thấp hơn lộ trình quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát của Việt Nam.
Ở lĩnh vực dịch vụ môi trường gồm 9 dự án gồm: thu gom, phân loại, trung chuyển, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường; tái chế chất thải; xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường; thu gom, xử lý chất thải nguy hại; thu gom và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung; thu gom, xử lý nước thải y tế; thu gom, xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; xử lý khí thải…