Đề xuất phân loại xanh 47 loại hình dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 47 loại hình dự án đầu tư ở 7 ngành/lĩnh vực được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh gồm: năng lượng; giao thông vận tải; xây dựng; nông lâm thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ môi trường...

Dự thảo tờ trình Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy định tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh.
Quyết định áp dụng đối với chủ dự án đầu tư có nhu cầu được cấp tín dụng xanh, chủ thể phát hành trái phiếu xanh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
TIÊU CHÍ MÔI TRƯỜNG VỚI CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ ĐƯỢC CẤP TÍN DỤNG XANH, PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU XANH
Về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, dự thảo Quyết định được chỉnh lý theo hướng quy định rõ hơn các tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Cơ quan soạn thảo cho biết cách tiếp cận trong xây dựng tiêu chí môi trường của Dự thảo Quyết định phù hợp với pháp luật bảo vệ môi trường của Việt Nam; phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đảm bảo tính chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho môi trường, hài hòa với nguyên tắc phổ biến được áp dụng trên thế giới là dự án đầu tư chứng minh có ít nhất một mục tiêu bảo vệ môi trường hoặc tạo ra ít nhất một lợi ích về môi trường đồng thời phải đảm bảo dự án đầu tư đó không gây hại đáng kể đến các mục tiêu bảo vệ môi trường khác.
Theo đó, tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh gồm có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, trừ các dự án đầu tư được miễn thủ tục môi trường theo quy định của pháp luật; có mục tiêu bảo vệ môi trường, lợi ích môi trường và đáp ứng các yêu cầu quy định.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về trái phiếu, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ vào quy định này và kết quả xem xét hồ sơ chứng minh quy định làm cơ sở thực hiện cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo quy định của pháp luật.
Về xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh, dự thảo Quyết định theo hướng việc xác nhận được thực hiện theo đề nghị của chủ dự án đầu tư, chủ thể phát hành trái phiếu xanh và giao cho cơ quan cấp ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh được lựa chọn hình thức tự tổ chức thực hiện hoặc thuê tổ chức độc lập đáp ứng yêu cầu…
Đồng thời, dự thảo Quyết định bổ sung quy định “Trường hợp dự án đầu tư đã được cấp tín dụng xanh, phát hành triếu xanh nhưng không duy trì được tiêu chí môi trường, cơ quan, tổ chức cấp tín dụng, quản lý trái phiếu, cấp ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng xanh, trái phiếu xanh thực hiện việc xử lý các khoản vay, tiền thu được từ phát hành trái phiếu, khoản ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật” để đảm bảo tính chặt chẽ.
Về yêu cầu đối với tổ chức độc lập xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh, dự thảo Quyết định chỉnh lý theo hướng không quy định tên cụ thể là tổ chức kiểm toán độc lập mà quy định rõ các điều kiện về tính pháp lý, ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, nghiệp vụ và năng lực để tổ chức độc lập có thể tham gia vào việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh.
Đặc biệt, dự thảo Quyết định có yêu cầu các tổ chức này phải có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO/IEC 17029:2020 hoặc Tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17029:2019 hoặc Chuẩn mực quốc tế về dịch vụ đảm bảo (ISAE 3000) hoặc Chuẩn mực quốc tế về dịch vụ đảm bảo bền vững (ISSA 5000).
Cơ quan soạn thảo cho rằng đây là những điều kiện quan trọng được Châu Âu (EU), Tổ chức sáng kiến khí hậu (CBI) và nhiều quốc gia áp dụng để lựa chọn tổ chức đủ năng lực, nghiệp vụ tham gia hoạt động xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh.
Việc đề xuất quy định xác nhận trong Dự thảo Quyết định là giao cho cơ quan cấp ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về tín dụng xanh, trái phiếu xanh được lựa chọn tự tổ chức thực hiện hoặc thuê tổ chức độc lập đáp ứng yêu cầu phù hợp với cách làm của các quốc gia, khu vực và tổ chức tài chính lớn trên thế giới (Châu Âu, Singapore, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức sáng kiến khí hậu (CBI), Tổ chức tài chính quốc tế (IFC)…) về tính linh hoạt và đa dạng trong lựa chọn hình thức xác nhận
Quy định trên có tính khả thi vì Dự thảo Quyết định đã quy định cụ thể tiêu chí môi trường cho các dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh; có hướng dẫn về hồ sơ, tài liệu thuyết minh dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh để tổ chức thực hiện việc xác nhận…
DANH MỤC PHÂN LOẠI XANH CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG 7 NGÀNH, LĨNH VỰC
Danh mục phân loại xanh tại Phụ lục của Dự thảo Quyết định quy định 47 dự án để đảm bảo tuân thủ đúng mã ngành trong Hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam, không mở mã ngành mới; đồng thời bổ sung thêm một số dự án mới có đầy đủ căn cứ pháp lý, thông số kỹ thuật và thực tiễn có nhu cầu.
