09:09 09/09/2008

5 “đích ngắm” của công nghiệp phụ trợ

Phương Anh

Bản quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam tiếp tục được nhắc đến với 5 “đích ngắm” cơ bản

Lắp ráp xe tải tại nhà máy ôtô Vinaxuki - Ảnh: Đức Thọ.
Lắp ráp xe tải tại nhà máy ôtô Vinaxuki - Ảnh: Đức Thọ.
Sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ những năm qua đã trở thành một trong những nguyên nhân quan trọng nhất khiến tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất các ngành công nghiệp nước ta đã và đang có dấu hiệu đi xuống.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp năm 1995 đạt 42,5%, đến năm 2000 giảm xuống còn 38,45%, năm 2005 là 29,63% và năm 2007 còn 26,3%.

Đây cũng được đánh giá là một mối nguy lớn đối với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đối với các ngành công nghiệp, trong đó có các ngành được coi là mũi nhọn như điện - điện tử, da giầy, dệt may, ôtô - xe máy, cơ khí chế tạo.

Yêu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ đang ngày càng trở nên bức thiết. Năm 2007, bản quy hoạch về chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) xây dựng đã được Chính phủ phê duyệt. Tại cuộc hội thảo quốc gia lần thứ nhất “Chương trình hành động về phát triển công nghiệp phụ trợ Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tổ chức tại Hà Nội vừa qua, bản quy hoạch này tiếp tục được nhắc lại với 5 “đích ngắm” mà công nghiệp phụ trợ phải hướng tới.

Điện tử - tin học, “đích ngắm” thứ nhất, hiện là một trong những ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng và thu hút vốn FDI mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên, đây cũng là ngành chịu sự chi phối rất lớn từ công nghiệp phụ trợ nên có thể nói sự “sống còn” của công nghiệp điện tử - tin học đang đặt lên “vai” khối doanh nghiệp phụ trợ.

Do đặc thù của một ngành công nghệ cao nên một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công nghiệp phụ trợ hướng đến ngành này chính là đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Bản quy hoạch của Bộ Công Thương nêu rõ, trọng tâm trong giai đoạn từ nay đến 2010 là phải đào tạo được nguồn nhân lực đủ lớn, đủ trình độ để lấy tiền đề thu hút đầu tư từ các đối tác chiếc lược như Nhật Bản, Mỹ qua đó phát triển ngành điện tử - tin học cả về phần cứng và phần mềm theo định hướng xuất khẩu.

Riêng đối với lĩnh vực đào tạo nhân lực tin học, một số chuyên gia đánh giá đây cũng chính là một thế mạnh của Việt Nam.

Mục tiêu thứ hai mà công nghiệp phụ trợ ngành điện tử - tin học nhắm tới là phát triển các cơ sở sản xuất, thiết kế các hệ thống bán dẫn tích hợp cao, các phần mềm nhúng, thiết bị ngoại vi… Một số loại linh kiện đơn giản khác như nhựa, khuôn mẫu, mạch in… sẽ do khu vực doanh nghiệp nội địa phấn đấu thực hiện.

Ôtô - xe máy là ngành công nghiệp thứ hai chịu sự tác động mạnh mẽ và trực tiếp từ công nghiệp phụ trợ. “Nội địa hóa” lâu nay vẫn là một trong những câu chuyện được nhắc đến thường xuyên nhất đối với công nghiệp ôtô - xe máy trong nước. Do vậy, khi tỷ lệ nội địa hóa trên các dòng sản phẩm, nhất là đối với ôtô, không đạt được như quy hoạch thì dư luận và ngay cả các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý đã nghĩ đến sự thất bại của công nghiệp ôtô Việt Nam.

Vì sao câu chuyện nội địa hóa tại ngành công nghiệp ôtô Việt Nam lại không thành công? Câu trả lời từ phía các nhà sản xuất, các chuyên gia kinh tế là do thị trường còn quá nhỏ hẹp so với tiềm năng và đầu tư, bên cạnh đó là một nguyên nhân lớn xuất phát từ sự yếu kém của công nghiệp phụ trợ.

Để có thể phát triển công nghiệp phụ trợ ôtô - xe máy, theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn đầu ngành này sẽ tập trung sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng phục vụ lắp ráp các loại xe tải và xe thương mại. Về mặt sản phẩm, ban đầu sẽ là các loại ắc quy, bugi, pha đèn, kính, săm lốp, dây điện… và sau đó tiến tới các chi tiết tại các hệ thống, bộ phận quan trọng hơn như hệ động lực, động cơ, hệ truyền động, hộp số… và cuối cùng là sản xuất động cơ.

Trong giai đoạn 2010 – 2020 sẽ xây dựng và củng cố thương hiệu sản phẩm công nghiệp phụ trợ, tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp phụ trợ ôtô. Đây cũng là một trong những điểm mấu chốt nhất để phát triển công nghiệp phụ trợ ôtô, công nghiệp ôtô trong nước bởi đó là khi các doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi cung toàn cầu, một đặc thù của công nghiệp ôtô thế giới.

Đối với công nghiệp phụ trợ dệt may, theo quy hoạch, ngành này sẽ tập trung vào các nội dung như hình thành 3 trung tâm nguyên phụ liệu dệt may ở phía Bắc, Nam và miền Trung; đến năm 2015 đáp ứng được 50% như cầu các sản phẩm xơ, sợi tổng hợp, đến năm 2020 đáp ứng 80% nhu cầu sản xuất trong nước và sau năm 2020 bắt đầu thực hiện xuất khẩu; phát triển vải dệt đến 2010 đáp ứng trên 30% nhu cầu, đến 2015 đáp ứng khoảng 39% và đến 2020 đạt 40% nhu cầu vải dệt thoi.

Tương tự dệt may, công nghiệp phụ trợ da giày cũng cần tập trung sản xuất, cung cấp các loại nguyên phụ liệu, đặc biệt là da nguyên liệu.

Các loại nguyên phụ liệu khác, nhất là nguyên liệu mũ giày đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm nên cần tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ khu vực EU để phát triển.

Đích ngắm lớn thứ năm của công nghiệp phụ trợ chính là ngành cơ khí chế tạo. Trong đó mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ phát triển các cơ sở tạo phôi, gia công chi tiết và xử lý vật liệu phục vụ nhu cầu lắp ráp và gia công cơ khí. Ban đầu là để thay thế nhập khẩu, sau đó hướng tới xuất khẩu và gắn liền với việc phục vụ các ngành kinh tế quốc dân khác.

Theo quy hoạch, việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành này cũng rất quan trọng, đặc biệt là tham gia vào quá trình sản xuất công nghệ cao, những khâu cơ bản Việt Nam còn yếu kém như đúc, rèn, tạo phôi lớn, nhiệt luyện, xử lý bề mặt kim loại, sản xuất chi tiết quy chuẩn chất lượng cao…