5 động lực quyết định hành vi người dùng trong "mùa" mua sắm cuối năm?
Có tới 9 trên 10 người mua sắm được khảo sát khẳng định sẽ cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến vào các ngày hội mua sắm ...
Đại dịch Covid-19 đã và đang làm thay đổi cơ bản cách thức, hành vi và thói quen nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Nắm bắt những chuyển động mới này để thay đổi phương thức tiếp cận trên môi trường trực tuyến, đáp ứng nhu cầu của khách hàng là chìa khóa để các doanh nghiệp vươn mình lên trong đại dịch, nhất là khi mùa mua sắm cuối năm đang cận kề.
Những ngày mua sắm giảm giá 8/8, 9/9, 10/10, 11/11, 12/12, Black Friday, Tết Nguyên đán là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm, đồng thời mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội để tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng mới và gia tăng doanh số, khi nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ đều tăng vọt.
Trong một chia sẻ mới đây về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, Facebook cho biết, vào dịp Tết 2021, có tới 79% người mua sắm được khảo sát cho biết họ đã mua hàng trực tuyến và 82% sử dụng các thiết bị di động vì “an toàn và thuận tiện hơn”. Các phương tiện số cũng hỗ trợ đắc lực cho việc tặng quà, với 60% người mua hàng cho biết đã chuyển sang các kênh trực tuyến và từ xa để gửi quà…
Những ngày mua sắm giảm giá 8/8, 9/9, 10/10, 11/11, 12/12, Black Friday, Tết Nguyên đán là cơ hội để người tiêu dùng mua sắm, đồng thời mang đến cho các doanh nghiệp cơ hội để tiếp cận người tiêu dùng tiềm năng mới và gia tăng doanh số, khi nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ đều tăng vọt.
Mùa mua sắm cuối năm 2020 cũng chứng kiến số lượng người lần đầu tiên mua sắm trong sự kiện mua sắm tăng lên, với 28% người được hỏi chia sẻ thực tế này. Có tới 91% người thuộc thế hệ Millennials cho biết mua sắm trực tuyến đóng vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống. 82% Gen X chia sẻ họ sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến nhiều hơn so với trước Covid. Đặc biệt, 9 trên 10 người mua sắm được khảo sát khẳng định sẽ cân nhắc về việc mua sắm trực tuyến vào các ngày hội mua sắm trong tương lai.
Từ thực tế hành vi mua sắm của người dùng đã cho thấy những tiềm năng to lớn dành cho các doanh nghiệp để thúc đẩy doanh thu và xây dựng thương hiệu. Theo phát hiện của hãng này, có 5 động lực chính đứng sau việc ra quyết định của người tiêu dùng trong mùa mua sắm online mà các doanh nghiệp cần quan tâm để thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong mùa mua sắm năm 2021.
Cụ thể, trong năm 2020, có tới 84% người mua hàng vào những ngày hội mua sắm đã lên kế hoạch từ trước sự kiện, cao hơn 15% so với mức trung bình tại châu Á- Thái Bình Dương. Hầu hết người mua dự định mua các mặt hàng quần áo và thời trang trong những ngày hội mua sắm, trong khi thiết bị điện tử và gia dụng được lên kế hoạch nhiều hơn trong Ngày lễ độc thân. Có khoảng 72% người mua hàng dành nhiều thời gian hơn để mua sắm trong dịp Tết.
Cũng theo khảo sát, có tới 95% người mua hàng vào những ngày hội mua sắm ở Việt Nam đã thử mua một nhãn hiệu họ chưa từng thử. 79% có khả năng thử mua các nhãn hiệu đồ ăn, thức uống mới trong dịp Tết Nguyên đán. Quan trọng hơn, 83% người mua hàng tại Việt Nam cho biết họ sẽ mua lại các thương hiệu mới mà họ phát hiện trong những ngày hội mua sắm.
Người tiêu dùng Việt Nam cũng cho biết, video và những nội dung trải nghiệm mới sẽ tạo động lực khám phá, thúc đẩy nhu cầu mua sắm trong những ngày hội mua sắm cuối năm. 84% người mua tìm được những sản phẩm phù hợp thông qua video trên mạng xã hội trước tiên. Người mua hàng cũng ngày càng quan tâm tới tính chân thật của thương hiệu và những người có tầm ảnh hưởng dịp ngày mua sắm cuối năm.
Ngoài ra, các thương hiệu cần tận dụng nhiều điểm chạm để đảm bảo một hành trình mua sắm dễ dàng cho khách hàng. Trước sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, an toàn là tiêu chí hàng đầu đối với người mua hàng. Bên cạnh đó, giao hàng đúng hạn, độ hiện diện tốt và dịch vụ khách hàng là những yếu tố được cân nhắc hàng đầu khi ra quyết định.
Theo kết quả khảo sát, 82% người mua hàng cho rằng, hình ảnh và video chất lượng cao rất quan trọng đối với bất kỳ giao dịch mua hàng nào. 65% người mua hàng trong kỳ nghỉ lễ có nhiều khả năng mua hơn nếu họ có thể liên hệ ngay với các doanh nghiệp thông qua tin nhắn.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang phải vật lộn để vượt qua thách thức do đại dịch Covid-19, các chuyên gia nhìn nhận, những ngày hội mua sắm dịp cuối năm là cơ hội để phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng.
Giám đốc Kinh doanh toàn cầu thị trường Việt Nam của Facebook, ông Khôi Lê cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp càng cần chú trọng đến việc thiết lập hiện diện số và củng cố các điểm chạm số, từ website, mạng xã hội cho đến các nền tảng nhắn tin. Những thói quen mua sắm mới trong thời đại “bình thường mới" sẽ tiếp tục tiến hoá. Việc doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng ngay hôm nay trở nên quan trọng, không chỉ cho những ngày hội mua sắm của năm 2021, mà còn xa hơn...