Theo đó, danh mục phân loại xanh phân bổ 47 loại hình dự án đầu tư theo 07 ngành, lĩnh vực: Năng lượng (9 dự án), Giao thông vận tải (2 dự án), Xây dựng (3 dự án), Tài nguyên nước (4 dự án), Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản và Bảo tồn đa dạng sinh học (12 dự án), Công nghiệp chế biến, chế tạo (8 dự án), Dịch vụ môi trường (9 dự án).
Cấu trúc và loại hình dự án đầu tư trong Danh mục phân loại xanh của Dự thảo Quyết định bao quát được khá toàn diện các hoạt động đầu tư trong nền kinh tế, qua đó tạo cơ hội cho tiếp cận nguồn lực tín dụng xanh, trái phiếu xanh để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh của các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế...

Cụ thể ở lĩnh vực năng lượng đề xuất 9 dự án đầu tư như: sản xuất điện mặt trời; sản xuất điện gió; sản xuất điện từ nguồn năng lượng bền vững khác; sản xuất nhiệt hoặc làm mát từ các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; Sản xuất khí đốt từ các nguồn sinh khối; Xây dựng, lắp đặt công trình điện phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới; Sản xuất pin-ắc quy công nghệ cao, thân thiện với môi trường; Lắp đặt hệ thống lưu trữ điện từ năng lượng tái tạo…
Trong lĩnh vực giao thông vận tải có 2 loại hình dự án gồm: Vận tải hàng hóa và hành khách bằng phương tiện giao thông carbon thấp; Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông vận tải carbon thấp.
Ở lĩnh vực xây dựng, đề xuất có 3 loại hình dự án gồm: Cải tạo, sửa chữa nhà để ở đạt mục tiêu công trình xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả; Xây dựng nhà để ở đạt mục tiêu công trình xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả; Xây dựng, cải tạo công trình công ích thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng.
Với lĩnh vực Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản và Bảo tồn đa dạng sinh học, đề xuất gồm các dự án: Trồng cây hàng năm và cây lâu năm; Mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt; Trồng rừng mới nâng cao chất lượng rừng tự nhiên và rừng trồng, quản lý rừng bền vững; áp dụng phương thức canh tác nông lâm kết hợp; sản xuất chế biến thực phẩm; du lịch sinh thái; Thu gom, xử lý, tái chế, sản xuất các sản phẩm hữu ích từ phụ phẩm, chất thải phát sinh từ hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp…
Trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đề xuất các dự án: Sản xuất thiết bị điện và máy móc, thiết bị tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; Sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử phục vụ phát triển công nghệ carbon thấp; Sản xuất phương tiện giao thông vận tải ứng dụng công nghệ carbon thấp; Sản xuất bao bì thân thiện với môi trường; Sản xuất, phát triển công nghệ, thiết bị, sản phẩm phục vụ các yêu cầu bảo vệ môi trường;
Bên cạnh đó là các dự án sản xuất sắt, thép, gang sử dụng hiệu quả năng lượng; Sản xuất xi măng sử dụng hiệu quả năng lượng…
Đối với lĩnh vực dịch vụ môi trường được đề xuất gồm các dự án đầu tư: thu gom, phân loại, trung chuyển, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hoặc chất thải rắn công nghiệp thông thường; tái chế chất thải; Xử lý chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp thông thường; Thu gom, phân loại, xử lý chất thải nguy hại; Thu gom nước thải đô thị, khu dân cư tập trung; Xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung; Thu gom, xử lý nước thải từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; thu gom, xử lý nước thải y tế; xử lý khí thải.
Tại cuộc họp về vấn đề này trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc ban hành tiêu chí môi trường đối với các dự án, hạng mục dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh hướng đến các mục đích tạo lập hành lang pháp lý và kỹ thuật đầy đủ cho hình thành, vận hành và điều tiết thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh theo hướng minh bạch, rõ ràng và hiệu quả.
Đồng thời, huy động nguồn lực tài chính xanh tiềm năng trong nước và quốc tế để tài trợ cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; góp phần thực hiện thành công mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.