17:22 19/09/2011

5 giải pháp có thể kéo thế giới khỏi hiểm cảnh

An Huy

Ba năm sau vụ sụp đổ của Lehman Brothers, hệ thống tài chính toàn cầu lại đang có nguy cơ sa vào một cuộc khủng hoảng lớn mới

Gặp hiểm nguy lần này là sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và tương lai của khối Eurozone.
Gặp hiểm nguy lần này là sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và tương lai của khối Eurozone.
Ba năm sau vụ sụp đổ lịch sử của ngân hàng Lehman Brothers, hệ thống tài chính toàn cầu lại đang có nguy cơ sa vào một cuộc khủng hoảng lớn mới. Gặp hiểm nguy lần này là sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và tương lai của khối Eurozone.

Bởi vậy, giới quan sát quốc tế đang kêu gọi lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong cuộc họp tuần này tìm ra những biện pháp cứng rắn, không hẳn là một chương trình giải cứu quy mô hàng tỷ USD như hồi năm 2009, nhưng có tầm quan trọng không kém về mặt chính sách.

Hãng tin Reuters nhận định, thách thức mà các quan chức tài chính và ngân hàng trung ương khối G20 gặp phải trong cuộc họp tại Washington vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này là đi đến được những biện pháp cụ thể ngăn chặn để cuộc khủng hoảng nợ công mà Hy Lạp là trọng tâm không biến thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn diện.

Một cuộc khủng hoảng như vậy có thể trở thành gọng kìm siết chặt các quốc gia nặng nợ khác của châu Âu, dẫn tới những vụ vỡ nợ, đẩy cả khu vực và thế giới vào tình trạng hỗn loạn về mặt kinh tế và tài chính.

“Chúng ta đã bước vào một giai đoạn nguy hiểm mới của cuộc khủng hoảng. Để vượt qua, chúng ta cần có ý chí chính trị mạnh mẽ khắp thế giới, bao gồm cả khả năng lãnh đạo và khả năng chống khủng hoảng”, bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát biểu hồi tuần trước.

Trước đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cũng nhận định: “Thời gian để chần chừ không còn nữa”.

Với những cảnh báo trên, một loạt giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã nổi lên và sẽ được vạch ra chi tiết hơn trong tuần này.

Những rào cản chính trị cho việc chống khủng hoảng hiện vẫn còn khá lớn, nhưng nếu một phần của chương trình chống khủng hoảng được bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 thông qua, đồng thời được các chính phủ trong khối tiếp tục thực thi, tình trạng bất ổn trên thị trường toàn cầu hiện nay được các chuyên gia dự báo sẽ giảm bớt.

Hai yếu tố động lực của khủng hoảng, bao gồm sự bất đồng chính trị ở châu Âu về việc hỗ trợ tài chính bao nhiêu cho các chính phủ nặng nợ trong khu vực vốn đang thực hiện các chương trình thắt lưng buộc bụng; và khả năng dễ bị tổn thương của hệ thống tài chính khu vực, đặc biệt là ở Pháp, nơi các nhà băng nắm giữ 671,6 tỷ Euro trái phiếu chính phủ của các nước có thâm hụt ngân sách khổng lồ trong Eurozone.

Hai yếu tố này tác động qua lại lẫn nhau trong một vòng luẩn quẩn. Việc các nhà chức trách Đức bàn về việc để Hy Lạp vỡ nợ hoặc rời khỏi Eurozone đã đẩy các nhà đầu tư ồ ạt rút vốn ra khỏi các ngân hàng Pháp, làm gia tăng những lo ngại về thanh khoản của các nhà băng này.

Reuters nhận định, để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, cần có 5 bước đi như sau:

Thứ nhất, để hỗ trợ tăng trưởng và giảm chi phí vay vốn, cần có thêm nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ. Giải pháp này có khả năng giành được sự đồng thuận nhiều nước trong G20 có áp lực lạm phát nằm trong tầm kiểm soát.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ thể hiện vai trò của mình vào thứ Tư tuần này trong cuộc họp chính sách định kỳ kéo dài trong hai ngày 20-21/9. Thị trường kỳ vọng FED sẽ hạ lãi suất dài hạn xuống mức thấp hơn bằng cách dịch chuyển danh mục trái phiếu dài hạn trị giá 2,8 nghìn tỷ USD hiện nay sang hướng nợ dài hạn hay vì ngắn hạn như hiện nay.

