5 đơn vị nào đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ dù lượn tại bán đảo Sơn Trà?
Trong những năm gần đây, giải dù lượn ở Đà Nẵng đã trở thành sự kiện thường niên hấp dẫn du khách tham gia trải nghiệm. Nắm bắt xu thế, các doanh nghiệp cũng cạnh tranh đẩy mạnh khai thác loại hình này để phục vụ nhu cầu của người dân...
Dù lượn đang là môn thể thao mới hấp dẫn rất đông người dân và du khách tham gia trải nghiệm tại nhiều địa phương. Với mong muốn làm mới các sản phẩm du lịch biển cũng như đa dạng hoạt động dành cho du khách khi vui chơi tắm biển tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh khai thác loại hình này.
Ngoài các CLB dù lượn thu hút những người yêu thích môn thể thao này tham gia chơi, sinh hoạt, ngày 25/5, Sở Du lịch Đà Nẵng đã công bố danh sách các đơn vị đủ điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ dù lượn không động cơ tại bán đảo Sơn Trà.
Theo đó, 5 đơn vị được cấp phép gồm: Công ty TNHH Du lịch Dù lượn Miền Trung; Công ty TNHH Đà Nẵng Bay; Công ty Cổ phần Dù lượn Đà Nẵng; Công ty TNHH Lữ Hành Tâm Phát; Công ty TNHH MTV & DV Tropical Forest. 5 đơn vị này đáp ứng các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ bay dù lượn không động cơ tại bãi dù lượn - bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Sở Du lịch Đà Nẵng cũng đề nghị các đơn vị trong quá trình hoạt động kinh doanh dịch vụ cần thực hiện đúng theo nội dung công văn đã gửi Sở Du lịch về thông báo tổ chức hoạt động kinh doanh sản phẩm du lịch của doanh nghiệp và Khoản 1, Điều 10, Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và các quy định liên quan khác của pháp luật.
Được biết, hoạt động kinh doanh dịch vụ dù lượn tại bán đảo Sơn Trà được UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý chủ trương cho thí điểm từ tháng 6/2023. Hiện nay, có 5 công ty đang khai thác dịch vụ này tại bán đảo Sơn Trà. Theo Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, vào mùa cao điểm, số lượng khách đăng ký tham gia trải nghiệm trung bình khoảng 900 lượt khách/ tháng.
Khi trải nghiệm dịch vụ, du khách sẽ được xe đưa đón lên xuống bán đảo Sơn Trà, bay cùng các vận động viên được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, được phục vụ nước uống, hoa quả trong quá trình tham gia, được chụp hình lưu niệm, lưu giữ những thước phim đẹp, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng toàn bộ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, chùa Linh Ứng, bãi biển Mỹ Khê và toàn cảnh thành phố Đà Nẵng từ trên cao. Kết thúc chuyến bay du khách sẽ được trao chứng nhận đã trải nghiệm. Giá dịch vụ giao động từ 1.690.000 đồng đến 1.850.000 đồng (đã bao gồm gói bảo hiểm cho khách hàng).
Trong khi đó, khác với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, các thành viên CLB dù lượn Đà Nẵng chủ yếu bay đơn, bay trình diễn. Hằng năm, những thành viên của các CLB thường xuyên tham gia bay tại các giải như: giải dù lượn “Bay trên biển bạc mở rộng”, hay giải dù lượn “Bay trên Tiên Sa”... Anh Nguyễn Bá Hải, Chủ nhiệm CLB dù lượn Đà Nẵng chia sẻ: “Hy vọng thông qua những giải dù lượn được tổ chức tại Đà Nẵng, môn thể thao này sẽ phát triển mạnh mẽ và trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách đến với thành phố”.
Theo anh Hải, Đà Nẵng có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển môn thể thao dù lượn, không chỉ bay tại bán đảo Sơn Trà, các điểm bay khác cũng rất hấp dẫn như Nam Ô, Hòa Bắc… Ngoài dù lượn không động cơ, nếu được thành phố cho phép, thì dịch vụ bay trải nghiệm dù lượn có động cơ dọc hai bờ sông Hàn vào các buổi tối cuối tuần cũng hứa hẹn là một trải nghiệm hút khách. Với loại hình dù lượn có động cơ các thành viên bay có thể kết hợp với trình diễn pháo sáng, hoặc bay trước giờ cầu Rồng phun lửa, phun nước để kéo dài thời gian trải nghiệm của du khách lâu hơn, dài hơn…
Theo Trưởng Ban quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Nguyễn Đức Vũ, đây là sản phẩm mới được xếp vào môn thể thao có tính chất mạo hiểm. Do đó, để khai thác hiệu quả và tạo ấn tượng cho du lịch Đà Nẵng cần phải bảo đảm đúng trình tự, an toàn cho người hướng dẫn và người bay. Nhằm phát triển sản phẩm dù lượn không động cơ, ban quản lý tiếp tục phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng tham mưu cho Sở Du lịch quảng bá và phát triển dù lượn thành một sản phẩm đặc sắc của Đà Nẵng phục vụ người dân và du khách trong mùa cao điểm du lịch hè.
Thực tế, du lịch thể thao thời gian qua đã thu hút được lượng lớn du khách tới các địa phương và tạo ra những đóng góp tích cực với doanh thu toàn ngành. Du lịch thể thao được đánh giá là giải pháp tối ưu để khắc phục tính mùa vụ của du lịch, cũng như đóng vai trò là kênh xúc tiến, quảng bá điểm đến hữu hiệu.
Liên quan đến lĩnh vực này, Đà Nẵng đã có các giải thể thao mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế được tổ chức, như Lễ hội thể thao biển Đà Nẵng - Danang Color Race, Danang International Marathon, IRONMAN 70.3 Việt Nam... Ngoài ra, không thể không nhắc đến các cuộc thi của các môn thể thao trên biển như chèo SUP (ván chèo đứng), sailing (đua thuyền buồm)… Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, thành phố Đà Nẵng đã được Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam lựa chọn để xây dựng và phát triển, hướng tới mục tiêu hình thành Trung tâm đào tạo thể thao biển quốc gia thời gian tới.
Trong năm 2024, cùng với giải marathon quốc tế, từ ngày 1 đến 9/6, Đà Nẵng sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13. Đây là lần thứ hai đại hội diễn ra tại Việt Nam và lần đầu tiên Đà Nẵng đăng cai tổ chức. Ngoài ra, thành phố còn đăng cai các giải đấu lớn như: giải Taekwondo vô địch châu Á, giải trượt băng vô địch Đông Nam Á và châu Á mở rộng…
Với lợi thế và tiềm năng về thể thao - du lịch của mình, Đà Nẵng hoàn toàn có khả năng và sự tự tin trong việc tổ chức các sự kiện, giải thể thao quy mô lớn, tạo không khí sôi nổi, thu hút khách du lịch đến với thành phố, góp phần sớm khôi phục và đẩy mạnh phát triển ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.