Mức độ quyết liệt trong sự chuyển hướng này của FED, cùng với việc liệu FED có giảm lãi suất trả cho các nhà băng đối với tiền dự trữ của họ gửi ở FED, sẽ cho thấy mức độ lo ngại của định chế này về sự giảm tốc tăng trưởng.

Thứ hai, để giải quyết những lo ngại về khả năng trả nợ của các chính phủ, các bộ trưởng tài chính đến từ châu Âu đang cân nhắc những đề xuất sử dụng công cụ đòn bẩy cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu trị giá 440 tỷ USD. Quỹ này sẽ được thiết lập xong và đi vào sử dụng vào cuối tháng.

Mỹ đã đề xuất dùng đòn bẩy để tăng quy mô của quỹ này lên 10 lần để quỹ có khả năng giải cứu những quốc gia lớn như Italy hoặc tham gia tái cấp vốn cho các nhà băng.

Hôm thứ Sáu tuần trước tại Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã nhận được sự chào đón kém phần nồng nhiệt của các quan chức tài chính Liên minh châu Âu (EU) khi ông đưa ra ý tưởng dùng đòn bẩy nợ cho Quỹ bình ổn tài chính.

Ông Geithner cảnh báo, thảm họa có thể xảy ra nếu châu Âu không hành động quyết đoán, tuy nhiên, một số quan chức châu Âu tỏ ý không hài lòng với cái mà họ cho là một “bài giảng” của nước Mỹ. Nhưng thị trường tin là đề xuất hợp lý này của ông Geithner rốt cục sẽ được chấp nhận.

Việc dùng công cụ đòn bẩy cho Quỹ bình ổn tài chính trước mắt không khiến châu Âu mất mát gì, nhưng lại giải quyết được những khó khăn chính trị trong việc huy động vốn một khi một quốc gia lớn nào đó trong khu vực lâm nạn, đồng thời giúp tái cấp vốn cho các nhà băng khi cần thiết, và tạo lập được sự tin tưởng của thị trường.

Cuộc họp tổ chức một năm hai lần của IMF và WB tuần này sẽ cho các nhà lãnh đạo EU thêm một cơ hội để thảo luận về biện pháp này.

Thứ ba, về vấn đề thanh khoản của các nhà băng, động thái quyết đoán của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tuần trước cung cấp vốn USD trong 3 tháng cho các nhà băng đã cho thấy khả năng lãnh đạo của ECB, bất chấp sự bất đồng của các quan chức người Đức, đồng thời giải tỏa những căng thẳng về thanh khoản cho các ngân hàng trong khu vực.

Thứ tư, vốn của các ngân hàng lại là một vấn đề nhiều thách thức hơn. Các quan chức châu Âu bất đồng sâu sắc với Mỹ và IMF về quan điểm cho rằng các ngân hàng của họ cần thêm vốn. IMF ước tính, các ngân hàng ở Eurozone thiếu 200 tỷ Euro tiền vốn. Nếu EU nhất trí việc sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn tài chính, các ngân hàng trong khối có thể được tái cấp vốn chóng vánh.

Và thứ năm, về khả năng trả nợ quốc gia, các chính phủ vẫn đang tiếp tục đạt được tiến bộ trong việc giảm thâm hụt ngân sách, dù với tốc độ chậm. Tuần trước, Italy đã thông qua một kế hoạch cân bằng ngân sách vào năm 2012. Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama cũng đã vạch ra kế hoạch cắt giảm thâm hụt trong ngắn hạn. Mấu chốt cuối cùng của vấn đề là quyết sách chính trị để theo đuổi những kế hoạch đã vạch ra này.